10:38 04/09/2021

Doanh nghiệp Việt có lấy được 70% trong “miếng bánh cloud” 53,2 nghìn tỷ?

Thủy Diệu

Thị trường dịch vụ điện toán đám mây (Cloud) tại Việt Nam đã, đang tiếp tục tăng trưởng rất mạnh, dự kiến có thể đạt quy mô hơn 53,2 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ đô la) vào năm 2025...

Đến cuối năm 2020, thị trường điện toán đám mây của Việt Nam đạt khoảng 200 triệu USD (4.600 tỷ đồng) - Ảnh minh họa.
Đến cuối năm 2020, thị trường điện toán đám mây của Việt Nam đạt khoảng 200 triệu USD (4.600 tỷ đồng) - Ảnh minh họa.

Tính đến cuối năm 2020, thị trường điện toán đám mây của Việt Nam đạt khoảng 200 triệu USD (4.600 tỷ đồng), tuy nhiên doanh nghiệp Việt mới chỉ chiếm được 20%, còn lại 80% là rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài.

DỰ KIẾN TĂNG 26%/NĂM, CAO NHẤT ĐÔNG NAM Á

Trong một báo cáo mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, có đưa ra nhận định, thị trường dịch vụ Cloud ở Việt Nam được đánh giá sẽ rất phát triển, các nghiên cứu của những tổ chức nghiên cứu quốc tế uy tín cũng dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường Cloud Việt Nam sẽ là 26% mỗi năm (cao nhất trong khu vực ASEAN), và cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng trung bình 16% trên toàn cầu.

 
"Nếu đến năm 2025 toàn bộ doanh nghiệp chuyển dịch lên dùng Cloud thì thị trường sẽ đạt hơn 53,2 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ đô la)”.

Theo tính toán, trung bình chi cho dịch vụ Cloud hiện nay của một doanh nghiệp vào khoảng 66,6 triệu đồng/năm, hiện chỉ có 56% doanh nghiệp dùng dịch vụ Cloud.

“Tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam là khoảng 800.000 doanh nghiệp, với những lợi ích mang lại từ dịch vụ Cloud và các chính sách liên quan trong thời gian tới sẽ thúc đẩy nhiều hơn nữa doanh nghiệp sử dụng dịch vụ Cloud, nếu đến năm 2025 toàn bộ doanh nghiệp chuyển dịch lên dùng Cloud thì thị trường sẽ đạt hơn 53,2 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ đô la)”, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định.

Thời gian qua, người sử dụng chứng kiến những hãng cung cấp dịch vụ lưu trữ trực tuyến lớn đồng loạt thông báo thu phí lưu trữ người dùng (iCloud thu 228.000 đồng/năm/50G lưu trữ; Google thu 450.000 đồng/năm/100G lưu trữ). Với chiến lược phát triển có 100 triệu người dân Việt Nam sử dụng Internet thì theo tính toán thị trường cung cấp dịch vụ lưu trữ trên Cloud ở Việt Nama có thể đạt hơn 10,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 0,4 tỷ đô la).

Thực tế, “bệ đỡ” cho đà tăng trưởng của dịch vụ đám mây còn được cộng hưởng bởi quy mô dân số cũng như quỹ đạo tăng trưởng dữ liệu của quá trình chuyển đổi sang chính phủ số, xã hội số và kinh tế số, đòi hỏi cần sự phát triển mạnh mẽ của các trung tâm dữ liệu, nơi đáp ứng yêu cầu lữu trữ, tính toán, xử lý dữ liệu ngày càng gia tăng.

Theo thống kê, hiện nay, Việt Nam có khoảng 27 Trung tâm dữ liệu (Datacenter) do 11 doanh nghiệp trong nước đầu tư với hơn 113.120 máy chủ, tổng diện tích mặt sản là 173.619 m2 với tổng công suất 15MW, tiêu chuẩn thiết kế đều đạt Tier 3 và Uptime Tier 3, đang cung cấp cho hơn 26.500 khách hàng và có khả năng lưu trữ 60.000 T-byte dữ liệu.

MỤC TIÊU 70% LÀ CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT

Trong báo cáo xây dựng chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 Bộ Thông tin và Truyền thông có đặt ra mục tiêu: “70% thị phần dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam thuộc các nhà cung cấp dịch vụ trong nước”. 

Nhiệm vụ trên xem ra khá “nặng” và khó khăn. Bởi hiện nay, trong “miếng bánh” 4.600 tỷ đồng tính đến cuối năm 2020, doanh nghệp Việt Nam mới chiếm khoảng 20% thị phần các sản phẩm, dịch vụ điện toán đám mây trong nước (tương đương hơn 900 tỷ đồng), 80% thị phần còn lại do nhà cung cấp nước ngoài cung cấp (Google, AWS, Microsoft Azure,...).

Trong các chỉ tiêu so sánh giữa các nhà cung cấp dịch vụ trong nước và quốc tế (gồm: thương hiệu; hệ sinh thái sản phẩm; năng lực cạnh tranh giá; năng lực bán hàng; chất lượng dịch vụ; năng lực công nghệ) thì các nhà cung cấp trong nước chỉ có lợi thế về cạnh tranh giá (linh hoạt), trong doanh nghiệp ngoại thì giá rẻ. 

Đánh giá tổng thể năng lực cạnh tranh của các nhà cung cấp trong nước và nước ngoài - Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đánh giá tổng thể năng lực cạnh tranh của các nhà cung cấp trong nước và nước ngoài - Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hai chỉ số quan trọng là năng lực công nghệ (doanh nghiệp Việt mới đang phát triển – doanh nghiệp ngoại: mạnh), và đặc biệt là hệ sinh – có thể xem là yếu tố quyết định sử dụng của người dùng- thì doanh nghiệp Việt đang ở tình thế bất lợi khi chỉ có khoảng 40 sản phẩm, còn doanh nghiệp nước ngoài có tới hơn 150 sản phẩm.

Theo đánh giá, các nhà cung cấp dịch vụ Cloud tại Việt Nam có thế mạnh về hạ tầng kết nối, năng lực về Data Center, đáp ứng tốt nhất mảng dịch vụ Hạ tầng IaaS, riêng mảng Nền tảng (PaaS) và SaaS còn rất hạn chế (chỉ có một số dịch vụ). Dịch vụ PaaS đòi hỏi đầu tư dài hạn nguồn lực và công nghệ, nghiên cứu, phát triển và có hệ thống khách hàng, đối tác lớn, các nhà cung cấp trong nước phần lớn chưa phát triển đủ mạnh để cạnh tranh với hệ sinh thái của nhà cung cấp nước ngoài.

Một số thách thức, nguyên nhân khiến các nhà cung cấp trong nước chưa có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển như: chưa tạo được niềm tin của doanh nghiệp trong việc sử dụng dịch vụ đám mây; nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hiểu rõ về điện toán đám mây; tỷ lệ cơ quan nhà nước ở nước ta sử dụng dịch vụ Cloud còn rất thấp.

Hay chưa có quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân và chưa có chính sách về quản lý dịch vụ điện toán đám mây; chưa thúc đẩy việc sử dụng điện toán đám mây thông qua nâng cao nhận thức, phát triển kỹ năng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Giới chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần ban hành các chính sách về phân loại dữ liệu để quản lý, bảo vệ vì dữ liệu được coi như loại dầu mới của nền kinh tế kỹ thuật số (Data Is the New Oil of the Digital Economy), nếu không có chính sách bảo vệ thì tổ chức, doanh nghiệp không yên tâm khi đưa tài sản đó lên “mây”.