Doanh nghiệp Việt và bài toán năng lực: Biến thách thức thành lợi thế cạnh tranh
Biến động địa chính trị và tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp Việt Nam trong việc tái thiết mô hình vận hành để nâng cao năng lực thích ứng và sức chống chịu…

Tại sự kiện “Triển vọng Kinh doanh Việt Nam 2025” do Ngân hàng UOB Việt Nam và EuroCham Việt Nam đồng tổ chức, các chuyên gia từ lĩnh vực đầu tư, chuỗi cung ứng, chuyển đổi số và phát triển bền vững đã cùng phân tích những kết quả khảo sát nổi bật từ Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp UOB năm 2025 của UOB (UOB BOS 2025). Từ đó, họ gợi mở những hướng đi mới để doanh nghiệp vững vàng trước làn sóng thay đổi toàn cầu.
CHUYỂN ĐỔI SỐ: TỪ TRIỂN KHAI TRÊN DIỆN RỘNG ĐẾN TỐI ƯU HÓA CÓ MỤC TIÊU
Theo UOB BOS 2025, gần 90% doanh nghiệp Việt Nam dự định tăng đầu tư vào chuyển đổi số trong năm 2025, nhưng chỉ 65% doanh nghiệp đánh giá rằng họ đã thành công trong việc triển khai ứng dụng kỹ thuật số trong năm 2024. Thực tế này đặt ra câu hỏi: chuyển đổi số đang tạo ra giá trị gì, và liệu những giá trị đó có được đo lường một cách rõ ràng?

Ông Vlad Savin, Đối tác tại Acclime Việt Nam, chia sẻ: “Một khoảng cách phổ biến chúng tôi quan sát được là sự chênh lệch giữa tham vọng chuyển đổi số của doanh nghiệp và thực tiễn năng lực số tại Việt Nam. Thách thức không chỉ nằm ở hạ tầng công nghệ mà còn ở văn hóa doanh nghiệp, từ khả năng lãnh đạo số, tích hợp CNTT vào vận hành cốt lõi, đến sự sẵn sàng của nhân sự. Nếu không thu hẹp khoảng cách này, chuyển đổi số sẽ khó mang lại giá trị thực”.
Trong bối cảnh chi phí vận hành gia tăng và áp lực tăng trưởng không suy giảm, chuyển đổi số cần được tái định vị, từ việc triển khai công cụ sang tối ưu hóa mô hình vận hành, đảm bảo mỗi bước chuyển đổi đều hướng tới giá trị cụ thể và đo lường được.
ESG: TỪ TUÂN THỦ HÌNH THỨC ĐẾN LỢI THẾ CẠNH TRANH BỀN VỮNG
ESG đang dần trở thành tiêu chuẩn tiên quyết trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Đây không chỉ là yêu cầu tuân thủ, mà còn là “tấm vé thông hành” để tiếp cận thị trường và duy trì vị thế.

Ông Wouter van Ravenhorst, Giám đốc Điều hành, Control Union Việt Nam, nhận định: Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và nhận thức rõ tầm quan trọng của tuân thủ để tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu toàn cầu đặt kỳ vọng cao hơn: ESG cần được tích hợp vào chiến lược kinh doanh như một trụ cột, nhất là khi các yếu tố như phát thải carbon, tái chế và quản lý nhựa đang trở thành tiêu chuẩn bắt buộc. Với khát vọng tăng trưởng và năng lực thích ứng, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tiên phong trong chuyển đổi này”.
Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam, bổ sung: “Khi ESG được tích hợp sớm vào chuỗi giá trị, doanh nghiệp không chỉ giảm rủi ro bị loại khỏi mạng lưới cung ứng mà còn chủ động xây dựng lợi thế cạnh tranh trong tiếp cận thị trường cao cấp”.
CHUỖI CUNG ỨNG: TỪ TRUNG TÂM LẮP RÁP GIÁ RẺ ĐẾN MẮT XÍCH GIÁ TRỊ KHU VỰC
Khái niệm “ổn định chuỗi cung ứng” giờ đây bao hàm nhiều hơn năng lực logistics; nó đòi hỏi khả năng phản ứng nhanh, minh bạch và kết nối khu vực, đặc biệt trong mạng lưới thương mại nội khối ASEAN.
Theo UOB BOS 2025, 34% doanh nghiệp Việt Nam cho biết họ chịu tác động từ yếu tố địa chính trị; gần một nửa lo ngại chi phí sẽ tiếp tục tăng do chính sách thương mại mới.
Ông André de Jong, Thành viên Ban lãnh đạo, EuroCham Việt Nam, nhận định: “Việt Nam đang từng bước vượt lên để trở thành mắt xích quan trọng và mang lại giá trị cao trong chuỗi cung ứng ASEAN. Để đi xa hơn, điều cốt lõi là đẩy mạnh tự động hóa, chuyển đổi số và tuân thủ các chuẩn ESG quốc tế, song hành với đầu tư vào hạ tầng cốt lõi và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”.
MỞ RỘNG QUỐC TẾ: ĐÒI HỎI MÔ HÌNH VẬN HÀNH ĐỦ CHIỀU SÂU
Sự chuyển dịch trong chiến lược của các nhà đầu tư châu Âu phản ánh một yêu cầu rõ ràng: không chỉ hiện diện tại thị trường mới mà cần có năng lực vận hành đủ chiều sâu để phát triển bền vững.
Ông André de Jong chia sẻ: “Xu hướng chỉ đơn thuần thâm nhập thị trường đang dần nhường chỗ cho mô hình hợp tác lâu dài. Doanh nghiệp châu Âu ngày càng đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị, đồng hành cùng đối tác Việt Nam trong chuyển đổi số và ESG, như một chiến lược phát triển bền vững tại thị trường trọng điểm này”.
Ông Lim Dyi Chang nhấn mạnh: “Dù khoảng 90% doanh nghiệp Việt Nam có ý định mở rộng quốc tế, phần lớn vẫn thiếu nền tảng tích hợp để thực thi hiệu quả. Mở rộng quy mô chỉ tạo ra giá trị khi gắn với khả năng vận hành đa thị trường”.
NĂNG LỰC THỰC THI: ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT CỦA MỌI CHIẾN LƯỢC
Kết thúc phiên thảo luận, ông Lim Dyi Chang khẳng định: “Dữ liệu khảo sát là điểm khởi đầu. Quan trọng hơn là khả năng chuyển hóa những phát hiện đó thành hành động thực tiễn”.
Từ chuyển đổi số đến ESG, từ chuỗi cung ứng đến mở rộng thị trường, bài toán không còn nằm ở việc “có làm hay không”, mà ở chỗ doanh nghiệp đã đủ năng lực để biến chiến lược thành lợi thế vận hành thực chất hay chưa.
Với vai trò là cầu nối hệ sinh thái khu vực và nhà đầu tư quốc tế, UOB cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp Việt trong quá trình nâng cấp mô hình vận hành, từ tích hợp ESG vào chiến lược cốt lõi, thúc đẩy chuyển đổi số có mục tiêu, đến tối ưu chuỗi cung ứng và mở rộng tăng trưởng xuyên biên giới.
Trong bối cảnh địa chính trị phức tạp và áp lực chuỗi cung ứng gia tăng, Vietnam Business Outlook 2025, do UOB Việt Nam phối hợp cùng EuroCham Việt Nam tổ chức, đã quy tụ hơn 60 lãnh đạo cấp cao từ các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước và đối tác chiến lược. Sự kiện nổi bật với phân tích từ ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, UOB Việt Nam, cùng phần thảo luận chuyên sâu với các chuyên gia từ EuroCham Việt Nam Acclime Việt Nam và Control Union Việt Nam
Khám phá toàn cảnh sự kiện tại: https://www.uob.com.vn/business/events/vietnam-business-outlook-2025.page