15:34 01/08/2021

Đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 56-2021

Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 56 phát hành ngày 2-8-2021 với nhiều chuyên mục...

Đại dịch Covid-19 đã làm tê liệt ngành hàng không trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, dù đã nỗ lực bằng nhiều cách thức khác nhau, cố gắng tối ưu hóa mọi hoạt động khai thác và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng đến nay, các hãng bay đều đã cạn kiệt dòng tiền, đối mặt với tình trạng mất khả năng thanh toán và nguy cơ phá sản cận kề nếu không có những giải pháp hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ Chính phủ.

Kinh tế Việt Nam bộ mới số 56-2021.
Kinh tế Việt Nam bộ mới số 56-2021.

Thấu hiểu những khó khăn của ngành hàng không trong nước, hàng loạt những chính sách về miễn giảm thuế, phí đã được Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành triển khai nhằm hỗ trợ các hãng bay. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có Vietnam Airlines- hãng hàng không quốc gia Việt Nam, nhận được gói cứu trợ trị giá 4.000 tỷ đồng. Đây cũng là một phần trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020 theo hình thức tái cấp vốn. 

Đối với các hãng hàng không tư nhân, việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại và các giải pháp tài chính khác vào lúc này đều khó khả thi, nếu không có một cơ chế đặc biệt. 

Dự báo ngành hàng không còn tiếp tục gặp khó khăn kéo dài và giải bài toán vốn giúp cho ngành hàng không cầm cự và thoát hiểm vào lúc này như thế nào? Tại sao nên thực hiện hỗ trợ đặc biệt hay còn gọi là “giải cứu” các hãng hàng không, bao gồm cả hàng không tư nhân? Kinh nghiệm của các quốc gia khác trên thế giới ra sao?...

Tất cả những câu hỏi và đề xuất nêu trên sẽ được các chuyên gia thảo luận và giải đáp trong chuyên mục Tiêu điểm “Giữ cánh” cho hàng không Việt", đăng trong Tạp chí Kinh tế Việt Nam bộ mới số 56-2021, phát hành vào sáng mai, thứ Hai (2-8),  với 15 trang bài viết.

Nhận diện “bức tranh” hàng không Việt và kiến nghị. Tại Việt Nam, tình hình tài chính các hãng hàng không đang trong tình trạng kiệt quệ tài chính, toàn bộ tàu bay nằm im dưới mặt đất, doanh thu sụt giảm; trong khi đó, vẫn phải duy trì các chi phí trả nợ vay, trả nợ các nhà cung cấp dịch vụ và lương cho người lao động… Gần đây, Quốc hội và Chính phủ đã có gói hỗ trợ lãi suất tái cấp vốn 0% cho Vietnam Airlines (VNA) trong khi các hãng hàng không tư nhân như VietJet Air, Bamboo Airways và một số hãng nhỏ khác chưa nhận được sự hỗ trợ đáng kể nào. (TS. Cấn Văn Lực -Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia; Kinh tế trưởng BIDV và Nhóm Nghiên cứu).

Các hãng bay thế giới quay cuồng trong cuộc chiến sinh tử. Cũng giống như Vietnam Airlines, Vietjet hay Bamboo Airways của Việt Nam, sự “tàn khốc” của dịch Covid-19 đã khiến nhiều hãng hàng không trên thế giới sụp đổ, buộc phải tuyên bố phá sản hay phải xin cứu trợ từ chính phủ. (Ngân Hà).

“Giữ cánh” cho hàng không Việt. Từ đầu năm 2020 đến nay, chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid – 19, tình trạng tài chính các hãng hàng không Việt Nam đang ở mức kiệt quệ. Nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay đã lên tới 36 nghìn tỷ đồng. Làm thế nào để đưa các hãng bay thoát khỏi tình trạng “chết lâm sàng” để đón kịp thời điểm hồi phục của nền kinh tế vào giữa năm sau như dự báo của các chuyên gia. (Đào Hưng)  

Giải cứu hàng không Việt: chờ một phép màu. Chưa bao giờ các hãng hàng không Việt Nam lại trong tình trạng “chỉ mành treo chuông” như lúc này. Ngoại trừ Vietnam Airlines được Nhà nước “cấp cứu” thì VietJet Air, Bamboo Airways và một số hãng nhỏ khác đang “vật vã” với các khoản nợ đến hạn nhưng dòng tiền bị đứt gãy, buộc phải nợ lương, tạm dừng hoạt động của cộng tác viên. Họ đang chờ một phép màu. (Ánh Tuyết).

Hàng không Việt đối diện với “bão mạng”. Các hãng hàng không Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn từ khi Covid -19 xuất hiện và bùng phát. Trong khi đã kiệt sức vì phải chống dịch bệnh, các hãng hàng không lại tiếp tục phải đương đầu với những cơn “sóng dữ” từ mạng xã hội, thậm chí cả những cơn “bão lớn”. (Song Hoàng).

Cùng nhiều bài viết cho các chuyên mục khác:

Hành trình mới của bộ máy hành pháp. Ngày 28/7/2021, ngày làm việc thứ 9 và cũng là ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chính thức xác nhận tư cách pháp lý của cơ quan hành pháp quốc gia, đặt lên vai Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính trách nhiệm quản lý và điều hành đất nước trong nhiệm kỳ mới, kéo dài từ nay đến đầu năm 2026. (Nguyễn Quốc Uy).

Covid-19 kìm hãm đà tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Dịch Covid-19 lần thứ tư với biến chủng mới bùng phát mạnh đã khiến hàng loạt khu công nghiệp, nhà máy phải tạm đóng cửa, chuỗi cung ứng sản xuất bị đứt gãy do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp trong tháng 7 và 7 tháng năm 2021. (Mạnh Đức).

Lo lắng gia tăng theo con số nhập siêu. Bẩy tháng đầu năm 2021, nhập siêu đạt 2,7 tỷ USD, tăng gấp 7,3 lần so với mức 369 triệu USD của 5 tháng đầu năm. Một số quan điểm lo lắng nhập siêu gia tăng là một trong những thách thức lớn của nền kinh tế, nhưng cũng có ý kiến lạc quan hơn, cho rằng không đáng ngại, bởi nhìn vào cơ cấu nhập khẩu chủ yếu là tư liệu sản xuất phục vụ cho xuất khẩu những tháng cuối năm. (Nguyễn Mạnh).

“Chúng tôi tin vào triển vọng kinh tế Việt Nam”. Tâm lý đầu tư của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã có “phản ứng” trước sự bùng phát và lan rộng của đợt dịch Covid-19 thứ tư, sự bi quan về triển vọng ngắn hạn gia tăng. Phỏng vấn ông Alan Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam. (Khánh Vy).

Lạc quan với thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2021. Nhiều tổ chức, công ty chứng khoán, các chuyên gia tài chính vẫn nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong nửa cuối năm 2021, cho dù thời điểm này thị trường đang chịu ảnh hưởng rất tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19. (Tú Uyên).

Luật Phòng chống tội phạm rửa tiền bộc lộ nhiều bất cập. Có hiệu lực thi hành từ năm 2013, Luật Phòng, chống rửa tiền được xem là văn bản pháp lý toàn diện quy định về phòng, chống rửa tiền theo định hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, sau hơn 8 năm thi hành, bộ luật này đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động phòng, chống rửa tiền. (Lâm Phong).

Đất công nghiệp rộng mở đón nhà đầu tư mới. Đất công nghiệp rộng mở đón nhà đầu tư mới. Bất chấp sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 trong thời gian gần đây, tại Việt Nam, hàng chục dự án khu công nghiệp tại 13 tỉnh, thành phố đã được phê duyệt, hứa hẹn cung cấp hàng nghìn ha diện tích đất cho các nhà đầu tư trong vài năm tới. (Mộc Minh),

Việt Nam trước ngã ba đường: Dập dịch hay sống chung? Rất nhiều câu hỏi được các chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài đặt ra về cách “ứng xử” của Việt Nam với đại dịch Covid-19. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng Việt Nam phải lựa chọn cách kiểm soát dịch bệnh ít gây tổn thất nhất tới người dân và doanh nghiệp. (Đặng Hương).

Kiểm soát tốt dịch bệnh: “visa” thu hút vốn FDI. Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã ảnh hưởng tới “tâm lý” đầu tư của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Song với việc đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng vaccine, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng do thực hiện giãn cách, các doanh nghiệp FDI vẫn tin vào triển vọng đầu tư tại Việt Nam. (Anh Nhi).

Doanh nghiệp khởi nghiệp trong “cơn lốc” Covid-19. Biến cố Covid-19 như một phép thử nghiệt ngã với các doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up). Không ít start-up đã phải “đóng băng”, dừng cuộc chơi hoặc “xóa bài chơi lại”, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp vẫn phát triển bứt phá vì biết nắm bắt cơ hội, tìm đúng được nhu cầu thị trường và hành vi tiêu dùng trong đại dịch. (Đỗ Phong).

Vững tay chèo lái giữa“sóng dữ” Covid. “Mệt thì nghỉ, không bao giờ bỏ cuộc!” Đó là câu nói mở đầu một status trên tài khoản Facebook cá nhân của doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group - Công ty lữ hành chuyên bán tour cao cấp. Đây cũng là tinh thần sắt đá của doanh nghiệp du lịch này khi 95% công ty lữ hành đã bỏ cuộc. (Thành Trung).

Gói hỗ trợ: Chiếc cầu bắc qua dòng nước xiết. Người dân Việt Nam không nên nhìn nhận các gói hỗ trợ kinh tế trên khía cạnh chi phí, mà nên coi đó chính là sự đầu tư. Đây là chiếc cầu bắc qua dòng nước xiết, giúp bình ổn nền kinh tế, giúp các gia đình không bị rơi vào nghèo khó, đất nước hồi phục nhanh hơn và mạnh mẽ hơn từ “cơn bão” Covid-19. (André Gama- Phụ trách chương trình về An sinh xã hội, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam).

Các nền kinh tế phương Tây thích nghi dần với Covid-19. Các nền kinh tế phương Tây đang dần học được cách sống chung với Covid-19. Cứ sau mỗi làn sóng virus, ảnh hưởng kinh tế lại giảm đi so với đợt dịch trước. Vaccine chính là nhân tố quyết định khả năng chống chọi ngày càng tốt này, cho dù thế giới đang phải đương đầu với Delta - một biến chủng có khả năng lây lan cực nhanh của virus Sars-CoV-2. (Kiều Oanh).