Đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 57-2021
Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam số 57 phát hành ngày 9-8 với nhiều chuyên mục...
Tác động của đại dịch covid-19 năm 2021 đến chuỗi cung ứng, về cơ bản là khác hoàn toàn so với năm 2020. Vấn đề mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt trong suốt mấy tháng qua không phải về nguồn cung hay cầu mà chính ở các nhà máy sản xuất.
Các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 85% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, có tác động đến các ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, logistics... và đặc biệt là tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động trực tiếp cũng như gián tiếp trong các ngành nghề liên quan. Việc đứt gãy các chuỗi giá trị và cung ứng trong các ngành sản xuất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội và nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Trong số báo ra sáng mai, thứ Hai - ngày 9/8/2021, Kinh tế Việt Nam bộ mới số 57-2021 sẽ dành 15 trang chuyên mục "Tiêu điểm" cho câu chuyện "Chống đứt gãy chuỗi cung ứng", với mong muốn được chung tay cùng Chính phủ và các bộ ngành quyết tâm thực hiện mục tiêu kép: vừa sản xuất vừa chống dịch hiệu quả và an toàn. Các bài viết bao gồm:
“Không chống dịch cũng chết, không làm kinh tế cũng chết”. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường, đặc biệt với biến chủng Delta lây lan nhanh và mạnh, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố đã phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Những tình huống chưa có tiền lệ này gây ra không ít khó khăn, bỡ ngỡ cho cả cơ quan quản lý, người dân lẫn cộng đồng doanh nghiệp. (Nguyễn Tuyến – Đặng Hương).
“Nhạy cảm” với Covid-19, thu hút FDI cần sự điều chỉnh. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gần đây cho thấy sự “nhạy cảm” đặc biệt với khả năng đi lại của nhà đầu tư giữa lúc Covid-19 diễn biến phức tạp và lan rộng. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có sự điều chỉnh phù hợp trong thu hút FDI thời gian tới. (Anh Nhi).
Thích ứng với đại dịch: doanh nghiệp chủ động xoay chuyển tình thế. Đợt bùng phát Covid - 19 lần thứ tư gần như cuốn phăng mọi nỗ lực chống dịch trước đó. Nhiều doanh nghiệp “chết lâm sàng” nhưng cũng không ít đơn vị biết tận dụng hỗ trợ của Chính phủ để thích ứng... (Ánh Tuyết).
Ngành thuỷ sản "hụt hơi" vì Covid-19. Triển vọng xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2021 đang rất khả quan, nhưng đã bị chững lại từ giữa tháng 7 khi làn sóng Covid-19 lần thứ tư bùng phát dữ dội ở khu vực trọng điểm sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản là TP.HCM và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đúng vào giai đoạn cao điểm thu hoạch, chế biến và xuất khẩu thủy sản.... (Chu Khôi).
Xuất khẩu nông lâm, thủy sản: Nên chọn FOB hay CIF? Trước đây, các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm, thủy sản chủ yếu xuất khẩu theo phương thức giao hàng tại cảng Việt Nam. Nhưng từ khi Covid-19 xảy ra trên toàn cầu, giá cước vận tải tàu biển tăng cao, phần lớn đối tác mua hàng yêu cầu chuyển sang giao nhận hàng tại cảng của nước nhập khẩu, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản rất bị động. (Chương Phượng).
Dệt may “điêu đứng” vì Covid. Hai thách thức lớn nhất hiện nay mà ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt là đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa do khó khăn trong luân chuyển và đứt gãy cung ứng lao động do hoàn cảnh làm việc theo mô hình giãn cách. Trong thời gian tới, việc duy trì được sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh. (Vũ Khuê).
Giảm nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng vì Covid-19. Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam đến nay, nhiều doanh nghiệp nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp buộc phải tạm dừng hoạt động vì không thể đáp ứng được tiêu chí “ba tại chỗ” hay “hai điểm đến một cung đường”. Làm thế nào để vừa sản xuất vừa chiến đấu chống dịch là một bài toán khó ở thời điểm hiện tại. Để tìm lời giải cho câu chuyện này, a/b đã ghi lại những ý kiến và quan điểm của các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp. (Nhóm phóng viên thực hiện).
“Chìa khoá” để thế giới thực hiện mục tiêu kép. Hiện tại các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn xem tiêm chủng là giải pháp hữu hiệu nhất để thực hiện mục tiêu kép vừa chống đại dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế. (Kiều Oanh).
Cùng nhiều bài viết cho các chuyên mục khác:
Chính sách "thời chiến". Ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, khi xảy ra chiến tranh, có những chính sách không theo luật hoặc khác luật đã được áp dụng. Đó là chính sách thời chiến. Theo đó, Nhà nước có quyền trưng mua, trưng dụng, thậm chí trưng thu các tài sản và phương tiện phục vụ nhu cầu chiến tranh mà mọi tổ chức và cá nhân phải chấp hành. Chính sách “thời chiến” áp dụng trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19 là hợp hiến và thực sự cần thiết. (Nguyễn Quốc Uy).
Hoàn thiện pháp lý về kinh doanh có trách nhiệm.Để đảm bảo các luật mới ban hành giải quyết hiệu quả những tác động tiêu cực của hoạt động kinh doanh đối với xã hội, Bộ Tư pháp đang tiến hành lấy ý kiến đánh giá của các bộ, ngành liên quan cho Đề án “Xây dựng chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam”. (Lâm Phong).
Điều chỉnh quyền số và gốc tính CPI giai đoạn 2020-2025: Ý nghĩa xã hội và tác động đến quản lý vĩ mô. Quyền số và danh mục hàng hóa trong Danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện hay là “rổ” hàng hóa để tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho giai đoạn 2020-2025 được điều chỉnh, đổi mới so với giai đoạn 5 năm trước đó. Sự điều chỉnh này được giới nghiên cứu đánh giá là có những bước tiến căn bản. Tuy nhiên, vẫn cần bổ sung một số điểm để kết quả thống kê phản ánh chính xác, cập nhật nhằm hỗ trợ tối đa cho điều hành và quản lý vĩ mô. (Th.s Nguyễn Thị Thu Trang - Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV).
Hiểm họa từ trái phiếu doanh nghiệp không tài sản bảo đảm. Khi lãi suất tiền gửi tiền vay hạ thấp để hỗ trợ sản xuất thì lãi suất trái phiếu doanh nghiệp trở thành mồi nhử dòng tiền huy động từ nhà đầu tư và dân cư. Mặc dù trái phiếu không tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm chính là cổ phiếu của mình nhưng hàng đẩy ra đến đâu hết đến đó. Đáng chú ý, một lượng lớn nằm trong tay ngân hàng và công ty chứng khoán. (Tuyết nhi).
Vì sao Việt Nam không có tiệc IPO? Báo cáo xu hướng IPO (Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) toàn cầu mới nhất của EY cho thấy số lượng và giá trị các thương vụ IPO sáu tháng đầu năm 2021 đạt kỷ lục trong vòng 20 năm trở lại đây. Một trong những lý do quan trọng thôi thúc các doanh nghiệp IPO là nhiều chỉ số chứng khoán trên thế giới tăng mạnh từ quý 2/2020. (TS. Võ Đình Trí - Đại học Kinh tế Tp.HCM, IPAG Business School Paris AVSE Global).
Thị trường nhà đất vẫn hấp dẫn đầu tư. Dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng cùng với thực hiện giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều tỉnh, thành đã tạo tâm lý lo ngại rằng thị trường bất động sản sẽ trầm lắng trong quý 2/2021. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thị trường này vẫn đón nhận nhiều dấu hiệu tích cực và nhiều doanh nghiệp vẫn bày tỏ sự lạc quan về triển vọng của thị trường. (Nam Huyền).
Nhà đầu tư tiến thoái lưỡng nan vì quy định. Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư được ban hành đã góp phần tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động lựa chọn nhà đầu tư nói chung và các dự án đầu tư có sử dụng đất nói riêng. (Vũ Khuê).
Đẩy mạnh phát triển ngành logistics điện tử. Ngành e-Logistics hay logistics điện tử được xem là 5PL logistics, tức logistics kết hợp với thương mại điện tử. Tại Việt Nam hiện nay, ngành này khá mới mẻ, nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên các doanh nghiệp còn gặp không ít khó khăn. (Tuệ Mỹ).
Game online Việt trở lại đầy ngoạn mục. Vượt qua nhiều thăng trầm và có lúc tưởng như chìm xuống rất sâu do những định kiến của xã hội, các nhà phát hành game Việt mới đây đang trở lại đầy ngoạn mục. Có vốn hóa vượt cả tỷ đô la, đạt mốc một tỷ lượt tải về hay lọt top các nhà phát hành ứng dụng toàn cầu là những gì mà game phát triển bởi người Việt đã làm được trong thời gian qua. (Gia Bảo).
Hỗn loạn giá vaccine phòng Covid. Sự khan hiếm vaccine phòng Covid-19 trên thế giới có thể khiến ít người để ý đến giá của nó. Tuy nhiên, mới đây Liên minh Vaccine cho tất cả mọi người, ra thông báo cáo buộc các nhà sản xuất vaccine giữ độc quyền, rồi đẩy giá bán lên gấp 5 lần so với giá sản xuất để hưởng lợi. (Lý Hà).