07:51 14/12/2024

Dow Jones giảm phiên thứ 7 liên tiếp trước thềm cuộc họp Fed, giá dầu tăng mạnh

Bình Minh

Tâm lý của nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall đang bấp bênh trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng trong năm 2024 của Fed dự kiến diễn ra vào ngày 17-18/12...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu (13/12) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, trong đó Dow Jones có phiên giảm thứ 7 liên tiếp, đánh dấu chuỗi phiên giảm dài nhất kể từ năm 2020, một phần do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư về lãi suất trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới.

Giá dầu thô tăng khá mạnh, đạt mức cao nhất 3 tuần và hoàn tất một tuần tăng do các biện pháp trừng phạt mới có thể được áp lên Nga và Iran.

Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 86,06 điểm, tương đương giảm 0,2%, còn 43.828,06 điểm. Trái lại, chỉ số Nasdaq tăng 0,12%, đạt 19.962,72 điểm. Chỉ số NS&P 500 gần như đi ngang, chốt phiên ở mức 6.051,09 điểm.

“Thị trường đang mắc kẹt trong một phạm vi hẹp. Nasdaq cho thấy sự vượt trội, các cổ phiếu nhỏ cũng tăng tốt, nhưng Dow Jones còn đuối cho tới khi xuất hiện một chất xúc tác nào đó”, CEO Jay Hatfield của công ty Infrastructure Capital Advisors nhận định với hãng tin CNBC.

Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn giằng co mạnh trong tuần này, với những phiên tăng đan xen các phiên giảm. Ngày thứ Sáu, Nvidia giảm hơn 2%, Meta Platforms giảm hơn 1%, và Amazon cũng chốt phiên trong sắc đỏ.

Trong khi đó, một hãng chip lớn khác là Broadcom chứng kiến giá cổ phiếu tăng hơn 24% sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 4 tốt hơn dự báo và doanh thu từ mảng AI trong năm nay tăng 220%. Với mức tăng này, vốn hóa thị trường của Broadcom vượt ngưỡng 1 nghìn tỷ USD.

Tâm lý của nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall đang bấp bênh trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng trong năm 2024 của Fed dự kiến diễn ra vào ngày 17-18/12. Thị trường đang lo ngại rằng sau khi Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp này, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ phát tín hiệu tạm dừng nới lỏng chính sách tiền tệ.

Cơ sở của mối lo trên là lạm phát ở Mỹ đang có chiều hướng chững lại trên mức mục tiêu 2% mà Fed đề ra. Số liệu công bố hôm thứ Năm tuần này cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 11 của Mỹ tăng mạnh hơn dự báo.

“Thị trường đang đồn rằng Fed sẽ hạ lãi suất vào tuần tới rồi tạm dừng. Tôi cho rằng đó là một dự báo chính xác vì chúng ta đang chứng kiến sự căng thẳng giữa số liệu lạm phát và dữ liệu thị trường lao động”, nhà quản lý danh mục Matt Rowe của công ty Nomura Capital Management nói với hãng tin Reuters.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool từ sàn giao dịch CME, thị trường hiện đặt cược Fed chỉ giảm lãi suất 2 lần trong năm 2025.

Phản ánh khả năng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. Trong đó, lợi suất của kỳ hạn 10 năm tăng 7,5 điểm cơ bản, lên mức 4,399%.

“Fed sẽ phải tính đến việc lạm phát đang trở nên ‘cứng đầu’ hơn, và nhiều khả năng vào năm tới, sẽ có thêm các biện pháp kích thích kinh tế bằng chính sách tài khóa, nới lỏng quy chế giám sát, và có thêm thuế quan được áp. Trong bối cảnh như vậy, Fed khó có thể tiếp tục hạ lãi suất”, trưởng nghiên cứu chiến lược toàn cầu Tom Fitzpatrick của công ty R.J. O’Brien phát biểu với Reuters.

Cả tuần, Dow Jones giảm 1,8%, S&P 500 giảm 0,6%, còn Nasdaq tăng 0,3%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 1,27 USD/thùng, tương đương tăng 1,8%, chốt ở mức 71,29 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 1,08 USD/thùng, tương đương tăng 1,5%, chốt ở 74,49 USD/thùng.

Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu Brent kể từ ngày 22/11, đưa giá dầu loại này tăng 5% trong tuần. Dầu WTI đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 7/11 và tăng 6% cả tuần.

“Giá dầu tăng do kỳ vọng các biện pháp trừng phạt đối với Nga và Iran sẽ thắt chặt, trong khi Trung Quốc tiếp tục đưa ra chủ trương kích thích kinh tế, tình hình Trung Đông còn căng thẳng và Mỹ nhiều khả năng sẽ giảm lãi suất vào tuần tới”, công ty tư vấn Ritterbusch and Associates nhận định trong một báo cáo.

Tuần này, các đại sứ của Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp dụng gói trừng phạt thứ 15 đối với Nga vì cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Gói trừng phạt mới nhắm vào đội tàu chở dầu bí mật của Nga - được cho là giúp nước này lách các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu. Mỹ cũng đang xem xét biện pháp tương tự đối với Nga.

Trong khi đó, Anh, Pháp và Đức nói với Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc rằng họ sẵn sàng áp dụng trở lại các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Iran để ngăn chặn nước này sở hữu vũ khí hạt nhân. Iran là một thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), có sản lượng dầu khoảng 3,2 triệu thùng/ngày, chiếm 3% sản lượng dầu toàn cầu.