16:53 30/08/2021

Dự báo xu thế biến động đất đai đến năm 2030

Nhĩ Anh

Dự báo, trong giai đoạn 2021- 2030, đất phi nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng để đáp ứng nhu cầu về sử dụng đất nhằm thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Riêng diện tích đất ở đến năm 2030 sẽ tăng khoảng 150- 180 nghìn ha...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dự thảo báo cáo quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến đã đưa ra những dự báo về xu hướng biến động về đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng trên cả nước đến năm 2030.

Các xu hướng biến động sử dụng đất đai diễn ra chủ yếu là chuyển dịch đất đai từ nhóm đất chưa sử dụng được khai thác đưa vào sử dụng; từ nhóm đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp dịch vụ, đất đô thị, đất cơ sở hạ tầng; từ đất nông nghiệp quy mô nhỏ sang đất nông nghiệp tập trung...

ĐẤT TRỒNG LÚA CÓ KHẢ NĂNG GIẢM

Đối với đất trồng lúa, chỉ tính riêng giai đoạn 2011 đến nay, mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã tăng mạnh nhưng diện tích đất trồng lúa lại có xu hướng giảm từ trên 4,12 triệu ha xuống còn 3,92 triệu ha.

 
Dự báo xu thế biến động đất trồng lúa trong 10 năm tới có khả năng giảm khoảng 350- 400 nghìn ha...

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc giảm diện tích đất trồng lúa chủ yếu do thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp (công trình công cộng, phát triển đô thị và các khu dân cư nông thôn hoặc đất sản xuất kinh doanh). Ngoài ra, ở nhiều địa phương còn do thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang các loại đất nông nghiệp khác có giá trị kinh tế cao hơn…

Trên cơ sở đánh giá tiềm năng đất đai, dự thảo đã đưa ra dự báo xu thế biến động đất trồng lúa trong 10 năm tới có khả năng giảm khoảng 350- 400 nghìn ha, để chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp dự tính khoảng 200- 250 nghìn ha, có thể thực hiện việc sử dụng linh hoạt quỹ đất lúa, chuyển sang trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm,... khoảng 150- 200 nghìn ha.

Đối với đất lâm nghiệp, trong giai đoạn 2021- 2030, mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42% năm 2025 và ổn định ở mức 43% vào năm 2030. Trong đó, diện tích trồng rừng sản xuất khoảng 340 nghìn ha/năm (chủ yếu là trồng tái canh); quản lý rừng bền vững đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hiện có; bảo tồn và bảo vệ rừng tự nhiên là rừng phòng hộ khu vực đầu nguồn, miền núi 3 triệu ha, rừng phòng hộ ven biển 0,3 triệu ha; trồng rừng phòng hộ, đặc dụng bình quân 4- 6 nghìn ha/năm; phục hồi rừng phòng hộ, đặc dụng bình quân 15 nghìn ha/năm,… Nguồn tăng cho đất lâm nghiệp chủ yếu được khai thác từ đất đồi núi chưa sử dụng (hiện vẫn còn 917,85 nghìn ha) và khu vực bãi bồi ven biển.

ĐẤT PHI NÔNG NGHIỆP VÀ ĐẤT Ở SẼ TIẾP TỤC TĂNG

Trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhu cầu dành một phần quỹ đất cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các khu công nghiệp và đô thị... ngày càng gia tăng mạnh. Vì vậy diện tích nhóm đất phi nông nghiệp trên cả nước có mức tăng trưởng tương đối nhanh, liên tục và tuyến tính trong vòng một thập niên qua là phù hợp thực tế kinh tế xã hội Việt Nam đang ngày càng phát triển.

Theo tính toán, trung bình mỗi năm, diện tích đất phi nông nghiệp gia tăng thêm khoảng 22 nghìn ha và tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ở mức khoảng 0,56%. Trong đó, diện tích tăng thêm chủ yếu thuộc về đất phát triển hạ tầng (chiếm 71,05% tổng diện tích đất phi nông nghiệp tăng thêm); đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất ở tại đô thị; đất an ninh,...

 
Dự báo đến năm 2030, dân số Việt Nam khoảng 104,3 triệu người, tỷ lệ dân số đô thị từ 53- 55% với 55,5 triệu người. Do đó, tổng diện tích đất ở sẽ tăng khoảng 150- 180 nghìn ha.

Dự báo, giai đoạn 2021- 2030, đất phi nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng để đáp ứng nhu cầu sử dụng đất thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Trước áp lực tăng cầu về diện tích đất chuyên dùng phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế- xã hội, khi diện tích đất chưa sử dụng đã được tận dùng, để có được quỹ đất phục vụ cho các mục đích phi nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh chỉ có thể chuyển một phần từ quỹ đất nông nghiệp.

Nhìn nhận về xu hướng biến động một số loại đất phi nông nghiệp, dự thảo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, với mục tiêu nâng tỷ trọng công nghiệp trong GDP vào năm 2030 đạt trên 40%, dự báo cả nước cần bố trí khoảng 200- 220 nghìn ha đất khu công nghiệp (bao gồm cả đất khu công nghiệp trong các khu kinh tế), tập trung chủ yếu tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Đối với đất phát triển hạ tầng, dự báo năm 2030, đất phát triển hạ tầng cả nước tăng 400- 600 nghìn  ha, tập trung nhiều cho các lĩnh vực phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Riêng đất ở, trong những năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra tốc độ nhanh và phong trào xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở, diện tích đất ở trên địa bàn cả nước đã không ngừng được mở rộng, kể cả khu vực đô thị và nông thôn, đặc biệt là diện tích đất ở tại đô thị tăng nhanh.

Theo thống kê, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ khoảng 19,6% với 629 đô thị vào năm 1999 lên khoảng 39,5% với 853 đô thị năm 2020. Bên cạnh nhiều đô thị mới hình thành và phát triển; các đô thị hiện hữu từng bước được nâng cấp, cải tạo, mở rộng cả về quy mô đất đai, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Trong giai đoạn 2011- 2020, đất ở đô thị tăng 55 nghìn ha, với bình quân mỗi năm tăng khoảng 5,5 nghìn ha và ở mức trên 3%/năm.

Dự báo đến năm 2030, dân số Việt Nam có khoảng 104,3 triệu người, tỷ lệ dân số đô thị từ 53- 55% với 55,5 triệu người. Do đó, tổng diện tích đất ở sẽ tăng khoảng 150- 180 nghìn ha.

 
Trong số trên 33,12 triệu ha đất đai của cả nước, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp đang sử dụng chiếm tới 84,48% tổng diện tích tự nhiên (cao hơn 3,51% so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt); diện tích đất phi nông nghiệp mới chỉ đạt 11,87% trong tổng quỹ đất tự nhiên cả nước (đạt 82,23% so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội).
Cả giai đoạn 2011- 2020 vừa qua, diện tích nhóm đất nông nghiệp tăng đều, từ 26,23 triệu ha lên 27,99 triệu ha và nhóm đất phi nông nghiệp tăng từ 3,71 triệu ha lên 3,93 triệu ha. Thay đổi lớn nhất là đất chưa sử dụng đã giảm mạnh từ 3,16 triệu ha xuống còn 1,21 triệu ha trong cùng kỳ (diện tích được đưa vào sử dụng trên 1,95 triệu ha). Điều này cho thấy việc khai thác và sử dụng nguồn lực đất đai vào các mục đích khác nhau đã và đang được đẩy mạnh.