08:28 01/09/2021

Dự báo xuất khẩu tôn mạ sang thị trường châu Âu vẫn tăng cao cho hết năm 2022

Thu Minh

Sản lượng xuất khẩu tôn mạ sang châu Âu sẽ ổn định ở mức cao cho đến cuối năm 2022 nhờ các chính sách thương mại thuận lợi và nhu cầu ngày càng tăng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành thép, Chứng khoán Rồng Việt -VDSC cho rằng xuất khẩu tôn mạ vẫn có nhiều tín hiệu tốt bù đắp cho thị trường tiêu thụ nội địa.

Sản lượng xuất khẩu của các công ty tôn mạ Việt Nam đạt 300.000 tấn trong tháng 7, tăng 6% so với tháng 6. Trong khi đó, các biện pháp kiểm soát dịch ở miền Nam và một số thành phố lớn đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ trong nước khi sản lượng tiêu thụ giảm xuống còn 127.700 tấn trong tháng 7, giảm 35% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng tiêu thụ tôn mạ đạt khoảng 430.000 tấn trong tháng 7, giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao.

Các công ty tôn mạ hàng đầu ghi nhận sản lượng xuất khẩu tăng mạnh. VDSC cho rằng sản lượng xuất khẩu tôn mạ sang châu Âu sẽ ổn định ở mức cao cho đến cuối năm 2022 nhờ các chính sách thương mại thuận lợi và nhu cầu ngày càng tăng.

Thứ nhất, Việt Nam có lợi thế hơn so với Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Ấn Độ nhờ các chính sách thương mại. Hàn Quốc và Ấn Độ, các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam, bị áp đặt hạn ngạch 170.000 tấn/năm và 210.000 tấn/năm. Trong khi đó, tôn mạ Thổ Nhĩ Kỳ mất lợi thế cạnh tranh khi phải chịu mức thuế chống bán phá giá 4,7%-7,3% lên thép cán nóng kể từ tháng 4.

Hạn ngạch nhập khẩu tôn mạ kim loại (4A) của EU dành cho Việt Nam và các nước khác là khoảng 2 triệu tấn/năm trong ba năm tới. Trong nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 300.000 tấn tôn mạ kim loại, chủ yếu là tôn mạ kẽm. Do đó, vẫn còn dư địa tăng trưởng cho các nhà sản xuất tôn mạ của Việt Nam.

Dự báo xuất khẩu tôn mạ sang thị trường châu Âu vẫn tăng cao cho hết năm 2022 - Ảnh 1

Thứ hai, về nhu cầu, tiêu thụ thép của EU được WSA dự báo sẽ tăng 10,2% so với cùng kỳ trong năm 2021 và 4,8% vào năm 2022 nhờ nhu cầu phục hồi sau đại dịch.

Thứ ba, chi phí sản xuất thấp hơn ở Việt Nam có thể hỗ trợ lợi nhuận xuất khẩu tôn mạ trong trung hạn. Trong giai đoạn 2021-2022, giá điện và carbon cao sẽ khiến chi phí sản xuất thép ở châu Âu cao hơn ít nhất 135-155 USD/tấn so với Việt Nam. Hiện tại, giá phát thải carbon vào khoảng 60 USD/tấn, và một tấn thép sản xuất từ lò BOF sẽ thải ra 1,85 tấn CO2.

Bên cạnh đó, thép sản xuất từ lò EAF chiếm 40% sản lượng thép ở châu Âu và có giá thành sản xuất cao hơn từ 15%-20% so với công nghệ BOF. Trong ngắn hạn, chênh lệch giá HRC giữa EU và Việt Nam ở mức cao khoảng 300-550 USD/tấn có thể mang lại biên lợi nhuận gộp 19%-22% trong nửa cuối năm 2021.

Các nhà xuất khẩu tôn mạ trong nước có thể đối mặt với nhiều thách thức hơn vào năm 2023 do cơ chế biên giới carbon ở EU có thể được áp dụng, điều này sẽ làm mất khả năng cạnh tranh về giá của Việt Nam. VDSC kỳ vọng sản lượng xuất khẩu tôn mạ và lợi nhuận sẽ giảm mạnh vào năm 2023.

Đối với thép xây dựng và ống thép, tiêu thụ vẫn yếu do ảnh hưởng của đại dịch. Chỉ thị 16 đang được áp dụng ở miền Nam, nơi chiếm 34% sản lượng tiêu thụ thép xây dựng. Do đó, hầu hết các hoạt động xây dựng đều bị tạm dừng, dẫn đến sản lượng tiêu thụ trong tháng 7 thấp.

Dự báo xuất khẩu tôn mạ sang thị trường châu Âu vẫn tăng cao cho hết năm 2022 - Ảnh 2

Tiêu thụ thép xây dựng đạt khoảng 770.000 tấn trong tháng 7, giảm 10% so với cùng kỳ. Tiêu thụ ống thép thậm chí còn giảm mạnh hơn còn 143.500 tấn, giảm 41%. Do diễn biến dịch phức tạp, các biện pháp phòng dịch tiếp tục kéo dài trong tháng 8, khiến tiêu thụ thép xây dựng và ống thép vẫn ở mức thấp. Biên lợi nhuận gộp mảng thép xây dựng chịu áp lực giảm trong quý 3.