09:38 19/09/2023

Du lịch Huế muốn kết nối với doanh nghiệp lữ hành trên cả nước

Tường Bách

Thừa Thiên Huế tự hào khi có đến 5 di sản vật thể và phi vật thể đã được UNESCO vinh danh. Huế còn được thiên nhiên ưu đãi khi sở hữu nhiều di tích, biển, đầm phá, vịnh biển và là cái nôi ẩm thực của văn hóa Việt… 

Ảnh: Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế
Ảnh: Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Trong 8 tháng đầu năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế phục vụ hơn 2,1 triệu lượt khách, tăng 58,71% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khách quốc tế khoảng 672.300 lượt, tăng 778,4% so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch khoảng hơn 4.600 tỉ đồng, tăng 61,21% so với cùng kỳ. Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, đây là kết quả tích cực sau dịch khi địa phương đón nhiều khách nội địa trở lại, bên cạnh các thị trường quốc tế như Thái Lan, Hoa Kỳ, Malaysia và các nước châu Âu.

NHỮNG TRẢI NGHIỆM ĐỘC ĐÁO

Có được kết quả này một phần là nhờ Huế đã có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm mới dựa vào những giá trị di sản lâu nay của mình. Đầu tháng 8 vừa qua, nhiều du khách Hàn Quốc trong chuyến bay đầu tiên nối sân bay Incheon ở thủ đô Seoul đến sân bay Phú Bài của thành phố Huế đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Hầu hết 151 du khách có ấn tượng sâu sắc với lịch trình đặc biệt mà ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế dành cho họ.

Theo đó, đoàn đã có những trải nghiệm độc đáo, khi được dự Dạ yến Hoàng cung, xem biểu diễn nhã nhạc, xem trình diễn cổ phục; xem lễ đổi gác tại Ngọ Môn. Họ cũng được vào sân điện Thái Hòa xem múa lân và đoàn rước cùng các hoạt động làng nghề truyền thống, trải nghiệm các hoạt động làng nghề truyền thống tại sân nhà hát Duyệt Thị Đường. Trong lịch trình 4 ngày 3 đêm, đoàn còn được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và các đơn vị liên quan tổ chức thưởng trà trên thuyền ở hồ Ngọc Dịch; xem biểu diễn ca Huế, múa Phụng vũ; tham gia trải nghiệm các trò chơi Cung đình và nhiều hoạt động độc đáo khác.

“Tôi quá bất ngờ với những gì mình vừa được trải nghiệm. Những không gian, giai điệu đậm chất hoàng cung xưa của một triều đại Việt Nam vừa lạ lẫm thú vị, lại vừa có những nét tương đồng với hoạt động cung đình được phục dựng tại Hàn Quốc. Rất tuyệt”, anh Park Ji-hu, một du khách Hàn Quốc, chia sẻ.

Huế đã có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm mới dựa vào những giá trị di sản lâu nay của mình.
Huế đã có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm mới dựa vào những giá trị di sản lâu nay của mình.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Huế trong thời gian qua đã giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm khác nhau dành cho khách nội địa và quốc tế như trải nghiệm ẩm thực cung đình, chăm sóc sức khỏe (tắm suối khoáng nóng, spa, thẩm mỹ, khám chưa bệnh theo hình thức Đông y cổ truyền kết hợp Tây y hiện đại), du lịch mạo hiểm, du lịch thể thao (chạy bộ, giải marathon, đua xe đạp, golf) hay chuỗi lễ hội truyền thống và đương đại trong Festival bốn mùa. Tất cả nhằm tăng sự mới mẻ, hấp dẫn của điểm đến du lịch Thừa Thiên Huế.

Mới đây nhất, Hiệp hội Du lịch phối hợp với Sở Du lịch Thừa Thiên Huế vừa tổ chức chương trình hội nghị “Kết nối Du lịch Huế 2023” giữa các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh với các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước. Bên lề Hội nghị, Hội Lữ hành đã phối hợp với Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Thừa Thiên Huế đã tổ chức buổi B2B (Business to Business) giữa các công ty lữ hành Thừa Thiên Huế với các công ty lữ hành trên cả nước.

Qua B2B, các doanh nghiệp đã gặp gỡ, trao đổi, kết nối, cùng nhau xây dựng hoàn thiện các sản phẩm du lịch, dịch vụ, các chương trình tuyến điểm phù hợp. Trước đó, từ ngày 15 - 17/9, các đơn vị lữ hành đã tham gia chương trình Famtrip "Huế - Kinh đô xưa, trải nghiệm mới". Tiến hành khảo sát, trải nghiệm các sản phẩm du lịch, thẩm định chất lượng dịch vụ và các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, qua đó có cơ sở để xây dựng các chương trình tham quan.

Du lịch Huế muốn kết nối với doanh nghiệp lữ hành trên cả nước - Ảnh 1

ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT DU LỊCH

Phát biểu tại hội nghị “Kết nối Du lịch Huế 2023, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục Trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, nhận định trong những năm qua, Huế đã và đang phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng mới của du khách; phát huy được giá trị di sản, văn hóa, lịch sử, xây dựng các khu, điểm du lịch tại các khu vực biển và đầm phá, sông, hồ, suối thác, các nghề, làng nghề truyền thống; phát triển dịch vụ du lịch tại Quần thể di tích Cố đô Huế, xây dựng Đề án phát triển kinh tế đêm tại Thừa Thiên Huế...

Bên cạnh kết quả đạt được thì du lịch Thừa Thiên Huế còn tồn tại nhiều hạn chế trong lĩnh vực đầu tư, phát triển thị trường, xúc tiến du lịch. Sản phẩm dịch vụ du lịch thiếu tính cạnh tranh, tính liên kết chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của vùng. Hạ tầng dịch vụ, cơ sở lưu trú du lịch chất lượng cao còn thiếu, chưa đáp ứng được với nhu cầu của du khách.

Để tiếp tục phát triển du lịch, tỉnh Thừa Thiên Huế cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác đi vào thực chất với các tỉnh lân cận cũng như các thành phố lớn như Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội... Liên kết cần cụ thể bằng các hoạt động, với sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành, các nhà đầu tư trong một số hoạt động: Phát triển sản phẩm kết nối, bổ trợ lẫn nhau, hình thành các tour, tuyến hấp dẫn phục vụ khách du lịch; hợp tác trong giới thiệu quảng bá du lịch, trao đổi khách nội địa, cùng tiếp cận thị trường khách quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch, phát triển nguồn nhân lực...

Rất nhiều sản phẩm du lịch mới đã được giới thiệu nhằm tăng sự mới mẻ, hấp dẫn của điểm đến du lịch Thừa Thiên Huế.
Rất nhiều sản phẩm du lịch mới đã được giới thiệu nhằm tăng sự mới mẻ, hấp dẫn của điểm đến du lịch Thừa Thiên Huế.

Tại phần thảo luận, các doanh nghiệp du lịch trong cả nước đã đóng góp rất nhiều ý kiến, ý tưởng, sáng kiến cho du lịch Thừa Thiên Huế.  Ông Trần Lê Bảo Châu, Giám đốc Công ty cổ phần Nam Quốc Group (TP.HCM), cho hay hiện nay có nhiều sự lựa chọn cho du khách khi đi du lịch tại Huế. “Tuy nhiên, để kéo khách và lưu khách ở lại lâu hơn cần làm nhiều hoạt động cũng như giữ vững chất lượng”, ông Châu nói và đưa ra ví dụ tạo ra một trào lưu kiểu như “Về Huế trải nghiệm”…

Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Giám đốc Golden Life Travel (Bình Định), cũng đồng ý kiến khi cho rằng Huế hiện nay có rất nhiều sản phẩm trải nghiệm, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, để có thể giữ chân du khách, những đơn vị cung cấp các sản phẩm/dịch vụ trải nghiệm cần kể những câu chuyện để khách thấy hết giá trị.

Bên cạnh đó, tạo tour ẩm thực, ngắm bình mình trên biển Thuận An, xây dựng trung tâm hội nghị để đón các đoàn khách MICE, đẩy mạnh làng nghề… là những gợi ý khác của các doanh nghiệp du lịch. Trong đó, cũng có ý kiến Huế cần hợp tác với các địa phương miền Trung để khôi phục lại sản phẩm du lịch “Con đường di sản miền Trung”.

“Những ý kiến của các doanh nghiệp đưa ra sẽ được chúng tôi ghi nhận và cải thiện”, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế nói và cho biết thêm đến năm 2025, ngành du lịch bước đầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thừa Thiên Huế, phấn đấu thu hút khoảng 6 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 45 – 50%. Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút khoảng 8 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 50 – 55%