18:15 19/02/2024

Dư nợ tín dụng chính sách tăng 48 lần sau 21 năm

Hoàng Lan

Theo Ngân hàng Nhà nước, kể từ khi Ngân hàng Chính sách Xã hội được thành lập vào cuối năm 2002, dư nợ tín dụng chính sách đã tăng gấp 48 lần, từ 7.022 tỷ đồng lên 331.924 tỷ đồng vào cuối năm 2023…

Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2024 bổ sung nhiều quy định về Ngân hàng Chính sách xã hội.
Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2024 bổ sung nhiều quy định về Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

DƯ NỢ BÌNH QUÂN MỘT HỘ TĂNG GẦN 19 LẦN

Số liệu tại tờ trình cho thấy, sau 21 năm, kể từ cuối năm 2002 đến cuối năm 2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách đã tăng 46 lần, từ 7.022 tỷ đồng lên 331.924 tỷ đồng.

Số lượng khách hàng dư nợ tăng từ 2,7 triệu khách hàng còn dư nợ tại thời điểm cuối năm 2002 lên 6,6 triệu khách hàng vào cuối năm 2023.

Dư nợ bình quân một hộ tăng từ 2,54 triệu đồng/hộ năm 2002 lên 48 triệu đồng/hộ năm 2023.

Số tổ Tiết kiệm và Vay vốn tăng từ 954 tổ năm 2002 lên khoảng 170 nghìn tổ năm 2023.

Số lượng các chương trình tín dụng chính sách từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao năm 2002 (cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay học sinh, sinh viên), đến năm 2023 đã tăng lên 27 chương trình tín dụng chính sách (bao gồm một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023).

Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được giải ngân đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước với trên 40,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, doanh số cho vay đạt 742.843 tỷ đồng.

Tại Kỳ họp bất thường tháng 1/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024, hiệu lực ngày 1/7/2024, trong đó Chương II (từ Điều 16 đến Điều 26) quy định về thẩm quyền của Chính phủ đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.

PHÁT TRIỂN ĐA DẠNG SẢN PHẨM TÍN DỤNG CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH

Về địa vị pháp lý, sau khi Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024 được thông qua, Ngân hàng Nhà nước đang tham mưu xây dựng dự thảo về chức năng, nhiệm vụ quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đó là ngân hàng chính sách do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện nhiệm vụ tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước và các nhiệm vụ khác theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Quy định về chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu: (i) Nhà nước là chủ sở hữu của Ngân hàng Chính sách xã hội. (ii) Chính phủ thống nhất quản lý thực hiện quyền, nhiệm vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với Ngân hàng chính sách xã hội. (iii) Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu theo phân công của Chính phủ. (iv) Các Bộ, ngành, cơ quan liên quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo thẩm quyền đối với hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. (v) Hội đồng quản trị là cơ quan đại diện trực tiếp của chủ sở hữu nhà nước tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Chính sách xã hội được giữ nguyên theo mô hình hiện nay.

Nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách: bao gồm nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn huy động và các nguồn vốn hợp pháp khác.

 

"Kể từ năm 2002 đến cuối năm 2023, gần 5,2 triệu lao động, trong đó có gần 135 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài;  gần 3,8 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn... đã được vay tín dụng chính sách. Ngoài ra, hơn 15,6 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; gần 747 nghìn căn nhà ở cho các đối tượng chính sách cũng được xây dựng từ nguồn tín dụng này".

Ngân hàng Nhà nước.

Về nguyên tắc, mục tiêu hoạt động, Nhà nước tập trung nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước phù hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia và các nội dung của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. 

Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội.

Ngân hàng Chính sách xã hội được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý, được Chính phủ bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn nộp thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước, không phải thực hiện dự trữ bắt buộc và không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.