Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) chú ý đến nhóm lao động không chính thức
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, xây dựng đã cập nhật thêm nhiều quy định mới, trong đó đáng chú ý như các quy định liên quan đến nhóm lao động không chính thức, không có giao kết lao động, chính sách bảo hiểm thất nghiệp...
Ngày 14/4/2023 tại Đà Nẵng, Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác truyền thông về lĩnh vực việc làm. Tại Hội nghị, các chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý nhà nước về việc làm đã trao đổi với các cơ quan truyền thông, báo chí về việc xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
HƯỚNG ĐẾN VIỆC LÀM ỔN ĐỊNH, KIỂM SOÁT THẤT NGHIỆP
Một trong các nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của Cục Việc làm là xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, việc sửa đổi này nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc làm. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh chủ trương xuyên suốt của Đảng về mục tiêu giải quyết việc làm bền vững, chất lượng, phát triển nguồn nhân lực (một trong ba khâu đột phá chiến lược) và hỗ trợ phát triển thị trường lao động.
Cụ thể: “Tạo sinh kế, việc làm định canh, định cư vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới”, “Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn. Chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động”, “Tạo môi trường và điều kiện để phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước.
Tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng cao chất lượng dự báo nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động và chất lượng dịch vụ việc làm; khuyến khích xây dựng các mô hình liên kết, đào tạo và giới thiệu việc làm; có cơ chế, chính sách định hướng dịch chuyển lao động thông thoảng, phân bố hợp lý lao động theo vùng. Chú trọng bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe người lao động. Nâng cao chất lượng của lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài. Giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức hợp lý”.
Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã đề ra các nội dung cải cách về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tập trung: “Sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động”; “Triển khai có hiệu quả các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động”. “Nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm việc hoàn thiện bộ máy tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”.
Như vậy, sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Việc làm, nhất là các quy định nhằm tạo điều kiện phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các đối tượng yếu thế, đặc thù… là cụ thể hóa đường lối chính sách của Đảng vào cuộc sống.
SÁU HẠN CHẾ VƯỚNG MẮC TRONG LUẬT VIỆC LÀM 2013
Việc sửa đổi Luật Việc làm cũng nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; phù hợp các tiêu chuẩn, thông lệ và cam kết quốc tế trong lĩnh vực việc làm. Sửa đổi bổ sung Luật Việc làm phải đồng bộ, thống nhất với các luật mới được sửa đổi, bổ sung có các quy định liên quan đến các chính sách hỗ trợ việc làm, các vấn đề liên quan cải cách thủ tục hành chính như Luật Cư trú 2020, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020… Tuy nhiên, việc sửa đổi sẽ tập trung vào giải quyết các tồn tại vướng mắc của Luật Việc làm 2013. Đáng chú ý, Luật sẽ chú trọng tới nhóm lao động không có quan hệ lao động, những tồn tại dễ đưa người lao động tới thất nghiệp.
Theo phân tích của ông Vũ Phạm Dũng Hà, Trưởng phòng Chính sách việc làm, Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, sau 10 năm thực hiện Luật Việc làm 2013, thực tế cho thấy đã xuất hiện nhiều vướng mắc, tồn tại cần phải bổ sung, sửa đổi. Qua tổng hợp các báo cáo, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Việc làm còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc.
Một là, chưa có quy định về việc đăng ký lao động nên việc quản lý lao động còn hạn chế, nhất là đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động. Một số khái niệm, quy định chưa rõ ràng hoặc được nội luật hóa; một số hành vi bị nghiêm cấm về dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, kỹ năng nghề chưa được quy định trong Luật.
Hai là, quy định cho vay giải quyết việc làm về nguồn vốn, đối tượng và điều kiện vay không còn phù hợp với thực tiễn. Chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ tập trung 5 nhóm đối tượng, trong khi một số đối tượng khác cũng cần được nghiên cứu, xem xét, bổ sung.
Chưa có các quy định về chính sách hỗ trợ người lao động trong già hóa dân số, chính sách thúc đẩy chính thức hóa việc làm khu vực phi chính thức. Một số chính sách hỗ trợ thanh niên cần được nghiên cứu, bổ sung để đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành.
Ba là, chưa có quy định về việc công bố chỉ số phát triển thị trường lao động, chỉ số phát triển kỹ năng nghề, báo cáo định kỳ về tình hình, triển vọng việc làm, nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề nhằm đánh giá sự phát triển thị trường lao động, chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, vùng, toàn quốc.
Bốn là, chưa có các quy định liên quan phát triển kỹ năng nghề, quy định về tham chiếu, kết nối giữa khung trình độ quốc gia và khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia. Sự tham gia của các bên (Nhà nước, cơ sở đào tạo người lao động, người sử dụng lao động) cũng như quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động trong đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chưa được quy định. Nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề, đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chưa cụ thể.
Năm là, chưa có quy định liên quan về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với nhân viên tư vấn, giới thiệu việc làm trong tổ chức dịch vụ việc làm. Nhiệm vụ của trung tâm dịch vụ việc làm chưa bao phủ hết các hoạt động theo Công ước số 88, một số nhiệm vụ chưa được quy định trong Luật, nên cơ sở pháp lý triển khai chưa rõ ràng. Chưa có quy định về hoạt động giao dịch việc làm trên môi trường mạng, quy định về điều kiện hoạt động của các bộ phận, đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối việc làm cho học sinh, sinh viên trong cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Sáu là, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động; các chế độ còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý nhiều đến các chế độ mang tính chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp; quy định điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề khá chặt chẽ; chế độ hỗ trợ học nghề chủ yếu giải quyết nhu cầu học, chưa chú trọng đào tạo, phát triển hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Phát biểu tại Hội nghị Tập huấn công tác truyền thông về lĩnh vực việc làm, tổ chức ngày 14/4/2023 tại Đà Nẵng, TS. Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam cho rằng, hiện nay thị trường lao động trong nước đang rất sôi động; tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước lại chưa có bộ chỉ số đánh giá về chỉ số thị trường lao động Quốc gia.
Tại Mỹ, các chỉ số và số liệu việc làm được công bố thường xuyên. Đây là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nền kinh tế Mỹ, cũng như là yếu tố tác động đến các chính sách vĩ mô của Mỹ. Đối với Việt Nam, TS. Chử Văn Lâm đề nghị Cục Việc làm đứng ra làm đầu mối xây dựng chỉ số việc làm, cũng như hợp tác với Tạp chí Kinh tế Việt Nam để xây dựng cơ sở dữ liệu truyền thông cho thị trường lao động Việt Nam.
Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thị trường lao động, việc làm không còn được nhìn nhận như hệ thống chính sách về an sinh xã hội, mà thực chất thị trường việc làm là thị trường quan trọng bậc nhất, vì lao động là nhu cầu của con người, là nguồn gốc tạo ra phần lớn của cải vật chất trong xã hội, là nhân tố quyết định sự hoạt động, phát triển của tất cả các loại thị trường.
Ông Vũ Trọng Bình đề nghị Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Cục Việc làm để tuyên truyền về các chính sách liên quan đến thị trường lao động, việc làm.
Đồng thời, lãnh đạo Cục Việc làm cũng đề nghị hai cơ quan kết hợp nghiên cứu xây dựng chỉ số thị trường lao động, việc làm và công bố thường niên. Bên cạnh việc xây dựng bộ chỉ số việc làm Quốc gia, ông Vũ Trọng Bình gợi mở Tạp chí Kinh tế Việt Nam công bố chỉ số thị trường lao động, việc làm ở các ngành kinh tế, các khu vực, vùng miền và các địa phương trong cả nước.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 16-2023 phát hành ngày 17-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam