Edtech Việt giải bài toán hút người dùng miễn phí và tăng tài khoản trả phí ra sao?
Với các doanh nghiệp trong lĩnh vực Edtech (công nghệ giáo dục), việc cân đối các chiến lược và hoạt động kinh doanh nhằm thu hút người dùng miễn phí và gia tăng các tài khoản trả phí được xem là nhiệm vụ sống còn…
Dưới tác động của đại dịch Covid-19, học trực tuyến đã trở nên thiết yếu và giúp thị trường Edtech tăng trưởng ấn tượng. Trong năm 2023, thị trường EdTech Việt Nam được cho là có thể đạt doanh thu khoảng 3 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng Edtech ở Việt Nam được ghi nhận ở mức đáng kinh ngạc, đạt khoảng 20,2% mỗi năm trong giai đoạn từ 2019 - 2023. Dù thị trường có nhiều khởi sắc cùng với thói quen học tập của người dùng Việt đã ít nhiều thay đổi, việc đưa ra các chiến lược phù hợp để tăng lượng người dùng cả miễn phí và trả phí vẫn là một trong các bài toán cốt lõi mà nhiều doanh nghiệp Edtech đang nỗ lực đưa ra các lời giải khác nhau.
Chia sẻ tại đối thoại với chủ đề: "Edtech Việt nam và xu hướng cá nhân hoá trong học tập" do VnEconomy tổ chức ngày 31-08-2023, bà Đào Lan Hương, CEO Học viện công nghệ Teky, cho biết doanh nghiệp luôn có trăn trở là làm sao phát triển thị trường một cách hiệu quả nhất và rất nhiều doanh nghiệp hiện nay đang áp dụng một số mô hình để có được người dùng miễn phí. Chẳng hạn như có thể là tặng quà online cho người dùng, hay đưa ra các nội dung miễn phí để thu hút người dùng.
“Teky cũng có triển khai một số giải pháp như tổ chức các cuộc thi trên toàn quốc để có thể vừa đưa chương trình, nội dung của mình đến với các trường đồng thời các trường và các em học sinh sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động hơn, có thêm nhiều giá trị gia tăng hơn trước khi mà thực sự sử dụng các dịch vụ mất phí của mình”, bà Hương nói.
Chia sẻ về việc giải bài toán xây dựng các ứng dụng miễn phí hay thu phí của Edtech Việt, ông Phạm Gia Linh, CEO Galaxy Education, cho biết đa phần các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường này đều cung cấp các nội dung miễn phí trước, sau đó khuyến khích người dùng nâng cấp lên những gói trả phí. Với một dịch vụ tốt thì điểm mấu chốt trước khi nghĩ đến bài toán miễn phí hay trả phí là liệu ứng dụng đó, dịch vụ đó có giúp người dùng đạt được mục tiêu đề ra hay không? Ví dụ, như ứng dụng đó liệu có giúp cho bố mẹ hỗ trợ con cái thành thạo một ngôn ngữ mới hay có giúp người đi làm có công việc tốt hơn không?
HƯỚNG TỚI GIẢI CÁC BÀI TOÁN CỐT LÕI MÀ NGƯỜI DÙNG CẦN
Theo các chuyên gia, bên cạnh đó, để phát triển bền vững, doanh nghiệp Edtech cũng luôn cần ý thức được dịch vụ sản phẩm của mình giải quyết được các vấn đề gì và mang lại giá trị cốt lõi cho thị trường, cho khách hàng, cho người học như thế nào? CEO Học viện công nghệ Teky cho rằng công nghệ có thể là yếu tố giải quyết được rất nhiều vấn đề và mang lại nhiều giá trị cho người học. Nhưng nếu kết quả cuối cùng không đạt được thì rõ ràng người học ở đây sẽ mất cả thời gian, bên cạnh chi phí cho việc sử dụng các ứng dụng công nghệ đó.
Nngoài phát triển người dùng ban đầu, việc người dùng có quay trở lại hay không cũng rất quan trọng. “Các giải pháp marketing hay tặng quà miễn phí mà các doanh nghiệp làm cũng là chi phí đầu tư. Hay để xây dựng nội dung hoặc tổ chức các cuộc thi hay quảng cáo trực tuyến cũng tốn rất nhiều chi phí. Vì vậy, việc các ứng dụng công nghệ làm thế nào để không chỉ là có thêm người dùng nhưng mà giữ được người dùng là nhiệm vụ sống còn của một giải pháp Edtech”, bà Đào Lan Hương nhấn mạnh.
Đặc biệt là đối với những giải pháp về công nghệ như là cá nhân hóa, học tập, nếu đứng từ khía cạnh người dùng thì rõ ràng là thách thức lớn bởi thói quen người dùng. “Liệu học sinh của chúng ta đã sẵn sàng cho một lộ trình học tập độc lập trong việc sử dụng các ứng dụng công nghệ hay chưa? Nếu các bạn học sinh thực sự không tham gia sử dụng sản phẩm một cách thật sự sâu và sau một thời gian các bạn ấy rời bỏ nền tảng bởi các bạn ấy không còn hứng thú hay cảm thấy cô đơn quá trong quá trình học thì rõ ràng người dùng sẽ mất dần”, CEO Học viện công nghệ Teky phân tích.
Trong trường hợp này, ngoài các giá trị mà các dịch vụ mà các công ty công nghệ giáo dục cung cấp cho người dùng, tôi nghĩ rằng không thể loại bỏ cái vai trò của giáo viên. “Vì vậy mà từ tiếp cận thực tế của Teky, khi triển khai thị trường, ngoài ứng dụng công nghệ thì chúng tôi cũng đề cao vai trò của giáo viên đối với học sinh của mình”, bà Hương chia sẻ.
Còn theo ông Phạm Gia Linh, bản thân các nhà cung cấp sản phẩm Edtech cũng cần giữ được cam kết với người dùng. Khi người dùng bắt đầu đăng ký học, nghĩa là họ mới chỉ bắt đầu quá trình sử dụng dịch vụ và sản phẩm đó. Điều này khác hoàn toàn với việc họ đi mua các sản phẩm vật lý, như mua một cuốn sách. Khi nhà cung cấp sản phẩm đã thu học phí, thu tiền của người dùng đồng nghĩa với việc họ cần giữ được cam kết với người dùng trong suốt quá trình khách hàng sử dụng hết toàn bộ dịch vụ đó.
Ví dụ như khi thực hiện hết toàn bộ khóa học, người dùng đã tham gia các kỳ thi, kiểm tra đầu ra và đạt được những kỳ vọng của họ. "Khi doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ với người dùng, có những cam kết và hỗ trợ phù hợp cũng như các dịch vụ đủ tốt, đủ chất lượng thì tôi tin rằng người dùng sẽ sẵn sàng trả phí”, ông Linh chia sẻ.
Thị trường Edtech Việt trong tương lại được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh chóng sẽ thu hút thêm nhiều công ty tham gia và áp lực cạnh tranh là không hề nhỏ. Theo giới chuyên gia, muốn tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp Edtech sẽ buộc phải tìm ra hướng đi sáng tạo để giải quyết nhu cầu của người dùng, nâng cao khả năng cạnh tranh hơn nữa.
Các chuyên gia cũng nhận định, đầu tư vào công nghệ giáo dục sẽ tiếp tục là cuộc chơi dài hạn và để “hái quả ngọt”, nhà đầu tư cần ít nhất 5 năm. Hay nói khác đi, đầu tư lướt sóng hay tìm kiếm siêu lợi nhuận trong thị trường này là điều không khả thi.