16:19 25/07/2008

FDI trong bài toán giảm nhập siêu

Thùy Trang

Việt Nam đang chịu mức thâm hụt thương mại lớn và phải phụ thuộc rất nhiều vào FDI để bổ sung cho thâm hụt này

Hàng nhập khẩu về cảng.
Hàng nhập khẩu về cảng.
Việt Nam đang chịu mức thâm hụt thương mại lớn và phải phụ thuộc rất nhiều vào FDI để bổ sung cho thâm hụt thương mại đó. Nhưng nếu chỉ dựa vào FDI thì Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục phải chịu sự thâm hụt thương mại.

Chuyên gia hàng đầu về kinh tế Việt Nam của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), ông Jonathan Pincus, đã phát biểu như vậy trong hội thảo tiểu vùng “Chia sẻ kinh nghiệm về việc gia nhập và thực thi các cam kết WTO”, được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Theo dự báo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm nay thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục tăng trưởng với khoảng 40 tỉ USD. Nếu tính cả hai năm 2006 và 2007, thì ba năm trở lại đây, con số FDI luôn tăng theo cấp số nhân, năm sau gấp đôi năm trước.

Ông Jonathan Pincus cũng cho biết, dòng vốn FDI trên thế giới đang ngày càng chuyển mạnh hơn vào các nước đang phát triển. Tính theo thị phần của GDP thì vốn FDI đã tăng gấp 3 lần trong vòng 16 năm qua, từ 9,6% năm 1990 lên 26,7% năm 2006. Ở một số nước như Brazil, hệ thống sản xuất của quốc gia hầu hết phụ thuộc vào FDI. 14 công ty hàng đầu của nước này đều là của nước ngoài.

Lượng tiền khổng lồ trên đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước thụ hưởng trong đó có Việt Nam thời gian qua. “Nhưng dự đoán thị trường vốn toàn cầu sẽ hoạt động hiệu quả và lúc nào cũng mang lại lợi ích cho đất nước là chúng ta đang phạm phải một sai lầm rất lớn”, ông Jonathan Pincus nói.

Theo ông Jonathan Pincus, khi thị trường vốn quyết định không đầu tư vào Việt Nam nữa trong khi Việt Nam không có đủ lượng dự trữ ngoại hối, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự xoay chiều của dòng vốn, giống như các nước Đông Á đã gặp phải trong năm 1997.

Trên thực tế, ông Jonathan Pincus cho rằng những bất ổn về tỉ giá hối đoái của Việt Nam là do tổng lượng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam chưa đủ, không bằng một nửa tổng mức nợ nước ngoài. Hiện nay, Việt Nam đang phải chịu thâm hụt thương mại và phụ thuộc phần lớn vào FDI để bổ sung cho thâm hụt thương mại đó. Nếu dòng vốn FDI này giảm đi, Việt Nam sẽ không thể bù đắp cho thâm hụt thương mại được.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu dầu thô, gạo, hàng thuỷ sản, cà phê, than, trong khi tiêu dùng nội địa lại tập trung vào các sản phẩm từ dầu mỏ, sắt, thép, và hàng hóa tiêu dùng. Mặc dù giá gạo tăng làm tăng thu nhập xuất khẩu, nhưng vẫn có những khó khăn để đảo ngược mức thâm hụt từ khi hàng hóa tiêu dùng tăng giá “chóng mặt”. Mức thâm hụt thương mại này đối lập rõ nét với dòng vốn khổng lồ, và một khi dòng vốn nước ngoài này thay đổi và rút ra thì tình trạng thiếu vốn là không thể tránh khỏi.

“Dòng vốn FDI rất quan trọng để các nước đang phát triển có được công nghệ mới cho tiếp cận thị trường cũng như tăng cường năng lực quản lí trong nước. Tuy nhiên, FDI không thể giúp Việt Nam bù đắp được thâm hụt thương mại”, ông Jonathan Pincus nhấn mạnh.

Lí do được ông Jonathan Pincus đưa ra rất đơn giản: “Những công ty nước ngoài tạo ra xuất khẩu nhưng cũng tạo ra nhập khẩu. Trong trường hợp họ tạo ra nhập khẩu lượng hàng hoá lớn hơn xuất khẩu thì Việt Nam sẽ phải chịu thâm hụt thương mại. Thực tế, điều này đang xảy ra ở Việt Nam.”

Cục Đầu tư nước ngoài công bố: trong 6 tháng đầu năm 2008, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI ước đạt 11,3 tỉ USD, tăng 28% so với cùng kỳ; nhập khẩu ước đạt 13,9 tỉ USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm trước. Căn cứ vào số liệu trên có thể thấy mức thâm hụt thương mại mà các doanh nghiệp FDI tạo ra trong 6 tháng đầu năm khoảng 2,6 tỉ USD.

Giải thích cụ thể hơn, ông Jonathan Pincus cho rằng: “Dòng vốn FDI chiếm phần lớn trong khu vực công nghiệp. Đó là lí do tại sao Việt Nam phải chịu thâm hụt thương mại”. Trên thực tế, việc đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp đòi hỏi nhiều máy móc thiết bị và nguyên vật liệu, phần lớn chỉ dựa vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu. Trong quá trình này, khi giá trị xuất khẩu thấp hơn so với giá trị nhập khẩu, trong chừng mực nhất định, đã chứng tỏ nguồn vốn FDI không thể nào là “cứu tinh” cho tình trạng thâm hụt thương mại hiện nay của Việt Nam.

Theo một góc nhìn nhận khác, TS. Phan Minh Ngọc, Phó chủ tịch nghiên cứu kinh doanh của tập đoàn ngân hàng Sumitomo Mitsui, cho rằng trong bối cảnh lạm phát tăng cao, những doanh nghiệp FDI có chiến lược sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu sẽ phải chùn bước vì giá thành sản phẩm trở nên kém cạnh tranh. Chỉ những dự án đầu tư để tiêu thụ sản phẩm ngay tại Việt Nam là vẫn muốn duy trì và mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

“Như vậy, có thể nói lạm phát tăng cao sẽ làm thay đổi cơ cấu dòng FDI vào Việt Nam theo hướng khá bất lợi cho Việt Nam”, ông Ngọc nói.

Trong khi đó, thống kê của Tổng cục Thống kê, nhập siêu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2008 ước tính là 14,8 tỉ USD, bằng 49,8% kim ngạch xuất khẩu, tăng 184,6% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 0,7 tỷ USD so với mức nhập siêu của cả năm 2007. Nhập siêu chủ yếu là nhập nguyên, nhiên vật liệu từ thị trường các nước trong khu vực. Như vậy, thâm hụt thương mại từ các doanh nghiệp FDI chiếm gần 18% trong tổng thâm hụt của cả nước trong 6 tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam rất lớn nhưng sản xuất hầu hết phục vụ nhu cầu trong nước. Trong khi khu vực tư nhân rất nhỏ bé, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ. Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp này tương đối yếu, những sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao rất ít. Tổng hoà của 3 khu vực này, theo ông Jonathan Pincus, đã khiến cho Việt Nam phải chịu thâm hụt thương mại.