15:54 22/06/2022

Festival Huế 2022: Những lý do nên đến thăm cố đô cuối tháng 6 này

Tường Bách

Tuần lễ Festival Huế 2022 sẽ diễn ra từ ngày 25/6 đến 30/6/2022. Đặc biệt, tất cả các chương trình, lễ hội trong tuần lễ đều được mở cửa miễn phí (trừ chương trình nghệ thuật khai màn) để phục vụ du khách…

Sau 2 năm tạm dừng vì dịch Covid-19, Festival Huế 2022 sắp trở lại vào cuối tháng 6 này. Đây là kỳ festival đầu tiên tổ chức theo định hướng 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông với hơn 50 hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra quanh năm nhằm tôn vinh, quảng bá những nét văn hóa đặc thù của vùng đất, khai thác các thế mạnh về danh thắng, kiến trúc, du lịch tâm linh, thu hút khách du lịch hướng đến việc đưa Huế thành thành phố festival đặc trưng của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: "Festival Huế 2022 là dịp để tỉnh giới thiệu nhiều hơn, đa dạng hơn các giá trị văn hóa cũng như các tiềm năng du lịch khác của Thừa Thiên Huế". Các chương trình nghệ thuật, lễ hội quy mô, độc đáo và hoành tráng sẽ được tổ chức bao gồm: chương trình nghệ thuật khai màn, chương trình biểu diễn hằng đêm của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế, lễ hội đường phố "Sắc màu văn hóa", lễ hội bia, chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn, chương trình quảng diễn "Ngàn xưa âm vọng", chương trình "Hoàng cung giao hòa", đêm Gala giã bạn...

“Năm nay, Festival Huế muốn tạo nên sự tươi mới hơn để hướng đến giới trẻ, kết hợp nét truyền thống với các loại hình nghệ thuật trẻ trung hơn trong các chương trình chính để tạo thành đêm hội thực sự, sân khấu mở thực sự”, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2022 chia sẻ. “Đồng thời, đây là sự khẳng định cho nỗ lực của Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung đưa cuộc sống trở lại bình thường sau đại dịch và là sự kiện góp phần kích cầu du lịch với mục tiêu phát triển du lịch “chủ động – bền vững – an toàn”.

MIỄN PHÍ THAM QUAN ĐẠI NỘI VỀ ĐÊM

Nhằm hưởng ứng chương trình Festival Huế bốn mùa 2022, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mới đây đã thông báo thay đổi giờ mở cửa tham quan ban ngày Đại Nội từ 07h đến 18h30, kể từ ngày 20/6 - 30/6/2022. Đặc biệt, trong 3 ngày 28, 29 và 30/6, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ mở lại hoạt động tham quan Đại Nội về đêm từ 18h30 đến 21h hoàn toàn miễn phí. Tuyến du lịch này tổ chức theo thứ tự: Ngọ Môn - Thế Miếu - sân điện Thái Hòa - Tả Hữu Vu - vườn Thiệu Phương - Phủ Nội vụ và ra theo lối cửa Hiển Nhơn.

Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng đã xây dựng phương án hướng dẫn các tuyến tham quan, đảm bảo an ninh, an toàn và có chương trình nghệ thuật phục vụ du khách. Trong lần mở cửa miễn phí này, du khách sẽ được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật trước trước sân điện Thái Hòa do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế biểu diễn. Ngoài ra, toàn bộ thống điện trong khu vực Đại nội sẽ được thắp sáng lung linh, mang đến cho du khách một chuyến tham quan mới lạ, đầy thú vị.

VỀ CỐ ĐÔ NGHE ĐÁ THẦM THÌ

Sau hai năm tiếng búa cổ sinh vang lên miệt mài trên khắp miền đất nước, Bảo tàng Hoá thạch Hà Nội quyết định sẽ kết hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mang đến cho công chúng một “màn trình diễn” tuy khiêm tốn nhưng đặc biệt: Triển lãm “Hóa thạch – hành trình khám phá nguồn gốc sự sống trên Trái đất” dưới sự giám tuyển từ các chuyên gia nghiên cứu Cổ sinh vật, Cổ thực vật và Cổ Nhân học hàng đầu cả nước.

Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Lần đầu tiên vùng đất cổ sinh sẽ được tái hiện ngay trong khuôn khổ Festival Huế 2022, từ 25/06 đến hết 31/10 tại 76 Hàn Thuyên, TP Huế (Điểm di tích Bộ Học triều Nguyễn). Vũ điệu Ammonite tuyệt diệt trong dãy tiến hóa sinh giới hoà quyện với thanh âm của cuộc sống tự nhiên hàng trăm triệu năm trước sẽ là câu trả lời sống động cho những câu hỏi về nguồn gốc sinh giới trên Trái đất, đánh thức ham muốn khám phá của bất cứ ai có tình yêu đối với sự sống trên hành tinh xinh đẹp này. Hoạt động cũng miễn phí vé vào cửa.

ẨM THỰC KINH ĐÔ HUẾ VỚI BỐN PHƯƠNG

Là kinh đô của triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, Huế còn gìn giữ một di sản ẩm thực phong phú và một nền văn hóa ẩm thực tinh tế, được xem là "kinh đô ẩm thực". của Việt Nam. Lễ hội “Ẩm thực kinh đô Huế với bốn phương” sẽ được tổ chức vào ngày 23 đến 26/6 tại công viên Thương Bạc dọc sông Hương. Lễ hội  sẽ chiêu đãi du khách hàng trăm món ăn đến từ ba miền của Tổ quốc. Trong đó có những món ăn đặc trưng của xứ Huế như chè, bánh nậm, bánh lọc (thuộc nhóm ẩm thực chay); nem công, chả phượng (ẩm thực cung đình)… Lễ hội dự kiến thu hút hơn 40.000 lượt du khách, người dân trong và ngoài nước đến tham dự.

Festival Huế 2022: Những lý do nên đến thăm cố đô cuối tháng 6 này - Ảnh 1

Ông Lê Tân, Phó chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cho biết, ban tổ chức đã bố trí gần 100 gian hàng ẩm thực được dựng bằng tre nứa ở công viên Thương Bạc. "Lễ hội cũng là cầu nối cho nghệ nhân, doanh nhân, doanh nghiệp kinh doanh về văn hóa ẩm thực trên cả nước có dịp gặp gỡ, giao lưu nhằm cùng nhau phát triển, xây dựng, nâng tầm nền văn hóa ẩm thực Việt," ông Tân nói.

CỐ ĐÔ HUẾ NHÌN TỪ BẦU TRỜI

Lễ hội khinh khí cầu "Cố đô Huế nhìn từ bầu trời" là sự kiện thú vị trong tuần lễ Festival Huế 2022 được tổ chức theo hình thức xã hội hóa với quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, với mong muốn tạo ra một sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo, góp phần đưa Huế trở thành thành phố festival đặc trưng của Việt Nam.

Tại lễ hội, 10 quả khinh khí cầu lớn có đường kính 25 - 28m sẽ được sử dụng để bay chở khách ở độ cao 300 - 500m, mỗi chuyến bay kéo dài 45 - 60 phút. Từ độ cao này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh cố đô Huế dọc theo bờ sông Hương. Trong khi đó, 10 quả khinh khí cầu mini đường kính 6 - 10m sẽ được sử dụng để bay biểu diễn ở độ cao 10 - 20m tại sân Hàm Nghi.

Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Hoạt động bay khinh khí cầu tự do có hai lộ trình: bay dọc sông Hương về phía tây, du khách có thể nhìn ngắm dòng sông Hương trữ tình, chùa Thiên Mụ, các lăng tẩm và di tích bên sông; bay dọc sông Hương theo hướng đông về phá Tam Giang, nhìn ngắm bình minh trên biển. Đến với lễ hội, du khách được miễn phí tham quan, check-in cùng màn biểu diễn khinh khí cầu mini. Các hoạt động bay treo ngắm Đại nội Huế và bay tự do dọc sông Hương có giá lần lượt là 170.000 đồng/vé bay treo và 5 triệu đồng/vé bay tự do.