07:15 01/05/2021

Ga cuối của hành trình tái cơ cấu Agribank

An Thơ

5 năm trước, nếu không thực hiện cơ cấu lại thì Agribank vẫn mãi là gã khồng lồ trên đôi chân giấy. Từ chỗ “ăn đong thanh khoản”, Agribank đã trở thành “công cụ ổn định thanh khoản” hệ thống của Ngân hàng Nhà nước...

Năm 2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 53/QĐ-NHNN về tái cơ cấu Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) theo đề án tái cơ cấu cả hệ thống (Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ).

BƯỚC QUA GIAI ĐOẠN HỤT HƠI 

Có lẽ sau hàng chục năm ra đời và hoạt động, đây là lần đầu tiên ngân hàng đứng trước sự chọn lựa đầy khó khăn: hoặc đi tiếp để trở thành trụ đỡ cho “tam nông” như nhiệm vụ lớn lao đã được giao; hoặc tiếp tục là gã khổng lồ lớn xác nhưng thân mình đầy ốm yếu.

Nhớ lại thời kỳ năm 2007 – 2011, hầu như vào “mùa thanh khoản” từ quý 3 trở đi, ngân hàng phải ăn đong từng đồng. Với một ngân hàng quy mô đứng đầu hệ thống, sự thiếu hụt thanh khoản của Agribank không chỉ ảnh hưởng khả năng chi trả của ngân hàng mà còn tác động cực lớn đến hệ thống xét trên hai bình diện: thanh khoản và tâm lý thị trường.

Quy mô một chi nhánh Agribank tương đương quy mô một ngân hàng cổ phần loại nhỏ, vì vậy, nhu cầu thanh khoản của Agribank không tính bằng chục hay trăm tỷ mà hàng trăm tỷ đồng. Các ngân hàng vẫn nhìn vào thanh khoản của Agribank để quyết định giá vốn buôn bán làm ăn với nhau. Ví dụ, nếu Agribank yếu thanh khoản, ngay lập tức, lãi suất liên ngân hàng bị đẩy lên ngay tức thì. Và điều này không chỉ đúng với 10 năm trước mà ngay cả bây giờ, khi Agribank từ chỗ đi vay đã trở thành kẻ chuyên cho đi vay trên thị trường liên ngân hàng.

 

Những người trong giới buôn vốn liên ngân hàng những ngày này vẫn nhìn vào hoạt động của thị trường nhưng dường như mọi ánh mắt đều đổ dồn về 4 ông lớn là Vietcombank, Agribank, VietinBank và BIDV. Chỉ cần Agribank nhấc lãi suất lên mấy điểm phần trăm, ngay lập tức thị trường liên ngân hàng có phản ứng.

Trở lại với thời điểm bước vào tái cơ cấu. Sau hàng chục năm hoạt động, những tích tụ nợ xấu theo chu kỳ, cộng với khả năng quản trị ngân hàng và nền tảng thanh tra giám sát hệ thống còn sơ khai, Agribank lúc đó mang trong mình không ít trọng bệnh. Bên cạnh nợ xấu thì sự chệch choạc của bộ máy vận hành thiếu hiệu quả đã dẫn ngân hàng đến chỗ phải tái cơ cấu lại hoạt động.

Khác xa nhiều ngân hàng khi tái cơ cấu, Agribank chia làm hai giai đoạn: 2013 – 2015 và 2016 – 2020 với những mục tiêu rất rõ ràng và xử lý nợ xấu được đưa lên hàng đầu. Ít ai hình dung, một ngân hàng quy mô lớn như vậy nhưng lại có những cách làm trong xử lý nợ xấu mà sau này, những ngân hàng cổ phần khác phải học tập. Đó là, những cán bộ tín dụng để xảy ra nợ xấu trong phạm vi trách nhiệm của mình, buộc phải xử lý đến cùng, nghĩa là “ăn rồi chỉ lo đòi nợ”, không có chuyện thuyên chuyển sang đơn vị khác trong hoặc ngoài hệ thống. Cùng đó là thắt chặt chi tiêu, mọi tiêu chuẩn chế độ lương thưởng, nghỉ mát đều được tiết giảm tối đa.

Kết quả của quá trình này chính là nợ xấu hạ xuống dưới 3% từ mức trên 10% của mấy năm trước đó; tập trung đầu tư cho “tam nông”; thực hiện thoái vốn tại các công ty con hoạt động không phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp, nông thôn; cơ cấu lại tổ chức bộ máy, đặc biệt là hệ thống kiểm tra kiểm soát, kiểm toán nội bộ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển dịch vụ...

HOẠT ĐỘNG ĐÚNG NGÀNH NGHỀ 

Có được những thành quả ở giai đoạn một, Agribank bước vào triển khai tái cơ cấu giai đoạn hai cũng là thực hiện Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016- 2020 gắn với xử lý nợ xấu và quá trình cổ phần hóa, áp dụng những bài học kinh nghiệm rút ra trong thực hiện thành công tái cơ cấu giai đoạn một, tiếp tục thực hiện các giải pháp có hiệu quả.

 

Kết thúc năm 2018, Agribank đạt và vượt 100% các chỉ tiêu đề ra. Lợi nhuận trước thuế đạt 7.500 tỷ đồng, đây là sự bứt phá kỷ lục so với kế hoạch đề ra 5.700 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2018, Agribank đạt và vượt 100% các chỉ tiêu đề ra. Lợi nhuận trước thuế đạt 7.500 tỷ đồng, đây là sự bứt phá kỷ lục so với kế hoạch đề ra 5.700 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt gần 1.300.000 tỷ đồng; nguồn vốn đạt 1.186.000 tỷ đồng, tăng trưởng 118%; tín dụng đạt 1.005.000 tỷ đồng, tăng 14,63% so với năm trước; dịch vụ đạt 5.400 tỷ đồng, tăng trưởng 22,7%; nợ xấu theo Thông tư 02 đạt 1,45%, thấp hơn so với năm 2017; thu hồi nợ sau xử lý 11.936 tỷ đồng, đạt 102% mục tiêu do HĐTV đề ra; tăng cường trích lập dự phòng rủi ro 11.750 tỷ đồng để mua về các khoản nợ đã bán cho VAMC trước thời hạn của trái phiếu đặc biệt.

Trong số 1,7 triệu tỷ đồng toàn ngành ngân hàng đầu tư cho “Tam nông”, nguồn vốn Agribank chiếm đến trên 50%. Agribank triển khai hiệu quả nhiều chương trình tín dụng chính sách và 02 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Riêng cho vay xây dựng nông thôn mới, Agribank đã triển khai đến 100% số xã trên cả nước.

Với mong muốn tăng khả năng tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng cho mọi người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, qua đó góp phần đẩy lùi tín dụng đen, phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, trong năm 2018, Agribank triển khai an toàn, hiệu quả “Điểm giao dịch lưu động” bằng ô tô chuyên dùng, trên 51.000 tổ vay vốn, phát triển dịch vụ tài chính vi mô, cho vay gần 4 triệu khách hàng hộ sản xuất và cá nhân...; đồng thời, cung cấp trên 200 sản phẩm dịch vụ tiện ích, trong đó các sản phẩm: ứng dụng Agribank E-Mobile Banking; nhóm dịch vụ thanh toán trong nước với nhiều tiện ích, thanh toán thuế điện tử; thanh toán biên mậu... của Agribank là những sản phẩm dịch vụ đạt Thương hiệu Quốc gia.

CÁC CHỈ SỐ TÀI CHÍNH ẤN TƯỢNG 

Theo lãnh đạo Agribank, tính đến 31/3/2021, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1.219.905 tỷ đồng; doanh số giải ngân đến tháng 3/2021 đạt 419.331 tỷ đồng, cao hơn 3 tháng đầu năm 2020 tới 55.054 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các ngành: bán buôn, bán lẻ, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, tiêu dùng, xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo.

Cơ cấu dư nợ với tam nông chiếm tỷ trọng xấp xỉ 70%; cho vay khách hàng pháp nhân 374.916 tỷ đồng, trong khi cho vay khách hàng hộ, cá nhân là 844.988 tỷ đồng. Đặc biệt, cho vay ngắn hạn dù vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhưng tốc độ tăng đã thấp hơn tốc độ tăng trưởng cho vay trung dài hạn. Theo đó, đến 31/3/2021, cho vay trung dài hạn đạt 514.212 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 42,15% dư nợ cho vay nền kinh tế, tăng 1,06% so với đầu năm; cho vay ngắn hạn 705.693 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 57,85%, tăng 0,26% so với đầu năm.

Trong suốt năm 2020 và quý 1/2021, Agribank và các ngân hàng đều bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh. Lãnh đạo Agribank cho biết, đến 25/3/2021, dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là 164.834 tỷ đồng, ngân hàng đã cơ cấu lại theo Thông tư 01 là 32.169 tỷ đồng; trong đó, cơ cấu nợ gốc và lãi là 27.668 tỷ đồng với 12.688 khách hàng; miễn giảm lãi cho 1.452 khách hàng với dư nợ 4.501 tỷ đồng; cho vay mới doanh số hơn 145.000 tỷ đồng với 26 nghìn khách hàng. Đáng chú ý, dư nợ dược cơ cấu theo Thông tư 01 có xu hướng giảm so với những tháng đầu triển khai. Điều này cho thấy, những giải pháp của Thông tư 01 đã có hiệu ứng tích cực.

Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến 31/12/2021 là 1,91%, xác lập mức kỷ lục thấp nhất trong hàng chục năm và phản ánh quá trình tái cơ cấu thành công sau 8 năm khi nợ xấu trước tái cơ cấu trên 10%/tổng dư nợ.

 

Một điểm nhấn khác trong hoạt động của Agribank, đó là kinh doanh vốn. Nếu như trước tái cơ cấu, Agribank thường bị yếu thanh khoản, phải ăn đong vào các quý 3 trở đi hàng năm thì nhiều năm gần đây, ngân hàng là định chế bán vốn lớn nhất nhì thị trường.

Theo đó, thu từ hoạt động kinh doanh vốn tháng 3/2021 đạt 416,8 tỷ đồng, mặc dù có giảm do lãi suất liên ngân hàng và lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm mạnh. Luỹ kế quý 1/2021, thu kinh doanh vốn đạt 1.285,4 tỷ đồng, trong đó, thu từ cho vay, gửi tiền, mua bán có kỳ hạn giấy tờ có giá à 75,1 tỷ đồng; thu từ kinh doanh giấy tờ có giá là 1.210,3 tỷ đồng.

Để tạo bước đệm tài chính an toàn, đến 31/3/2021, ngân hàng tạm trích lập dự phòng rủi ro 5.500 tỷ đồng; nguồn dự phòng hiện có đến cuối tháng 3/2021 là 30.916 tỷ đồng. Một con số khác xa giai đoạn chưa tái cơ cấu vì con số nợ xấu chẳng mấy ai biết rõ là bao nhiêu, chứ đừng nói đến trích lập dự phòng.