09:58 08/06/2024

Gập ghềnh xây dựng chuỗi lúa gạo bền vững

Ánh Tuyết

Nhớ lại hành trình phát triển chuỗi lúa gạo bền vững, ông Huỳnh Văn Thòn thừa nhận rằng nhiều lúc Tập đoàn Lộc Trời như "cầm đèn chạy trước ô tô". Đi nhanh, đi tiên phong nhưng doanh nghiệp gặp không ít bấp bênh, gian khổ bởi chính sách chậm chân, lại phải xử lý những sự cố gần đây do nợ tiền mua lúa hay bị nghi ngờ bán phá giá...

Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải đang mở ra một hệ sinh thái, giúp Lộc Trời thực hiện sứ mệnh mà mình mong đợi.
Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải đang mở ra một hệ sinh thái, giúp Lộc Trời thực hiện sứ mệnh mà mình mong đợi.

Chia sẻ tại tọa đàm: “Doanh nghiệp tiên phong thực thi ESG và kinh tế tuần hoàn” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức chiều ngày 7/6, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, tâm sự rằng tập đoàn bắt đầu từ "cánh đồng mẫu lớn", đây là mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn. 

Thế nhưng, "cánh đồng mẫu lớn" vẫn dậm chân tại chỗ do không đưa công nghệ vào được và cũng không có chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp mà chỉ khen ngợi, thúc đẩy phong trào.

Đối với việc triển khai Đề án "phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" thì rất sôi động, thổi "ngọn gió mới" song nếu như đi sai, đi nhanh quá cũng không được.

THỰC HIỆN "SỨ MỆNH" BẰNG NHỮNG GIẢI PHÁP RIÊNG BIỆT

Thông qua bức tranh của ngành nông nghiệp và thực tiễn của Lộc Trời, ông Huỳnh Văn Thòn kỳ vọng chính sách, đối sách hợp lý được ban hành để doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng "bấp bênh", đi nhanh cũng không được, đi chậm cũng không xong.

Kiên định tầm nhìn, sứ mệnh, tuyên ngôn và các triết lý kinh doanh “Cùng nông dân phát triển bền vững” suốt 35 năm, Tập đoàn Lộc Trời luôn khát vọng và đi tiên phong trong các chương trình môi trường, về sản xuất xanh và phát thải carbon thấp. Điều khác biệt là trước đây, Lộc Trời làm theo kiểu vừa thực tế nhưng cũng vừa phong trào. 

Chẳng hạn, mỗi năm tập đoàn dùng 50 tỷ đồng triển khai chương trình môi trường thông qua thu gom rác thải, tự nhiên trở thành doanh nghiệp đi đầu. Thế nhưng, chương trình này chỉ là chạy theo phong trào, chứ không phải thực chất, dù rủi ro không có. Còn hiện nay, khi làm thực chất, tập đoàn phải tính tới hiệu quả, tính toán đầu vào sản xuất - đầu ra người tiêu dùng, làm sao doanh nghiệp ở giữa kết nối chặt chẽ các khâu.

Mặt khác, chiến lược của Lộc Trời rõ nét hơn khi chuyển từ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật sang chuỗi sản xuất lúa gạo chất lượng cao bền vững xuyên suốt từ đầu tới cuối, trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc liền mạch, để đầu vào của cái này là đầu ra của cái kia, chứng minh được tính tuần hoàn. Tập đoàn cũng phát hiện được tất cả các sản phẩm của cây lúa không bỏ bất cứ thứ gì, đều có thể đưa vào chế biến sâu và biến thành giá trị gia tăng rất lớn.

Chẳng hạn, rơm nếu đem đốt sẽ gây ô nhiễm môi trường nhưng dùng rơm làm nấm và sau đó lại trở thành phân bón.

 

"Đặc biệt, "ngọn gió mới" từ khi triển khai mô hình đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, Chính phủ và Nhà nước nhìn ra rộng hơn trên 1 triệu ha, đây chính là khởi đầu cho một hệ sinh thái mới, tức hệ sinh thái cộng sinh, hội tụ tất cả những thành tố liên quan tới sản xuất lúa gạo, từ đầu vào cho tới đầu ra. Từ đó, mở ra một thời kỳ, một hệ sinh thái đủ làm nên sứ mệnh mà mình mong đợi".

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời.

Khi triển khai đề án này, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời tin rằng lúa gạo Việt Nam sẽ có chỗ đứng, vị thế, nhờ phát triển ổn định và có thể đóng góp cho quốc gia cũng như xuất khẩu ra thế giới 8 triệu tấn lương thực/năm, góp phần đảm bảo vấn đề an ninh lương thực và nâng cao vị thế quốc gia.

"Tôi nghĩ rằng điều này trở thành "vũ khí" của Việt Nam là một điều không xa và thôi thúc chúng tôi quyết tâm đi theo hướng này", ông Thòn tin tưởng.

Trong tiến trình chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, Tập đoàn Lộc Trời đem đến những giải pháp riêng biệt.

Một là, đạt được quy trình canh tác rất khắt khe theo tiêu chuẩn SRP do chương trình môi trường Liên hợp quốc và Viện nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) tổ chức.

SRP là bộ tiêu chuẩn đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa gạo bền vững, bao gồm 41 tiêu chí và 12 chỉ số cực kỳ khắt khe, đánh giá hiệu quả về lợi nhuận, năng suất lao động, sử dụng phân bón và nước, đa dạng sinh học, khí phát thải nhà kính, an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe và lao động… Chúng ta được đạt được 100 điểm tuyệt đối trong 4 năm, điều này rất khó nhưng Lộc Trời quyết tâm làm.

Ông Thòn kể rằng tại hội nghị IRRI lần đầu tiên được tổ chức, các chuyên gia đều đánh giá rằng chỉ có Việt Nam mới có thể làm được "kỳ tích", trong khi các nơi làm trong 3 năm, Việt Nam chỉ làm trong 6 tháng.

Khi đạt được tiêu chí đó, Tập đoàn Lộc Trời đem áp dụng quy trình này vào sản xuất 1 triệu ha song nảy sinh vấn đề. Đó là làm sao để sản xuất bền vững liên tục trong 365 ngày, hầu hết trên thế giới ít có quốc gia nào có đủ điều kiện làm được.

Gập ghềnh xây dựng chuỗi lúa gạo bền vững - Ảnh 1

Với nhiều lợi thế triển khai, Việt Nam có thể bán sản phẩm rẻ hơn cho thị trường thế giới, thế nhưng, nhiều bên kêu rằng Việt Nam phá giá, rẻ hơn nhiều quốc gia trên thế giới bởi giá thành sản xuất rẻ hơn. Bên cạnh đó, tập đoàn bảo đảm cung cấp gạo đúng theo đơn đặt hàng về tiêu chuẩn, giá trị và thời gian.

Ông Thòn cho rằng nếu có chính sách đồng bộ và nhìn nhận của cơ quan pháp lý, Tập đoàn Lộc Trời không phải vất vả như thế này. Phân trần chuyện “phá giá” để trúng thầu xuất khẩu gạo giá thấp, lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời cho biết do có hệ sinh thái, chuỗi sản xuất lúa gạo nên doanh nghiệp có lợi thế về chi phí. 

Lãnh đạo tập đoàn cũng khẳng định gạo là mặt hàng thiết yếu cho người tiêu dùng nên Lộc Trời tìm cách giảm giá thành để có lợi nhuận, chứ không phải tìm cách tăng giá bán. Còn việc tăng giá bán do cung cầu thị trường, do chất lượng tăng, chứ lương tâm lãnh đạo Lộc Trời không chấp nhận bởi đây là mặt hàng thiết yếu.

“Chúng tôi chọn cách này cực kỳ gian khổ, cực kỳ khó. Cứ nói chúng tôi phá giá, đâu có, Lộc Trời làm theo quy trình đi từ cây lúa nên khác, giá thành thấp nên chúng tôi có quyền bán giá thấp. Chúng tôi cam kết 100% không phá giá”, ông Thòn khẳng định.

Việc phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững có lợi cho người nông dân và đóng góp cho môi trường nhưng ông Thòn cho rằng thị trường carbon hiện chưa có, dù khuyến khích làm song nông dân không được lợi gì. Vì vậy, chính sách cần theo kịp và sớm giải quyết vấn đề này.

Hai là, triển khai mô hình ứng dụng công nghệ cao “mặt ruộng không dấu chân”, đồng bộ cơ giới hóa từ đầu vụ đến cuối vụ, giúp giảm công lao động và giảm chi phí sản xuất.

Ba là, sản xuất không dùng tiền mặt.

"Tất cả những điều này giúp chúng tôi đi trước và đi nhanh và có được những kết quả nhất định nhưng điều kiện hết sức quan trọng, đó là nếu quy mô không đủ lớn sẽ không có hiệu quả, hoặc ban đầu mô hình sẽ lỗ. Đây chính là thách thức lớn nhất của những người đi trước, đi nhanh dễ chết và dễ vấp ngã", ông Thòn đúc kết.

MONG MỎI CHÍNH SÁCH TRỢ SỨC

Về việc tiếp cận vốn, lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời nêu rõ "nghịch lý" đề cập nhiều nhưng không giải quyết được, đó là ngân hàng muốn "xắn tay" cho vay song các doanh nghiệp, người nông dân vẫn kêu vì thiếu vốn, thiếu tiền. Như vậy, bên cần cho vay và bên muốn vay không gặp được nhau.

Riêng với Tập đoàn Lộc Trời, do cách tiếp cận khác theo hướng "ba cùng", đó là cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người nông dân, 1.200 kỹ sư hoàn toàn nghe được “hơi thở” của đồng ruộng và thấu hiểu người nông dân và có thể bảo lãnh cho các khoản vay của nông dân, giúp họ tiếp cận vốn ngân hàng.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Trí Dũng.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Trí Dũng.

Tuy nhiên, dù doanh nghiệp nỗ lực để đạt được chứng chỉ xanh, song ngân hàng không có chính sách ưu đãi khi cho vay. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó, chứ không vướng mắc vì không tiếp cận được vốn.

"Chúng tôi đang đi trước, "cầm đèn chạy trước ô tô", cái khó là chúng tôi chưa nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về chính sách, khen thì nhiều nhưng chính sách chưa có. Chúng tôi rất cần chính sách, vì đó là vốn, là tiền và là lợi ích", ông Thòn mong đợi.

Nhắc lại sự cố nợ tiền mua lúa của người dân, lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời thẳng thắn bày tỏ suốt 35 năm không thiếu nợ nông dân, duy nhất 1 lần thiếu nợ tối đa 40 ngày, tối thiểu 10 ngày vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề về tín dụng với các ngân hàng, chúng tôi đã chịu rầy la và nhận lỗi rõ ràng với người dân.

Làm ăn có lúc này, lúc khác, ông Thòn mong người nông dân, đối tác thông cảm, bởi biên lợi nhuận rất thấp, rủi ro lại thường xuyên và động viên tập đoàn. Khi đó, Lộc trời tin tưởng rằng có sự đồng hành sẽ đi nhanh, đi mạnh và khai thác được dư địa hơn nữa. Nhờ đó, người nông dân cũng đỡ khổ hơn và xã hội chắc chắn rằng sẽ ổn định hơn.