Giá tăng 42% trong 3 tháng, khi nào POW nhận được bồi thường 1.000 tỷ cho sự cố Vũng Áng 1?
Cổ phiếu POW liên tục tăng trưởng trong những phiên gần đây, sáng nay có lúc lại kịch trần lên vùng giá 14.900 đồng/cổ phiếu, vượt mọi kỳ vọng và khuyến nghị của các công ty chứng khoán trên thị trường....
Tính từ tháng 4 đến nay, cổ phiếu POW của PV Power tăng 42% từ vùng giá 10.470 đồng/cổ phiếu lên 14.800 đồng/cổ phiếu phiên sáng 18/6. Thanh khoản cải thiện đáng kể từ trung bình 6-7 triệu cổ phiếu lên đến 30 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trong hai tháng vừa qua.
Cổ phiếu POW liên tục leo về đỉnh cũ nhờ 3 động lực chính.
Thứ nhất, nhu cầu điện tăng mạnh. Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia dự kiến mùa cao điểm nhu cầu điện ở Việt Nam sẽ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7/2024, đồng nghĩa với việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải tăng mức huy động điện trên toàn quốc trong Q2/2024. Theo SSI Research, Qúy 2/2024 có thể là quý mà POW có thể sẽ ghi nhận sản lượng giao dịch cao nhất so với các quý khác.
POW đặt kế hoạch tăng trưởng đối với doanh thu và sản lượng nhưng lợi nhuận dự kiến giảm trong 2024. Cụ thể, kế hoạch tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty lần lượt là 31,7 nghìn tỷ đồng tăng 9% so với cùng kỳ chủ yếu là do kế hoạch sản lượng tăng 16% và 824 tỷ đồng giảm 36%. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế này khá thận trọng so với kế hoạch tổng doanh thu và sản lượng trên. Lưu ý lợi nhuận sau thuế thực tế của POW liên tục vượt kế hoạch đặt ra trong giai đoạn 2018-2023.
Gần đây, để giải quyết nhu cầu tăng đột biến, Bộ Công Thương đã phê duyệt kế hoạch cung cấp điện điều chỉnh cho cả mùa khô và cả năm 2024. Trong khi sản lượng.điện từ thủy điện và khí đốt gặp khó khăn do điều kiện thời tiết và nguồn cung, điện than được huy động gần tối đa công suất.
Doanh thu điện than năm 2024 của POW sẽ tăng 25,9% so với cùng kỳ lên 11,3 nghìn tỷ đồng với sản lượng tăng 35,6% nhờ: Tổ máy số 1 quay trở lại vận hành sau hai năm gián đoạn do sự cố kỹ thuật; Điện than được ưu tiên huy động từ đầu năm để tiết kiệm thủy điện cho mùa cao điểm;nhu cầu điện mạnh hơn dự kiến. Điều này được phản ánh trong Q1/24 với sản lượng nhà máy tăng 43% so với cùng kỳ lên 1,7 tỷ kWh.
Thứ hai, đối với khoản bồi thường khoảng 1 nghìn tỷ đồng liên quan đến sự cố kỹ thuật Tổ máy 1 của nhà máy Vũng Áng 1.
POW và các công ty bảo hiểm liên quan đã hoàn tất thỏa thuận bồi thường sự cố kỹ thuật Tổ máy 1 của nhà máy Vũng Áng 1 (từ tháng 9/2021 đến tháng 8/2023). Theo POW, số tiền bồi thường cuối cùng được thỏa thuận là khoảng 1 nghìn tỷ đồng, trong đó hơn 600 tỷ đồng dành cho chi phí sửa chữa để bù đắp tổn thất vật chất (phần còn lại dành cho tổn thất gián đoạn kinh doanh). SSI lưu ý rằng PVI một trong những công ty bảo hiểm của POW đã đồng ý chi trả bảo hiểm tạm thời trị giá 15 triệu USD và trả khoảng 280 tỷ đồng cho POW. Tính đến cuối Q1/2024, POW vẫn chưa ghi nhận số tiền vào báo cáo kết quả kinh doanh.
Vì không chắc chắn thời gian POW sẽ ghi nhận khoản thu nhập này, nên SSI Research giả định POW sẽ thực hiện ghi nhận khoản thu nhập này vào năm 2025-2026 (~500 tỷ đồng cho mỗi năm).
Thứ ba, HĐQT POW lạc quan về triển vọng của Nhơn Trạch 3&4. Thủ tục đất đai cho NT3&4: 30ha đất (trên tổng diện tích 43ha) trong dự án Nhơn Trạch 3&4 thuộc Khu công nghiệp Ông Kèo, đã được tỉnh Đồng Nai giao cho công ty Tín Nghĩa để triển khai hạ tầng và cho thuê. POW đang đàm phán với Tín Nghĩa để ký hợp đồng thuê đất sớm và hoàn tất thủ tục giấy tờ liên quan.
Dự kiến, POW sẽ phải trả chi phí sử dụng cơ sở hạ tầng cho khu công nghiệp. Bộ Công Thương hiện đang hoàn thiện dự thảo nghị định về điện sử dụng LNG để trình Chính phủ phê duyệt. Nghị định đề xuất tỷ lệ EVN cam kết bao tiêu điện khí LNG là tối thiếu 70% trong tối đa 7 năm.
Với công suất đầu ra được đảm bảo, POW tự tin vào khả năng NT3&4 được huy động ở mức 6-7 tỷ kWh/năm. Chi phí nhiên liệu LNG được chuyển ngang sang EVN. Hợp đồng PPA có cả cấu phần cố định và cấu phần biến đổi, mang lại sự ổn định và đảm bảo NT3&4 có thể cạnh tranh hiệu quả với các nhà máy điện khí. Các nghiên cứu khả thi dự kiến thời gian hoàn vốn là 14-16 năm. POW dự kiến sẽ lỗ nhẹ trong hai năm đầu.
Trong năm 2025, SSI ước tính POW sẽ đạt 33,4 nghìn tỷ đồng doanh thu (+34%) và NPATMI đạt 1,6 nghìn tỷ đồng (+104%), chủ yếu nhờ sự phục hồi của nhà máy Nhơn Trạch 2, giả định thu nhập khoảng 500 tỷ đồng từ việc bồi thường sự cố kỹ thuật Tổ máy 1 của nhà máy Vũng Áng 1 và công suất hoạt động của các nhà máy Hủa Na và Đakđrinh cải thiện do điều kiện thời tiết thuận lợi hơn (so với năm 2023 và 2024) sẽ hỗ trợ nước vào hồ chứa cho các nhà máy thủy điện.
Mức tăng trưởng doanh thu như vậy có thể sẽ được hỗ trợ từ hoạt động thương mại của nhà máy Nhơn Trạch 3, giả định các nhà máy điện nhiên liệu LNG Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 sẽ lần lượt đi vào hoạt động từ năm 2025 đến năm 2026 và có thể xem xét điều chỉnh giả định tùy theo tiến độ thực hiện thực tế.