10:57 01/10/2021

Giá vàng thế giới tăng vọt khi đồng USD giảm giá, trong nước đi ngang

Điệp Vũ

Tuy nhiên, giá vàng thế giới đã giảm hơn 3% trong tháng 9 do đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. So với sáng qua, giá vàng miếng sáng nay chỉ tăng nhẹ vài chục đến 100.000 đồng/lượng, không phản ánh hết biến động giá vàng thế giới...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới tăng mạnh trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9, nhờ đồng USD xuống giá. Tuy nhiên, giá vàng trong nước sáng nay (1/10) ít biến động, chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới rút ngắn đáng kể.

Lúc gần 10h trưa, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.757,7 USD/oz, giảm 0,5 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York. Mức giá này đương gần 48,4 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại Ngân hàng Vietcombank và chưa tính chi phí liên quan.

Cùng thời điểm trên, giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội theo niêm yết của Tập đoàn Phú Quý là 57,05 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,65 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 56,6 triệu đồng/lượng và 57,2 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

So với sáng qua, giá vàng miếng sáng nay chỉ tăng nhẹ vài chục đến 100.000 đồng/lượng, không phản ánh hết biến động giá vàng thế giới. Bởi vậy, giá vàng miếng bán lẻ đang cao hơn so với giá vàng thế giới quy đổi khoảng 8,8-9,2 triệu đồng/lượng, rút ngắn nhiều so với mức chênh gần 10 triệu đồng/lượng vào đầu tuần.

Giá nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 50,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 51,2 triệu đồng/lượng (bán ra).

Vietcombank sáng nay niêm yết giá USD ở mức 22.660 đồng và 22.860 đồng.

Trong phiên Mỹ ngày 30/9, giá vàng giao ngay tăng 31,1 USD/oz, tương đương tăng 1,8%, chốt ở 1.758,2 USD/oz.

Phiên tăng giá mạnh này của vàng diễn ra khi đồng USD trượt giá sau báo cáo ảm đạm về số đợt xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ.

Số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 30/9 cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua ở nước này là 362.000, cao hơn con số dự báo 335.000. Bản báo cáo việc làm tháng 10 – một căn cứ quan trọng cho những bước đi chính sách tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – sẽ công bố vào ngày 8/10.

Chỉ số Dollar đo sức mạnh đồng USD giảm về ngưỡng 94,3 điểm, từ mức 94,5 điểm trong phiên trước đó.

“Số liệu việc làm vừa công bố làm lung lay khả năng Fed sớm cắt giảm chương trình mua tài sản, vì mục tiêu của Fed là thị trường việc làm phải phục hồi vững chắc trước khi Fed đưa ra động thái như vậy”, nhà tư vấn độc lập Robin Bhar nói với hãng tin Reuters, nhấn mạnh rằng bất kỳ sự trì hoãn nào của Fed cũng có lợi cho giá vàng. Theo ông Bhar, nhu cầu mua vàng vật chất cũng đang tăng, vì một số nhà đầu tư muốn bảo toàn giá trị khi triển vọng kinh tế trở nên bấp bênh và lạm phát tăng cao.

Tuy nhiên, đồng USD tăng giá, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, và khả năng Fed bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản đã gây áp lực lớn lên giá vàng trong tháng 9, khiến giá kim loại quý này giảm hơn 3% trong tháng 9.

Dollar Index tăng tăng gần 2,5% trong tháng qua.

Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading View.
Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading View.

Nhà phân tích Han Tan của Exinity cho rằng khả năng cao Fed tuyên bố cắt giảm chương trình mua tài sản trong tháng 11 sẽ tiếp tục hỗ trợ tỷ giá USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, theo đó gia tăng sức ép mất giá đối với vàng – tài sản không mang lãi suất và được định giá bằng đồng USD.

Các chuyên gia của ngân hàng Commerzbank đồng tình với quan điểm của ông Han. “Đồng USD mạnh lên và lợi suất tăng là một sự kết hợp ‘chết người’ đối với giá vàng”, một báo cáo của ngân hàng này nhận định.

“Trong ngắn hạn, rủi ro giá vàng giảm sâu trở lại vẫn lớn, đồng nghĩa với mốc 1.700 USD/oz có thể bị xuyên thủng sớm”, báo cáo viết.