19:49 24/05/2023

Giải phóng mặt bằng được hơn 97%, dự án nhà ở xã hội vẫn chưa được giao đất… vì vướng luật

Anh Nhi

Các quy định pháp luật chung chung, có nhiều cách hiểu khác nhau hay thiếu hướng dẫn cụ thể… đang khiến việc thực thi pháp luật ở địa phương gặp khó, dẫn đến nhiều dự án bị kéo dài và chậm tiến độ…

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh đồng chủ trì phiên thảo luận tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh đồng chủ trì phiên thảo luận tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Chia sẻ tại Hội nghị Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội tại Vĩnh Phúc ngày 23/5, ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Kehin – chủ đầu tư khu nhà ở xã hội thôn Rừng Cuông – cho biết với cơ chế, chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư, Kehin đã lựa chọn và triển khai dự án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thôn Rừng Cuông, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

QUÁ NHIỀU VƯỚNG MẮC, DỰ ÁN BỊ CHẬM TIẾN ĐỘ

Dự án đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng và diện tích sử dụng hơn 109 nghìn ha. Tuy nhiên, đến giờ sau 35 tháng kể từ khi được trao quyết định chủ trương đầu tư, Kehin vẫn chưa được giao đất để triển khai dự án theo đúng tiến độ.

“Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã giải phóng mặt bằng được 97,6% tổng diện tích đất sử dụng với gần 107 nghìn ha, diện tích chưa giải phóng mặt bằng còn lại chỉ còn hơn 2 ha. Nhưng doanh nghiệp vẫn chưa được bàn giao đất và chưa thể triển khai một số hạng mục đầu tư như kế hoạch”, ông Nam cho biết.

Đại diện Công ty cổ phần Kehin, đề nghị tỉnh giao đất 02 giai đoạn để có thể thực hiện dự án, hiện nay Công ty đã giải phóng mặt bằng dự án trên 97%.
Đại diện Công ty cổ phần Kehin, đề nghị tỉnh giao đất 02 giai đoạn để có thể thực hiện dự án, hiện nay Công ty đã giải phóng mặt bằng dự án trên 97%.

Lý giải về nguyên nhân chậm giao đất cho chủ đầu tư dự án Rừng Cuông, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cho biết không riêng tại Vĩnh Phúc, nhiều địa phương cũng đang có ý kiến khác nhau về việc giao đất theo từng đợt hay theo toàn dự án. “Song ở thời điểm hiện tại, thường áp dụng phương thức giao đất cho toàn dự án”, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cho hay.

Tuy nhiên, luật hiện nay không có quy định bắt buộc giao đất một lần cũng như không có quy định cấm giao nhiều lần cho chủ đầu tư vì vậy đại diện công ty Kehin đề nghị lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc sớm nghiên cứu và vận dụng quy định của pháp luật để có giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp triển khai dự án theo đúng tiến độ nhất là khi doanh nghiệp đã giải phóng mặt bằng được 97,6% diện tích đất sử dụng.

Không chỉ là những vướng mắc liên quan tới cách hiểu khác nhau các quy định pháp luật, nhiều doanh nghiệp tại hội nghị cho rằng nhiều quy định liên quan tới xây dựng, phát triển nhà ở xã hội cũng đang khiến nhà đầu tư gặp khó.

Cụ thể, theo quy định, mỗi dự án đầu tư nhà ở xã hội phải có quy hoạch chi tiết trước khi lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, quy hoạch chi tiết này phải do chủ đầu tư lập sau khi được lựa chọn. Điều này rất bất cập, gây khó khăn cho các việc chủ đầu tư muốn triển khai dự án.

Ngoài ra, có sự chưa thống nhất giữa Luật Nhà ở và Nghị định hướng dẫn Luật nhà ở về một trong các điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Đó là Luật không có quy định về điều kiện “chưa có đất ở” để được hưởng chính sách về nhà ở xã hội nhưng Nghị định lại đưa ra quy định yêu cầu Sở Xây dựng phải kiểm tra để loại trừ việc “đã có đất ở”.

Đại diện Công ty cổ phần tư vấn xây dựng và thương mại Doanh Gia, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Gốc Nụ đã làm thủ tục xin giao đất từ tháng 9/2022 tuy nhiên đến nay chưa được xem xét giải quyết.
Đại diện Công ty cổ phần tư vấn xây dựng và thương mại Doanh Gia, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Gốc Nụ đã làm thủ tục xin giao đất từ tháng 9/2022 tuy nhiên đến nay chưa được xem xét giải quyết.

Đặc biệt, theo quy định, khi khu công nghiệp đã hình thành mà chưa có hoặc chưa đáp ứng đủ nhà ở cho công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội. Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng được trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất để lại cho địa phương.

Tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu thực tế ở Vĩnh Phúc, nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất để lại cho địa phương có thể không đủ để chi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cần nguồn vốn lớn và chủ yếu từ vốn doanh nghiệp với thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận không cao. Song các chính sách ưu đãi, hỗ trợ chủ đầu tư, doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân lại chưa đủ mạnh.

KIẾN NGHỊ TRUNG ƯƠNG, CÓ GIẢI PHÁP THÁO GỠ

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án phát triển nhà ở, theo ông Trần Quang Ngọc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết Uỷ ban Nhân dân Vĩnh Phúc đã thành lập tổ công tác của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh về việc rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh; rà soát bố trí 20% quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội; tiếp tục, kêu gọi thu hút đầu tư các dự án mới (tỉnh đã thông qua 22 khu vực với diện tích 183,39ha); và giao Sở Xây dựng tổ chức lập chương trình phát triển nhà ở của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định cụ thể các chỉ tiêu về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện.

Ông Trần Quang Ngọc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu kết luận phiên thảo luận tháo gỡ khó khăn.
Ông Trần Quang Ngọc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu kết luận phiên thảo luận tháo gỡ khó khăn.

Đặc biệt, đối với những vướng mắc liên quan tới quy định về ưu đãi và trách nhiệm chủ đầu tư, thẩm định giá bán nhà ở xã hội, thủ tục hành chính trong đầu tư và quản lý, loại hình dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội… Vĩnh Phúc sẽ kiến nghị với các bộ, ngành trung ương các giải pháp tháo gỡ khó khăn và vướng mắc theo hướng phù hợp với thực tiễn triển khai, thúc đẩy tiến độ triển khai dự án nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội cho công nhân tại địa phương.

Theo Thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay số lượng công nhân lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc do Liên đoàn Lao động tỉnh quản lý là: 97.621 công nhân lao động.

Trong đó, khoảng trên 20.000 công nhân đang ở trọ tại 2.074 nhà trọ trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên, huyện Bình Xuyên. Công nhân tại các khu công nghiệp đang phải sinh sống trong các phòng trọ do tư nhân xây dựng cho thuê rất chật hẹp, diện tích sử dụng chỉ từ 3-4m2/người.

Năm 2019, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên 5.000 công nhân lao động tại 29 doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Kết quả cho thấy có 61,6% công nhân lao động đã có nhà riêng hoặc ở cùng gia đình; nhà ở nhờ bà con là 2.94%; có 1,2% công nhân lao động ở ký túc xá của doanh nghiệp xây. Theo đó, công nhân lao động đang thuê, trọ chiếm tỷ lệ cao là 33.14%. Vì vậy, giải pháp triển khai các dự án nhà ở xã hội cho công nhân là cần thiết để đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho công nhân nói riêng.