14:01 19/05/2023

Nhiều ý kiến xung quanh quy định dành 20% quỹ đất để xây nhà ở xã hội

Thanh Xuân

Tại hội thảo doanh nghiệp góp ý về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Bộ Xây dựng vừa tổ chức, có ý kiến cho rằng nên giữ nguyên quy định chủ đầu tư nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất trong dự án để xây nhà xã hội. Nhưng cũng nhiều người nhận xét bỏ quy định này là hợp lý...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bao gồm 13 chương và 196 Điều. So Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tăng hơn 13 Điều; trong đó bãi bỏ 7 Điều trong Luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung một số Điều; Luật hóa từ Nghị định một số Điều. Còn dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) gồm 10 chương và 92 Điều.

“Hai dự thảo luật này, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 tới, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023. Việc tiếp tục lấy ý kiến cộng đồng doanh nhân, các hiệp hội, nhà khoa học mang rất nhiều ý nghĩa”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.

CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP RẤT QUAN TÂM ĐẾN 2 DỰ THẢO LUẬT

Cũng nói về các dự án luật, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nêu: vấn đề nhà đất, bất động sản luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Đó là nhu cầu quan trọng của mỗi người vì có “an cư mới lạc nghiệp”, cho nên Luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản giữ một vai trò không thể thiếu trong đời sống.

Theo ông Phạm Tấn Công, thị trường bất động sản còn đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế. Thị trường bất động sản không chỉ giúp phân bổ nhà ở mà còn cung cấp cả tín hiệu, định hướng để doanh nghiệp biết và xây dựng phù hợp theo nhu cầu xã hội. Thực tiễn tại nhiều quốc gia phát triển cho thấy, thị trường bất động sản có ý nghĩa lớn trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhưng việc quản lý không hề dễ dàng bởi không khéo thì dẫn đến nhiều nguy cơ.

Đó là việc thiếu hụt nhà ở, giá thuê nhà, thuê văn phòng quá cao. Thời gian qua, giá bất động sản cao gây ra không ít khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh lẫn nền kinh tế. Mặt khác có thể xảy ra tình trạng lừa đảo khi mua bán, đặc biệt là mua nhà hình thành trong tương lai. Vấn đề hiện nay đã giảm song vẫn còn diễn ra. Rồi nguy cơ hình thành bong bóng bất động sản rộng khắp thị trường mà dường như nền kinh tế đang phải đối mặt.

Đưa ra quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đang được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, đồng thời có nhiều góp ý tới đại diện ban soạn thảo cùng các cơ quan Quốc hội, Chính phủ. “Về cơ bản hai dự thảo luật đã tiếp thu các góp ý và tương đối hoàn thiện”, vị chuyên gia đánh giá.

VẪN CÒN NHIỀU BĂN KHOĂN

Tuy nhiên ông Nguyễn Mạnh Hà vẫn băn khoăn về một số điều khoản. Cụ thể liên quan đến bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, chuyên gia nhận xét: “Việc bỏ quy định dành 20% quỹ đất dự án để xây nhà ở xã hội, đồng ý là tăng quy mô diện tích lên. Nhưng 20% này nếu chúng ta bỏ, vô hình chung suất đầu tư cho nhà ở xã hội tăng rất cao. Vì trước đây có 20% thì chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng xã hội ăn theo nhà ở thương mại rồi. Bây giờ bỏ, suất đầu tư sẽ tăng vì tất cả đều phân bổ cho các nhà ở xã hội, do vậy giá nhà ở xã hội chắc chắn tăng”.

Trong khi đó, ông Phạm Minh Đức, Phó Tổng giám đốc pháp chế đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành lại đồng tình không nên quy định cứng nhắc bắt buộc chủ đầu tư dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội. “Chúng ta thấy việc này rất khiên cưỡng bởi phát triển nhà ở xã hội phụ thuộc vào nhu cầu từng tỉnh, và vị trí của khu vực nhà ở xã hội khác nhau chứ không nhất thiết trong khu đô thị phải có 20% đó. Theo tôi, quy hoạch nhà ở xã hội nên để dành bài toán cho luật quy hoạch sẽ phù hợp hơn. Tôi hoàn toàn ủng hộ bỏ quy định 20% nhà ở xã hội trong một khu đô thị”, ông Minh Đức bình luận.

Đồng quan điểm bà Nguyễn Thị Nga, Phó trưởng Khoa pháp luật kinh tế, Trường đại học Luật Hà Nội, chia sẻ rằng bỏ quy định phải trích lập 20% quỹ là phù hợp. “Kinh doanh là kinh doanh, chủ đầu tư thực hiện dự án về kinh doanh lại bắt phải chịu trách nhiệm xã hội. Trách nhiệm xã hội phải tùy thuộc vào năng lực mỗi một chủ thể và tấm lòng của chủ đầu tư”, chuyên gia nhìn nhận.

Về đến vấn đề trên, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục  trưởng Cục quản lý nhà và bất động sản, Bộ Xây dựng, nêu quan điểm: "Việc phát triển nhà ở xã hội thuộc trách nhiệm nhà nước, các doanh nghiệp sẽ tham gia dưới nhiều góc độ như đóng thuế, phát triển chung".

Nhưng nếu quy định các doanh nghiệp phải dành 20% quỹ đất thực ra chưa hợp lý nên Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ đồng ý là phải doanh nghiệp nhà nước quy hoạch quỹ đất. Đương nhiên để có nguồn kinh phí thì đã yêu cầu địa phương  bố trí một nguồn ngân sách tối thiểu, báo cáo HĐND dành phần này đầu tư xây dựng hạ tầng rồi tổ chức đấu thầu cho doanh nghiệp tham gia. Chúng tôi đánh giá, nếu Bộ thực hiện như dự thảo sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia. Từ cơ sở thực tiễn, cơ sở lý luận khoa học đề xuất bỏ quy định dành 20% cũng hợp lý ở thời điểm hiện nay.

“Thực tế, muốn phát triển nguồn cung nhà ở xã hội cần chính sách dài hạn thực sự thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, tạo lập các dự án. Ngoài ra một điều quan trọng không kém là nguồn vốn phải ổn định, dài hạn, không ngắt quãng. Như vậy chúng ta mới mở rộng “cánh cửa nhà ở” xã hội cho người lao động”, ông Khởi đánh giá.