Giải quyết “điểm nghẽn” logistics tại Hải Phòng
Muốn phát triển trung tâm logistics, Hải Phòng cần ban hành chính sách khuyến khích hoạt động vận tải đa phương thức trên địa bàn, rà soát các quy hoạch, căn cứ tính pháp lý (quỹ đất) để xác định vị trí trung tâm logistics...
Hội nghị “Liên kết phát triển dịch vụ logicstics Hải Phòng” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tổ chức mới đây tại Hải Phòng đã nhận được nhiều sự quan tâm của thị trường.
TĂNG TRƯỞNG CHƯA TƯƠNG XỨNG VỚI LỢI THẾ
Nói về tiềm năng phát triển dịch vụ logistics của Hải Phòng, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết Hải Phòng là đô thị loại 1, là giao điểm của hai hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, và hiện nay ven biển Bắc bộ là một trong ba cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ trọng điểm trong kế hoạch phát triển hai vành đai một vành đai giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Ngoài ra, hạ tầng logistics đã ngày càng hoàn thiện, hạ tầng cảng biển, giao thông được đầu tư mạnh mẽ có bước phát triển đột phá theo hướng hiện đại, đồng bộ.
Cảng kiểu mẫu quốc tế Hải Phòng hoàn thành xây dựng giai đoạn khởi động, đưa vào khai thác tuyến số 1, số 2, hạ tầng giao thông đường bộ cơ bản đáp ứng kết nối các khu công nghiệp với hệ thống cảng biển. Hệ thống cảng biển được đầu tư xây mới phù hợp xu hướng phát triển từng bước trở thành trung tâm dịch vụ logistic của khu vực và quốc tế.
Dịch vụ logistics Hải Phòng tăng trưởng bình quân 23%/năm, góp phần quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của thành phố và cả nước
Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng
Dịch vụ logistics Hải Phòng tăng trưởng bình quân 23%/năm, góp phần quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của thành phố và cả nước.
Mặc dù có vị trí thuận lợi và nhiều tiềm năng, song theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hải Phòng vẫn chưa phát huy được hết những lợi thế đã có, chưa thực sự trở thành địa phương đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, chưa tận dụng lợi thế để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.
Hải Phòng từng được xem là “cái nôi” của logistics Việt Nam, nhưng hiện nay các doanh nghiệp tại Hải Phòng chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ. “Việc hàng trăm doanh nghiệp hoạt động đơn lẻ, chưa tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ ngành logistics đã dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp “đông nhưng không mạnh”, phát triển manh mún thiếu quy hoạch làm giảm khả năng cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập”, ông Lộc nhấn mạnh.
ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH TRUNG TÂM LOGISTICS
Để Hải Phòng lấy lại phong độ của mình như đã từng, ông Bùi Quang Hải, Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng kiến nghị, thời gian tới cần phải có sự lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt hơn, có những chính sách hỗ trợ cụ thể, kịp thời để tạo điều kiện cho dịch vụ logictics thành phố phát triển bền vững, nhất là trong giai đoạn 2021 – 2025, thành phố sẽ phát triển 6 Trung tâm logistics, diện tích 261 ha.
Bổ sung thêm, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), cho biết quy mô của các công ty logistics ở Hải Phòng đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ; năng lực cạnh tranh trên thị trường dịch vụ quốc tế và trong nước còn yếu; thủ tục Hải quan và kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp chồng chéo. Thời gian thông quan cho các lô hàng xuất nhập khẩu bị kéo dài. Hơn nữa, chi phí logistics còn ở mức cao so với mức trung bình của thế giới.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Việc hàng trăm doanh nghiệp hoạt động đơn lẻ, chưa tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ ngành logistics đã dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp “đông nhưng không mạnh”
"Thành phố Hải Phòng cần phải nâng cao năng lực của hệ thống kho bãi đáp ứng yêu cầu của các cảng biển cầu nối quan trọng của hoạt động logistics toàn cầu; kho bãi tập kết hàng hóa phải được thành phố ưu tiên phát triển", ông Khoa khuyến nghị.
Mặt khác cũng nên cho phép khu vực tư nhân được tham gia đầu tư các dự án phát triển hệ thống kho bãi, thông tin liên lạc; xây dựng một số trung tâm dịch vụ logistics; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin.
Riêng với cảng biển có thể xem xét theo mô hình hệ thống portnet (cung cấp các dịch vụ trực tuyến tích hợp cho các hãng tàu, vận tải, giao nhận vận tải và chủ hàng) của Singapore, nơi mà thông tin được quản lý và chia sẻ bởi cảng biển, hãng tàu, các nhà vận chuyển đường bộ, các đại lý giao nhận vận tải và các cơ quan của Chính phủ, nhất là hải quan.
Bên cạnh đó, để giải quyết “điểm nghẽn” logistics Hải Phòng, PGS.TS Hồ Thị Thu Hoà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam đề xuất mô hình trung tâm logistics với các khu vực chính trong trung tâm logistics gồm khu vực kho bãi và dịch vụ logistics, khu vực văn phòng giao dịch, khu vực dịch vụ hỗ trợ, khu vực dành cho đơn vị vận tải, khu vực kiểm tra chuyên ngành, khu vực thương mại tự do...
“Muốn phát triển trung tâm logistics, Hải Phòng cần ban hành chính sách khuyến khích hoạt động vận tải đa phương thức trên địa bàn, rà soát các quy hoạch, căn cứ tính pháp lý (quỹ đất) để xác định vị trí trung tâm logistics. Đồng thời, căn cứ vào nguồn hàng để xác định quy mô và chức năng của trung tâm logistics...”, TS Hồ Thị Thu Hoà đề xuất.