Giới chuyên gia tiếp tục bi quan về kinh tế Trung Quốc
Các chuyên gia kinh tế nhận định nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa vượt qua được chuỗi suy giảm kéo dài suốt 5 quý qua...
Theo dự báo bình quân của các nhà phân tích do Bloomberg khảo sát, dữ liệu kinh tế dự kiến công bố vào ngày mai (15/8) nhiều khả năng cho thấy doanh số bán lẻ của nước này vẫn ảm đạm, dù có sự phục hồi nhẹ nhờ cơ sở so sánh thấp hơn và cú huých từ kỳ nghỉ lễ mùa hè vừa qua. Trong khi đó, tăng trưởng công nghiệp và đầu tư vẫn trì trệ.
KHỞI ĐẦU KHÓ KHĂN CỦA QUÝ 3
“Chúng tôi dự báo rằng dự liệu sắp công bố sẽ phản ánh một khởi đầu đầy khó khăn của quý 3”, ông Carlos Casanova, nhà kinh tế trưởng về châu Á tại Union Bancaire Privee, cho biết trong một báo cáo đầu tuần này. “Dữ liệu lạm phát thấp cho thấy triển vọng tiêu dùng nhiều khả năng sẽ còn xấu hơn nữa”.
Những tín hiệu kinh tế bi quan càng làm dấy lên làn sóng kêu gọi Bắc Kinh có thêm các biện pháp chính sách để kích thích nền kinh tế trong phần còn lại của năm. Bắc Kinh hiện đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 “khoảng 5%”.
Tại một cuộc họp của Bộ Chính trị gần đây, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã phát tín hiệu về lập trường hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho tăng trưởng kinh tế với việc cam kết chuyển hướng trọng tâm sang thúc đẩy tiêu dùng bởi lĩnh vực này đang được xem là một mối liên kết yếu của nền kinh tế.
Theo các nhà phân tích, động thái hạ lãi suất bất ngờ tháng trước của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cùng với sáng kiến mới thúc đẩy chi tiêu dịch vụ không giúp vực dậy đáng kể niềm tin của người tiêu dùng, bởi cuộc khủng hoảng bất động sản dai dẳng vẫn đang bào mòn nguồn dự trữ tài sản chính của người họ.
Gói giải cứu bất động sản lớn chưa từng thấy được Bắc Kinh công bố hồi tháng 5 cũng được đánh giá là chưa có tác dụng đáng kể giúp thị trường thoát đáy.
Theo một trong 15 nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát, nhiều khả năng Bắc Kinh đang chuẩn bị cho các biện pháp tiền tệ để kích thích tăng trưởng. Hiện tại, PBOC được dự báo tiếp tục duy trì lãi suất với các khoản vay kỳ hạn 1 năm – còn được biết đến là lãi suất với công cụ cho vay trung hạn (MLF) – ở mức 2,3% trong tháng này.
BPOC thời gian qua đã hạ thấp vai trò của MLF như một đòn bẩy chính sách quan trọng và chuyển sang chú trọng vào công cụ ngắn hạn hơn là lãi suất mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày. Cơ quan này đã đổi ngày điều hành lãi suất MLF từ ngày 15 sang ngày 25 hằng tháng, bắt đầu từ tháng 8.
NHỮNG TÍN HIỆU KÉM KHẢ QUAN
Theo dự báo của các nhà phân tích trong khảo sát của Bloomberg, doanh số bán lẻ tháng 7 của Trung Quốc tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, cải thiện so với mức tăng 2% của tháng 6 và cũng là mức tăng hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 12/2022. Tuy nhiên, con số này vẫn kém xa mức tăng trưởng khoảng 8% trước đại dịch Covid-19.
Sự cải thiện trên được cho là do cơ sở so sánh thấp của năm 2023, thời điểm người tiêu dùng bắt đầu thắt lưng buộc bụng sau thời gian đầu “mua sắm trả thù” ngay sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch. Bên cạnh đó, chi tiêu cho hoạt động du lịch, ăn uống và giải trí trong các tháng hè cũng giúp tiêu dùng chung tăng lên. Người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng chi tiêu nhiều vào các dịch vụ dù vẫn đang thắt chặt chi tiêu và hạn chế mua sắm hàng hóa.
Xu hướng này khiến nhu cầu với các loại hàng hóa lâu bền bị ảnh hưởng đáng kể. Doanh số ô tô – chiếm khoảng 10% tổng doanh số bán lẻ – được dự báo ghi nhận sự suy giảm mạnh trong tháng 7.
“Tăng trưởng doanh thu bán lẻ yếu cho thấy sự phục hồi kém đồng đều của Trung Quốc. Trong khi tăng trưởng công nghiệp đang dẫn dắt nền kinh tế thì các hộ gia đình vẫn thắt chặt tiêu dùng”, các nhà kinh tế của Moody’s Analytics nhận xét trong một báo cáo công bố tuần trước.
Theo khảo sát, các nhà kinh tế dự báo sản xuất công nghiệp tháng 7 của Trung Quốc tăng 5,2%, giảm nhẹ so với mức tăng trưởng 5,3% của tháng 6. Nhiệt độ thời tiết cao cùng với mưa lớn cho thể đã ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất và kìm hãm nhu cầu.
Một tín hiệu khác cho thấy sự suy yếu dai dẳng là chỉ số các nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất được dự báo ghi nhận tháng giảm thứ 3 liên tiếp trong tháng 7. Tồn kho tiếp tục tăng lên của các nhà máy thép cũng phản ánh nhu cầu yếu với mặt hàng này. Số lượng đơn hàng nước ngoài sụt giảm cùng với giá giảm đang tác động tiêu cực tới tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc – vốn là một điểm sáng của nền kinh tế từ đầu năm đến nay.
Các nhà kinh tế được khảo sát dự báo đầu tư tài sản cố định trong 7 tháng đầu năm tại Trung Quốc tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, không thay đổi so với mức tăng của giai đoạn tháng 1-6.
Trong khi đó, đầu tư bất động sản sụt 9,9% trong cùng kỳ, giảm nhẹ so với mức giảm 10,1% của 6 tháng đầu năm. PBOC hồi tháng 5 tung ra gói hỗ trợ tín dụng trị giá 300 tỷ nhân dân tệ (tương đương 41,8%) để các chính quyền trung ương mua lại căn hộ ế trên thị trường và chuyển đổi thành nhà ở xã hội. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân của chương trình này hiện vẫn ì ạch, phản ánh những rào cản trong việc triển khai chính sách vực dậy thị trường.