13:50 13/06/2022

Gỡ vướng thủ tục trong liên doanh, liên kết bệnh viện

Phúc Minh

Theo các đại biểu Quốc hội, việc liên doanh, liên kết giữa bệnh viện công và bệnh viện tư còn nhiều khó khăn; luật chưa quy định rõ công tư phân định dẫn đến làm thủ tục hành chính còn rườm rà…

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng vấn đề liên doanh, liên kết bệnh viện phải có các giải pháp đột phá. Ảnh - Quochoi.vn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng vấn đề liên doanh, liên kết bệnh viện phải có các giải pháp đột phá. Ảnh - Quochoi.vn.

Sáng 13/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Cho ý kiến về mục 3, Điều 90 trong dự thảo luật đề cập hoạt động liên doanh, liên kết, thuê dịch vụ hoặc cho thuê dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Phạm Như Hiệp, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng, điều này cần phải phân tích cụ thể hơn để tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở y tế hoạt động.

Theo đó, vấn đề ở chỗ là người đứng đầu bệnh viện phải có kiến thức quản lý hoạt động liên kết như thế nào phù hợp. Trước đây, có Thông tư 15 của Bộ Y tế nhưng quá trình thực hiện cho thấy đã lạc hậu và phát hiện có nhiều bất cập.

“Người quản lý của các hoạt động liên kết này phải làm thế nào để có sự giám sát, kiểm tra và việc đánh giá trong từng giai đoạn để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa bệnh viện, bệnh nhân và nhà đầu tư. Có như vậy, hoạt động liên doanh, liên kết mới tiếp tục phát triển được”, đại biểu Phạm Như Hiệp nêu ý kiến.

Đại biểu Phạm Như Hiệp, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh - Quochoi.vn. 
Đại biểu Phạm Như Hiệp, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh - Quochoi.vn. 

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Khương Thị Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, cho rằng, việc liên doanh, liên kết hiện nay chủ yếu là bệnh viện công, liên doanh, liên kết với bệnh viện tư.

Theo đại biểu, có nhiều khó khăn trong vấn đề liên doanh, liên kết xảy ra trong thời gian qua như: Khó khăn về định giá quyền sử dụng đất, định giá tài sản trên đất; khó khăn về thương hiệu của cơ sở y tế công lập để tính tỷ lệ phân chia giữa bệnh viện công và bệnh viện tư; khó khăn liên quan đến định giá tài sản của bệnh viện tư liên doanh, liên kết; khó khăn liên quan đến thời gian hợp đồng thực hiện liên doanh, liên kết.

Vì vậy, trong thời gian qua có tình trạng lạm dụng các chi phí xét nghiệm, chi phí liên quan đến người bệnh trong sử dụng tài sản liên doanh, liên kết.

Đại biểu cho biết, vì chưa có quy định rõ về nội dung này, không quy định rõ công tư phân định trong Điều 90, dẫn đến làm thủ tục hành chính còn rườm rà.

Cụ thể, nếu bệnh viện công lập muốn liên doanh, liên kết với một bệnh viện tư thì cần phải lập đề án trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh xin ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh dẫn đến rất rườm rà trong cải cách hành chính. Đại biểu đề nghị Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần phải quy định rõ nội dung này.

Đại biểu Khương Thị Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định. Ảnh - Quochoi.vn. 
Đại biểu Khương Thị Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định. Ảnh - Quochoi.vn. 

Phát biểu giải trình về việc liên doanh, liên kết giữa các bệnh viện, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, vấn đề này cần phải có các giải pháp đột phá. Hiện nay mới có 318 bệnh viện tư thục, 38.000 các phòng khám tư nhân, đáp ứng 5,16% tổng số gường bệnh. “Đây là một tỷ lệ rất thấp, chúng ta cần phải có các giải pháp để phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, vấn đề này liên quan đến nhiều luật khác nên cần có sự phối hợp chặt chẽ”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.

Giải trình về các vấn đề khác liên quan đến phạm vi điều chỉnh, khái niệm quy định trong luật, Phó Thủ tướng nêu rõ, nguyên tắc là Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì sẽ quy định liên quan Luật Bảo hiểm y tế; chi phí khám, chữa bệnh thì do bảo hiểm y tế chi trả, chi phí liên quan y tế dự phòng thì do ngân sách đảm bảo.

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Y tế, Ban soạn thảo nghiên cứu sâu hơn xu thế của quốc tế, vì ngoài các vấn đề với các căn bệnh suy dinh dưỡng, hay việc truyền căn bệnh HIV từ mẹ sang con, ranh giới cũng cần được xác định rõ hơn theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới, đặc biệt là tiếp thu xu thế của thế giới hiện nay.

Trước đây, có phân định rất rõ giữa trạng thái người khỏe và người bị bệnh. Khi bị bệnh thì bảo hiểm y tế chi trả. Khi chưa bị bệnh thì bảo hiểm y tế không chi trả. Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay các nước đang nghiên cứu rất kỹ về khoảng giữa trạng thái khỏe và bị bệnh. Nếu trong khoảng đó được phát hiện và điều trị kịp thời thì không chỉ cứu sống người bệnh, mà cơ bản nhất về bảo hiểm y tế, chi phí của hệ thống bảo hiểm y tế sau này sẽ giảm đi.

Phó Thủ tưởng cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn vấn đề này nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân tốt hơn, đồng thời sử dụng hiệu quả hơn ngân sách Nhà nước và Quỹ Bảo hiểm y tế.

Đối với vấn đề hệ thống y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe cơ bản và chuyên sâu, theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu kinh nghiệm của Tổ chức Y tế thế giới, cũng như trên thế giới để phân tuyến chuyên môn, nhưng vẫn đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức bộ máy chính quyền các cấp. Tuy nhiên cần làm rõ thêm mô hình y tế cơ sở, triển khai mô hình bác sĩ gia đình theo xu hướng tăng nhiều hơn.