06:00 28/12/2021

Hà Nội có thiếu hụt lao động vào đầu năm 2022?

Phúc Minh

Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội tiếp tục có sự khởi sắc, nhu cầu tăng cao kéo theo nguồn cung lao động lớn, song việc thiếu hụt lao động sang đầu năm 2022 được dự báo không đáng kể…

Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tiếp tục tăng. Ảnh - Nhật Dương.
Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tiếp tục tăng. Ảnh - Nhật Dương.

Nhận định về thị trường lao động Hà Nội trong thời gian tới, đặc biệt là vào đầu năm 2022, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, theo quan sát của đơn vị này, với sự kết hợp các biện pháp thích ứng linh hoạt trong phòng chống dịch theo Nghị quyết 128, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế xã hội, thị trường lao động Thủ đô dự kiến sẽ tiếp tục khởi sắc và sôi động trở lại.

“Nhu cầu tuyển dụng sẽ tiếp tục tăng lên, đặc biệt ở thời điểm đầu năm 2022. Theo kinh nghiệm của chúng tôi qua các năm, giai đoạn này các doanh nghiệp thường có kế hoạch tuyển dụng thêm nhân sự mới, vì thế xu hướng tuyển dụng sẽ tăng lên, kéo theo nhu cầu tìm kiếm việc làm cũng như nguồn lao động cũng tốt hơn”, ông Thành dự báo.

Bên cạnh đó, đầu quý 1/2022 thường rơi vào thời điểm Tết Nguyên đán, do đó ngoài việc tuyển dụng lao động full time thì số lượng lớn doanh nghiệp tăng tuyển lao động thời vụ không đòi hỏi nhiều về kỹ năng, chỉ cần có sự chăm chỉ và sức khỏe tốt để gia tăng sản xuất các đơn hàng.

Ở khối doanh nghiệp chính thức, dự báo các vị trí công nhân sản xuất tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng rất lớn trong thời gian này, tập trung ở các lĩnh vực như may mặc, điện, điện tử, giao nhận hàng, thương mại dịch vụ, bán buôn bán lẻ.

Ngoài ra, nhiều vị trí việc làm trong lĩnh vực dịch vụ cũng sẽ tăng tuyển dụng khác là tại các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, siêu thị…Riêng một số nhóm ngành về công nghệ thông tin hay ngân hàng vẫn tiếp tục có xu hướng tuyển dụng liên tục, thậm chí tăng lên.

Trước lo ngại về việc có thể thiếu hụt lao động, ông Thành đánh giá đến thời điểm này có thể dự báo trên địa bàn Hà Nội sẽ không quá thiếu hụt lao động trong thời gian tới hoặc nếu có thì không đáng kể. Hiện thành phố vẫn đang trong quá trình kiểm soát tốt dịch bệnh dù số lượng các ca nhiễm mới tăng lên.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp đẩy mạnh tuyển dụng trực tuyến. Ảnh - Nhật Dương. 
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp đẩy mạnh tuyển dụng trực tuyến. Ảnh - Nhật Dương. 

Cùng với tốc độ tiêm chủng vaccine nhanh, mặt khác các doanh nghiệp hiện nay đã chú trọng nhiều hơn đến việc bảo vệ an toàn cho người lao động, những yếu tố này sẽ thu hút người lao động tiếp tục quay trở lại thị trường, nhất là số lao động trước đây đã dịch chuyển về quê.

Đối với việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2021 trên địa bàn TP. Hà Nội, ông Thành cho biết, đến thời điểm này Trung tâm đã tiếp nhận hơn 64.000 lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp, dự kiến hết năm nay con số này rơi vào khoảng 64,5 nghìn người, tỷ lệ này thấp hơn so với năm 2020 (khoảng 85.000 người).

Theo ông Thành, qua quan sát của đơn vị này, số lượng lao động nhận bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội trong năm 2021 thấp hơn năm ngoái phần nào thể hiện ảnh hưởng của dịch Covid 19 đến khu vực chính thức ít hơn. Lý do là các doanh nghiệp trong khu vực chính thức đã có sự chủ động vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch vừa đảm bảo an toàn sản xuất.

“Có thể vẫn có nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng, ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng từ 30 – 40%, nhưng nhìn chung họ vẫn đảm bảo các chế độ để giữ chân người lao động”, ông Thành nói và cho hay, tỷ lệ lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đã giảm hơn cũng thể hiện tính ổn định của thị trường lao động ngày càng được cải thiện.

Bên cạnh số lao động làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chính sách này còn hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động mất việc làm, song theo ông Thành tỷ lệ này cón khá khấp, một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh nên công tác đào tạo trong năm 2021 rất hạn chế, thậm chí phải tạm dừng.

“Hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tạm dừng đào tạo, do khó có điều kiện dạy trực tuyến, trừ một số ít ngành nghề, bởi một số nghề đòi hỏi cần cầm tay chỉ việc, hoặc truyền nghề theo dạng nghề sơ cấp để hỗ trợ người lao động chuyển đổi vị trí việc làm thì phải dạy trực tiếp, phải có những điều kiện thực hành, trang thiết bị”, ông Thành lý giải.