Hỗ trợ chi phí, tiền mặt để thu hút lao động quay lại làm việc
Có chính sách hỗ trợ lao động ngoại tỉnh chi phí sinh hoạt tối thiểu, chi phí đi lại, y tế, sắp xếp nơi ở tạm thời, hoặc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt là các giải pháp đưa ra để thu hút lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc...
Đây là một trong những nội dung được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh trong Quyết định số 1405 về việc ban hành Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động.
Chương trình đặt ra mục tiêu là duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%; hỗ trợ người làm động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm, địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao yên tâm làm việc, thu hút người lao động ngoại tỉnh quay lại làm việc.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ.
Thứ nhất, nghiên cứu xây dựng và tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thu hút người lao động quay trở lại làm việc.
Theo đó, hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp chi trả sinh hoạt phí tối thiểu về nhu yếu phẩm, thuê nhà trọ, điện nước, y tế; phối hợp Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chính sách giảm lãi suất, bổ sung thêm nguồn vốn để hỗ trợ người lao động vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm.
Để thu hút lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại địa phương có các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương hỗ trợ phương tiện đi lại, xét nghiệm miễn phí, tiêm vaccine.
Đồng thời, có chính sách hỗ trợ lao động ngoại tỉnh chi phí sinh hoạt tối thiểu, chi phí đi lại, y tế, hỗ trợ bổ sung cho người lao động đang nuôi con nhỏ, phụ nữ mang thai. Có phương án sắp xếp nơi ở tạm thời hoặc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho lao động ngoại tỉnh thuê nhà trong thời gian mới đến làm việc...
Thứ hai, hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Trong đó, chú trọng hướng dẫn doanh nghiệp để xây dựng mô hình sản xuất an toàn, thực hiện các quy định về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, tiền lương, bảo hiểm xã hội; hỗ trợ vay vốn tạo việc làm; chi phí tuyển dụng lao động thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm…
Thứ ba, tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển thị trường lao động. Bốn hướng giải pháp chính là: Tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cơ bản cho người lao động, đào tạo lao động ở các vùng kinh tế trọng điểm, lựa chọn một số ngành nghề có nguy cơ thiếu hụt nhiều nhất để đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn cung lao động; chuyển đổi số và dạy học trực tiếp trong giáo dục nghề nghiệp; đầu tư vào các trường chất lượng cao.
Thứ tư, tổ chức kết nối cung – cầu lao động, trên cơ sở nắm chắc diễn biến của cung – cầu lao động, cả về số lượng, ngành nghề, trình độ; chuẩn bị phương án huy động nguồn nhân lực như học sinh, sinh viên, bộ đội xuất ngũ, công an hoàn thành nghĩa vụ.
Thứ năm, phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, lành mạnh và ổn định. Trong đó, Bộ sẽ sửa đổi, bổ sung các Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Giáo dục nghề nghiệp. Cùng đó, xây dựng dữ liệu về lao động, việc làm và chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm xã hội, đăng ký doanh nghiệp để quản lý.
Thứ sáu, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp, kịp thời có phương án ngăn ngừa, giải quyết khi tranh chấp lao động, đình công xảy ra.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhu cầu tìm việc của người lao động, tránh việc thiếu hụt lao động cục bộ, đặc biệt là thời điểm cuối năm và sau Tết Nguyên đán.
Đồng thời, nghiên cứu, ban hành các chủ trương, chính sách, giải pháp ổn định, giới thiệu, tạo việc làm cho người lao động trở về từ TP.HCM và các tỉnh trọng điểm phía Nam.