19:07 30/01/2024

Hà Nội: Lao động được tạo việc làm mới tháng đầu năm tăng hơn 10%

Nhật Dương

Trong năm 2024, TP. Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 162.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Riêng trong tháng 1 năm nay, số lao động được tạo việc làm đã tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái...

Người lao động Hà Nội tìm việc trong tháng 1/2023. Ảnh - Thu Hằng.
Người lao động Hà Nội tìm việc trong tháng 1/2023. Ảnh - Thu Hằng.

Thông tin về tình hình lao động, việc làm tháng đầu năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, trong tháng 1, thành phố đã giải quyết việc làm cho 15.500 lao động, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2023.

TĂNG SỐ LAO ĐỘNG QUA ĐÀO TẠO TRONG NĂM 2024

Riêng Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức 20 phiên giao dịch việc làm, với hơn 600 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, kết quả có 1.290 lao động được tuyển dụng tại các phiên giao dịch.

Cũng trong tháng 1/2024, thành phố đã tiếp nhận, thẩm định và ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 5.200 trường hợp, với số tiền được hỗ trợ là 153,1 tỷ đồng; tư vấn, hỗ trợ để tìm việc làm mới cho 5.200 người lao động, trong đó hỗ trợ học nghề cho 54 người với số tiền 207 triệu đồng.

Ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho hay, dự báo trong những năm tới, đặc biệt trong năm 2024, thị trường lao động vẫn còn có những khó khăn nhất định, Vì thế, thành phố tiếp tục đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng để phát triển thị trường lao động, tạo việc làm hiệu quả.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong năm nay, thành phố đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 162.000 lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn sẽ thực hiện đào tạo cho 235.000 lượt người (cao đẳng 26.000, trung cấp 29.000, sơ cấp và dưới 3 tháng 180.000). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,2% (trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 54%).

Để đạt được các mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Tây Nam cho biết, trước hết, thành phố sẽ làm tốt việc tổ chức đào tạo nghề cho các lực lượng lao động, hướng đào tạo nghề với thị trường lao động Thủ đô.

“Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, qua đó đã giúp cho nhiều người dân Thủ đô được tiếp cận các đơn vị đào tạo, doanh nghiệp và họ có việc làm”, ông Nam thông tin.

Bên cạnh đó, hiện nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố rất lớn, trong khi nguồn vốn cho vay chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn. Hậu quả của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động, hoặc hoạt động cầm chừng, từ đó tình trạng người lao động đến làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp có chiều hướng gia tăng.

Vì thế, trong năm nay, thành phố sẽ tiếp tục quan tâm, bố trí bổ sung nguồn ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội, để cho vay giải quyết việc làm đối với người nghèo nói chung, và các đối tượng khác nói riêng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động trên địa bàn.

“Đây là kênh quan trọng để mọi người dân đủ điều kiện được vay vốn tự tạo việc làm trên chính quê hương mình”, ông Nam nhấn mạnh.

Giải pháp nữa là đẩy mạnh, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống Sàn giao dịch việc làm, bao gồm 1 sàn trung tâm và 14 các sàn giao dịch việc làm vệ tinh nằm tại các quận, huyện, thị xã.

Ngoài tổ chức trực tiếp, sẽ tổ chức các phiên việc làm online, các phiên lưu động tại các địa bàn. Dự kiến tới đây thành phố có thể sẽ tổ chức riêng một phiên đối với lĩnh vực du lịch.

“Chúng tôi cũng đang tính toán việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề tư vấn hỗ trợ học nghề; dành cho các đối tượng khuyết tật, sau cai nghiện, kể cả các trường hợp phải chấp hành án phạt tù trước khi hết hạn, để định hướng nghề nghiệp cho họ sau khi trở về”, ông Nam nhấn mạnh.

ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP TẠO VIỆC LÀM

Cùng với các chính sách hỗ trợ tạo việc làm trong nước, các giải pháp tạo việc làm khác cũng sẽ được thực hiện đồng bộ, đặc biệt là đẩy mạnh công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trong đó, nghiên cứu, phát triển các thị trường mới ở Châu Âu, Châu Mỹ, đồng thời củng cố các thị trường truyền thống thông qua việc triển khai các biện pháp ngăn ngừa lao động bỏ hợp đồng, lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc bất hợp pháp.

Doanh nghiệp tư vấn về các vị trí việc làm phù hợp với người lao động. Ảnh - Thu Hằng.
Doanh nghiệp tư vấn về các vị trí việc làm phù hợp với người lao động. Ảnh - Thu Hằng.

Dự kiến năm 2024, thành phố sẽ đưa 4.000 lao động đi xuất khẩu lao động, chủ yếu tập trung tại một số thị trường có thu nhập cao, ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thời điểm này là cuối năm Âm lịch nhưng lại là đầu năm Dương lịch 2024, nên mọi hoạt động của thị trường lao động vẫn tiếp tục sôi động.

Do đó, trong tháng 1/2024, Trung tâm vẫn thực hiện các phiên giao dịch việc làm hàng ngày, lưu động, trực tuyến, chuyên đề, để chia sẻ, trao đổi thông tin về thị trường lao động.

Đặc biệt là kết nối người lao động tới doanh nghiệp để đảm bảo họ có công ăn việc làm dịp Tết Nguyên đán 2024 cũng như sau Tết.

Theo ông Thành, trước mỗi phiên việc làm được tổ chức, đơn vị đã tiến hành khảo sát, thu thập, nắm bắt thông tin tìm kiếm việc làm, nhu cầu của cả người lao động và doanh nghiệp. Từ cơ sở dữ liệu đó để phân tích, định hướng và đánh giá nhu cầu thị trường, nhằm hỗ trợ tốt nhất, từ công tác tư vấn giới thiệu việc làm, đến tổ chức phiên.

Thông tin thị trường lao động cũng được tuyên truyền rộng rãi đến người lao động các địa phương, nhất là thông qua các phiên online. Qua đó giúp nhiều người lao động có cơ hội, còn doanh nghiệp cũng tìm được nguồn ứng viên phù hợp.

Ngoài ra, đối với nhóm lao động tham gia hưởng bảo hiểm thất nghiệp, ông Thành cho biết, khi họ đến làm thủ tục hưởng chế độ tại Trung tâm cũng luôn được hướng dẫn, để tham gia vào các phiên giao dịch việc làm.

"Nhiều người trong số họ đã tìm kiếm được việc làm phù hợp và ngừng hưởng bảo hiểm thất nghiệp, để tiếp tục tham gia vào thị trường lao động", ông Vũ Quang Thành cho hay.