06:00 24/01/2024

Tiềm ẩn rủi ro, thị trường lao động năm 2024 khó khởi sắc 

Lý Hà

Thị trường lao động Việt Nam được xác định đóng vai trò trọng yếu của nền kinh tế như các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản. Tuy nhiên, dự báo thị trường lao động Việt Nam năm 2024 vẫn khó có thể khởi sắc bởi nhiều nguyên nhân nội tại cũng như tác động từ bên ngoài.

 Thị trường lao động năm 2024 khó khởi sắc 
Thị trường lao động năm 2024 khó khởi sắc 

Ngày 10/1/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập quốc tế. Sau một năm thực hiện Nghị quyết này, thị trường lao động vẫn bộc lộ nhiều hạn chế cần phải tiếp tục chấn chỉnh, điều chỉnh các giải pháp để tiếp tục thực hiện trong năm 2024.

THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG 2023, PHỤC HỒI CUỐI NĂM

Nhiều nhận định thị trường lao động năm 2023 vẫn đang dần hồi phục nhưng chưa thể khởi sắc. Theo các số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, lực lượng lao động tham gia vào thị trường lao động tính từ 15 tuổi trở lên đạt 52,4 triệu người, tăng 666,5 nghìn người so với năm trước. 

Số lao động có việc làm đạt 51,3 triệu người, tăng 683,0 nghìn người (tương ứng tăng 1,35%) so với năm 2022; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,55%, đạt mục tiêu cả năm dưới 4%. Nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2023 vẫn cao hơn so với số lao động bị mất việc, thôi việc; số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (217,7 nghìn doanh nghiệp) cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (172,6 nghìn doanh nghiệp)  nên đã có thêm nhiều việc làm cho người lao động.

 

"Từ năm 2024, chúng tôi phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong một số ngành nghề thế giới đang rất cần như: nhân lực công nghệ chip bán dẫn, hydrogen, đào tạo chứng chỉ, tín chỉ carbon, phục vụ chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn".

Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Năm 2023, báo cáo của Cục việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho thấy số lao động mất việc làm có xu hướng giảm (quý sau so với các quý trước của năm): quý 3/2023, số lao động nghỉ giãn việc là 54,2 nghìn người, giảm 187,3 nghìn người so với quý 2/2023; số lao động mất việc làm là 118,4 nghìn người, giảm 99,4 nghìn người so với quý 2/2023.

Sang quý 4/2023, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp đều tăng hơn, cụ thể, tháng 11/2023 là 100,9% so với cùng kỳ tháng trước. Chỉ số này ở ngành công nghiệp chế biến - chế tạo là 101%. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất có tốc độ tăng nhiều hơn: Hà Nội là 100,6%, Hải Phòng 101%, Bình Dương 101,5%, %, TP. Hồ Chí Minh 100,4%…

Số người có việc làm phi chính thức (gồm cả lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản) trong quý 3/2023 là 33,4 triệu người, tăng 355.800 người so với cùng kỳ năm trước.

 Về tỷ lệ lao động qua đào tạo, năm 2023  đạt 68%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27-27,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị khoảng 2,76%. Tuy nhiên, hiện cả nước vẫn còn khoảng 38 triệu lao động qua đào tạo, nhưng chưa có chứng chỉ bằng cấp.

Báo cáo của Cục việc làm cũng chỉ rõ: cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,8 triệu người, giảm 118,9 nghìn người, tương ứng giảm 0,9% so với năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 17,2 triệu người, tăng 248,2 nghìn người, tương ứng tăng 1,5%; khu vực dịch vụ với 20,3 triệu người, tăng 553,6 nghìn người, tương ứng tăng 2,8% và duy trì mức tăng cao nhất so với hai khu vực còn lại.

Như vậy, dù thị trường lao động trong 2 quý đầu năm gặp khá nhiều khó khăn nhưng sang hai quý cuối năm đã có dấu hiệu phục hồi. 

ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO

Thị trường lao động Việt Nam dù đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn tồn tại những mặt hạn chế  như sự mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu. Chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.

Số lao động phi chính thức tăng trong năm 2023 cũng như trên 38 triệu lao động chưa có bằng cấp chứng chỉ đã phản ánh về chất lượng lao động chưa được cải thiện và công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định. Hơn nữa, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao (tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi quý 3/2023 là 7,86%, tăng 0,45 điểm phần trăm so với quý trước) cũng là một vấn đề rất đáng quan tâm trên thị trường lao động.

Tiềm ẩn rủi ro, thị trường lao động năm 2024 khó khởi sắc  - Ảnh 1

Về phát triển thị trường lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP nhằm đưa thị trường lao động hoạt động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững hơn. Nghị quyết đã đưa ra một tầm nhìn dài hạn để hoạch định các chính sách xây dựng phát triển thị trường lao động. Năm 2024, liệu thị trường lao động có khởi sắc hay không với hàm nghĩa số việc làm nhiều hơn, cung cầu lao động hợp lý hơn có lẽ vẫn là một thách thức rất lớn.

Hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ việc làm, phát triển sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia để tăng cường các hoạt động kết nối cung – cầu lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm nhằm tăng sự linh hoạt trong việc cung ứng và sử dụng lao động, phù hợp với xu thế tất yếu của thị trường lao động.

Ngoài ra, trong năm 2024 các chính sách về tiền lương, điều kiện làm việc đang được cải cách, sửa đổi cùng các chính sách an toàn, vệ sinh lao động, chính sách trợ cấp thất nghiệp và bảo vệ việc làm cũng sẽ tạo nên những nét mới giúp cho thị trường lao động trở nên linh hoạt hơn…

Đặc biệt, lĩnh vực đào tạo vẫn đang chịu áp lực lớn trước sự thay đổi công nghệ kỹ thuật số hay sự chuyển đổi sang ngành, nghề thân thiện với môi trường. Cục Việc làm cho biết: “Từ năm 2024, chúng tôi phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong một số ngành nghề thế giới đang rất cần như: nhân lực công nghệ chip bán dẫn, hydrogen, đào tạo  chứng chỉ, tín chỉ carbon, phục vụ chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”. 

Về xây dựng chính sách, Cục Việc làm đã xác định, nhiệm vụ then chốt là xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi). Khi xây dựng dự án luật này, Cục xác định nguyên lý xuyên suốt là việc làm phải gắn với thị trường lao động, là luật hóa chủ trương phát triển thị trường lao động. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ việc làm không chỉ dành cho đối tượng yếu thế mà còn khơi nhiều nội dung mới như việc làm xanh, việc làm công bằng, việc làm cho người cao tuổi…

Nhìn chung, năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu chưa rõ ràng.

Ở trong nước, những khó khăn, thách thức vẫn đan xen, trong khi động lực truyền thống còn yếu, động lực tăng trưởng mới chưa rõ, nên năm 2024 dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức nhỏ hơn 6,5%.

Các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI vẫn đối diện với nhiều khó khăn, nên khả năng tạo ra nhiều việc làm sẽ rất hạn chế. Vì thế với những nỗ lực như trên, thị trường lao động năm 2024 dự báo vẫn khó khởi sắc như trước đại dịch Covid-19...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 04-2024 phát hành ngày 22-1-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tiềm ẩn rủi ro, thị trường lao động năm 2024 khó khởi sắc  - Ảnh 2