Hà Tĩnh ngăn chặn nhiều xe vận chuyển lượng lớn đường cát nhập lậu
Hiện hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trong đó có mặt hàng đường cát nhập lậu qua địa bàn Hà Tĩnh đang diễn biến khá phức tạp...
Đội Quản lý thị trường số 6 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh vừa phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông đường bộ Quốc lộ 1A, Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh Hà Tĩnh) kiểm tra, xử lý 3 phương tiện vận chuyển đường cát nghi nhập lậu.
Tại thời điểm kiểm tra 3 xe ô tô lực lượng chức năng phát hiện chở 20.100 kg đường, đựng trong 402 bao; 50 kg/bao do Thái Lan sản xuất; các lái xe không xuất trình được các giấy tờ có liên quan.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, các lái xe khai nhận toàn bộ số hàng trên mua trôi nổi trên thị trường về để kinh doanh kiếm lời nên không có bất kỳ hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Đội Quản lý thị trường số 6 đã củng cố hồ sơ, xác minh vụ việc, lập biên bản vi phạm hành chính về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, đồng thời tham mưu lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh trình UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền với tổng số tiền xử phạt 250 triệu đồng; tịch thu toàn bộ số hàng trị giá 303 triệu đồng.
Những tháng đầu năm 2023, Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh đã xử lý phạt hơn 400 vụ việc với gần 440 hành vi vi phạm. Tổng số tiền xử phạt và trị giá hàng hóa vi phạm hơn 2 tỷ đồng; trong đó số tiền xử phạt hơn 1,38 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 700 triệu đồng.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng nhập lậu; vi phạm về sở hữu trí tuệ; vi phạm tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa; không niêm yết giá bán; vi phạm an toàn thực phẩm; vi phạm trong thương mại điện tử…
Thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường Hà Tĩnh tập trung kiểm soát, xử lý vi phạm trong các mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Hiện nay, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn trọng điểm tại các địa phương từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi vẫn diễn ra khá phức tạp. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, khu vực này đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 10.850 vụ vi phạm, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022; xử lý vi phạm hành chính gần 10.000 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 362 tỷ đồng; Khởi tố vụ án hình sự 941 vụ với 1.139 đối tượng.
Theo lực lượng quản lý thị trường, hiện nay hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ... được các đối tượng sử dụng ngày càng tinh vi.
Đối tượng thường sử dụng phương thức, thủ đoạn chủ yếu như chia nhỏ, xé lẻ, cất giấu hàng hóa vi phạm trong các phương tiện xuất nhập cảnh, trong các loại hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh...; vận chuyển hàng hóa vi phạm vào thời gian cao điểm; sử dụng phương tiện có niêm phong kẹp chì để vận chuyển hàng hóa vi phạm, gia cố thêm ngăn, vách hầm bí mật trên trên phương tiện để cất giấu các loại hàng cấm…
Trên tuyến biên giới đất liền, các đối tượng lợi dụng địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn, lối mở, lối tắt, sông suối, mối quan hệ thân tộc hai bên biên giới và chính sách hàng hóa mua bán, trao đổi cư dân biên giới để buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại hàng cấm là ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại… qua biên giới.
Trên tuyến biên giới biển, lợi dụng chính sách thông thoáng của nhà nước về thông quan hàng hóa qua các cảng biển, các đối tượng khai báo gian dối về số lượng, giá trị, chủng loại, xuất xứ hàng hóa… để mua bán, vận chuyển hàng cấm, gian lận thương mại, trốn thuế.
Ngoài ra, trên vùng biển các đối tượng lợi dụng thời tiết phức tạp, vùng biển rộng, thông qua các hoạt động khai thác hải sản, hoạt động vận chuyển hàng hóa hợp pháp trên biển để hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm như: ma túy, vật liệu nổ, thuốc lá điếu, động vật hoang dã. Đồng thời các đối tượng này cung thực hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng, dầu, quặng, khoáng sản, hàng điện tử, điện lạnh… qua vùng biển các địa phương Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế.
Tại địa bàn nội địa, các đối tượng thông qua hoạt động khuyến mại, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trên môi trường thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng trực tuyến, các trang mạng xã hội để buôn bán, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... hoặc trà trộn một phần hàng giả với hàng thật đưa về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiêu thụ nhằm thu lợi bất chính, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và hoạt động sản xuất của nhân dân.