17:53 05/09/2024

Hà Tĩnh: Ngành công nghiệp khai khoáng "lên ngôi"

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Trong 8 tháng năm 2024, ngành công nghiệp khai khoáng của Hà Tĩnh tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước, xếp sau là ngành sản xuất và phân phối điện, ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2024 của Hà Tĩnh, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 8/2024 có nhiều tín hiệu tích cực: Formosa Hà Tĩnh đang có xu hướng tăng sản lượng; bia đóng lon mở rộng thị trường tăng sản lượng sản xuất; sản phẩm vật liệu xây dựng, vỏ bào, dăm gỗ cũng đang được đẩy mạnh sản xuất.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp của Hà Tĩnh vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức như: Sản phẩm mới pack pin còn phụ thuộc nhiều vào biến động thị trường nên sản xuất chưa ổn định; tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 hoạt động trở lại từ tháng 8 năm trước nên quý 4 năm nay sẽ không còn lợi thế về tăng trưởng… Do đó, sẽ là áp lực đối với Hà Tĩnh để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm.

13 NHÓM SẢN PHẨM TĂNG SO VỚI CÙNG KỲ

Ước tính tháng 8/2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp của Hà Tĩnh ước tăng 6,46% so với tháng trước và tăng 25,31% so với cùng kỳ năm trước. 

Hà Tĩnh: Ngành công nghiệp khai khoáng "lên ngôi" - Ảnh 1

Ước tính 8 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh tăng 0,12% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 30,43% đóng góp 0,38 điểm vào mức tăng chung toàn ngành; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,37% làm giảm 3,51 điểm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 22,34% đóng góp 2,93 điểm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,33% đóng góp 0,32 điểm vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp Hà Tĩnh.

Nhìn chung, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh này ước tính đến hết tháng 8/2024 tăng 0,12% so với năm trước. Trong số 20 nhóm sản phẩm chủ yếu được tổng hợp, Hà Tĩnh có 13 nhóm sản phẩm cộng dồn 8 tháng năm 2024 tăng so cùng kỳ và có 6 nhóm sản phẩm có chỉ số giảm trong tổng số sản phẩm công nghiệp chủ yếu. Một số sản phẩm công nghiệp 8 tháng năm 2024 tăng so với năm trước: Quặng inmenit và tinh quặng inmenit tăng 80%; bê tông trộn sẵn tăng 23,54%; vỏ bào, dăm gỗ tăng 22,25%; bia đóng lon tăng 24,49%; điện sản xuất tăng 21,8%; điện thương phẩm tăng 12,96%...

Một số sản phẩm công nghiệp 8 tháng năm 2024 của tỉnh này giảm so với cùng kỳ năm trước: Mực đông lạnh giảm 76,87%; chè (trà) nguyên chất (như: chè (trà) xanh, chè (trà) đen) giảm 8,48%; Gạch xây dựng bằng đất sét nung giảm 42,02%; thép không gỉ ở dạng bán thành phẩm giảm 8,76%; ...

THU NGÂN SÁCH HƠN 12.500 TỶ ĐỒNG

Tiếp đến, về doanh thu bán lẻ hàng hóa, tháng 8/2024 Hà Tĩnh ước đạt 5.783,30 tỷ đồng, giảm 2,0% so với tháng trước nhưng so với cùng kỳ vẫn ở mức tăng 18,21%. Bên cạnh các nhóm hàng giá trị cao và không thiết yếu giảm mạnh so với tháng trước như nhóm ô tô con (giảm 27,06%), phương tiện đi lại (11,01%), đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (giảm 5,83%)…

Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt hơn 45.856 tỷ đồng, tăng 19,70% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 22.120,21 tỷ đồng, chiếm 48,24% tổng mức, tăng 25,90%; Đây là nhóm hàng thiết yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức bán lẻ, vì vậy sự tăng trưởng của nhóm hàng hóa này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu tổng mức bán lẻ toàn tỉnh. Các nhóm hàng khác đều có tăng trưởng cao, ngoại trừ nhóm ô tô con và phương tiện đi lại đang giảm khá sâu (giảm lần lượt 28,58% và 27,14%).

Hà Tĩnh: Ngành công nghiệp khai khoáng "lên ngôi" - Ảnh 2

Về dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành, doanh thu tháng 8/2024 của Hà Tĩnh ước đạt 781,89 tỷ đồng, tăng 0,28% so với tháng trước, tăng 9,95% so với cùng kỳ năm trước. Trong 3 nhóm dịch vụ chính thì có 2 nhóm ngành có doanh thu giảm mạnh là lưu trú và du lịch, chỉ có dịch vụ ăn uống có doanh thu tăng, nhưng chiếm trên 94% tổng doanh thu của cả 3 nhóm ngành, vì vậy tính chung 3 nhóm ngành doanh thu vẫn tăng nhẹ. Tính chung 8 tháng năm 2024 doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ ước đạt 5.583,87 tỷ đồng, tăng 12,80% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với các ngành dịch vụ khác, tính chung 8 tháng năm 2024 doanh thu dịch vụ khác ước đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 7,84% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, nhóm kinh doanh bất động sản ước đạt 640,54 tỷ đồng, giảm 9,41% do một phần tiền đang được “ngâm” trong lĩnh vực chứng khoán và vàng; nhóm ngành hành chính và dịch vụ hỗ trợ ước đạt 750,91 tỷ đồng, tăng 4,45% do ngành cho thuê máy móc, thiết bị… có tăng trưởng mạnh (8,4%) nhờ vào yếu tố tăng cường đầu tư công của chính phủ; nhóm ngành giáo dục đào tạo tăng 10,59% do tăng chi phí học bằng lái xe; nhóm hàng y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 20,37% do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023; nhóm ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 46,9% và dịch vụ khác tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy đời sống người dân tỉnh nhà ngày càng được nâng cao.

Về hoạt động vận tải, tính chung 8 tháng năm 2024, kết quả hoạt động vận tải, kho bãi doanh thu của Hà Tĩnh dự ước đạt 5.742,83 tỷ đồng, tăng 23,26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vận tải hành khách ước đạt 1.001,34 tỷ đồng, tăng 47,52%; vận tải hàng hoá ước đạt 3.568,71 tỷ đồng, tăng 18,28%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 1.132,11 tỷ đồng, tăng 35,08% so với cùng kỳ năm trước.

Về thu ngân sách, 8 tháng năm 2024, tổng thu ngân sách Nhà nước toàn tỉnh Hà Tĩnh ước đạt 12.580 tỷ đồng, đạt 72% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nội địa ước đạt 6.580 tỷ đồng (bao gồm 1.980 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 4.600 tỷ đồng thuế, phí) tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023; thu từ xuất, nhập khẩu đạt khoảng 6.000 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.