Hải quan số tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nỗ lực hãm đà giảm xuất nhập khẩu
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bấp bênh, nhiều bất ổn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, cơ quan hải quan triển khai hàng loạt giải pháp thiết thực nhằm tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, hỗ trợ thúc đẩy thương mại...
Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, ông Nguyễn Thế Việt, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), cho rằng trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi, hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam năm 2023 đã chịu nhiều tác động bất lợi.
RÚT NGẮN THỜI GIAN THÔNG QUAN, ƯU TIÊN NÔNG SẢN TƯƠI
Tính chung cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9% nhưng đà giảm hẹp dần thời gian cuối năm.
Nhìn nhận thách thức bao trùm ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã và đang tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết và cụ thể hóa bằng những giải pháp thiết thực, nhằm tạo thuận lợi thương mại tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thực hiện kế hoạch thu ngân sách nhà nước. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ địa bàn, tăng cường quản lý nội ngành, quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ trọng tâm đề ra.
Ông Nguyễn Thế Việt cho biết ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 479/CT-TCHQ ngày 06/02/2023 về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023.
Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định số 123/QĐ-TCHQ ngày 31/01/2023 giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023.
Theo đó, cơ quan hải quan nỗ lực giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng; giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ; giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng vàng; giảm 20% số lô hàng phải lấy mẫu phân tích, giám định; tăng 50% số cuộc tham vấn giá thực hiện theo hình thức trực tuyến; 100% chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nộp điện tử…
"Ưu tiên thực hiện thủ tục thông quan đối với hàng hóa là nông sản, hàng hóa dễ hư hỏng, chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương trao đổi, thống nhất với địa phương nước bạn để thống nhất tăng thời gian thông quan qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc", đại diện Tổng cục Hải quan nêu rõ.
Hiện các cửa khẩu tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn có thời gian thông quan từ 7h sáng đến 22h đêm.
Trong năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn được duy trì thực hiện tại 6 cửa khẩu, gồm cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, cửa khẩu chính Chi Ma, các cửa khẩu phụ Tân Thanh, Cốc Nam, Na Hình. Lượng phương tiện xuất nhập khẩu trung bình đạt 1.100-1.300 xe/ngày.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2023 ước đạt gần 5 tỷ USD, đạt 129,6% kế hoạch và tăng 60,9% so với cùng kỳ.
Qua thực tế triển khai, hoạt động thông quan mặt hàng trái cây, nông sản diễn ra thuận lợi, không xảy ra hiện tượng ùn tắc, dồn ứ tại khu vực bãi chờ xuất, từ đó, góp phần duy trì ổn định thương mại song phương, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa.
HOÀN THIỆN PHÁP LÝ, ĐẨY MẠNH SỐ HOÁ
Bên cạnh đó, để đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện các nội dung cải cách hiện đại hóa về hải quan trong thời gian tới, ngành hải quan đã và đang tập trung hoàn thiện để trình Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng đảm bảo pháp lý triển khai thực hiện các thủ tục hành chính về hải quan trên nền tảng điện tử, số hóa.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 33/2023/TT-BTC ngày 31/5/2023 quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Đồng thời, ngành hải quan tiếp tục đẩy nhanh hoàn thiện và báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét ban hành đối với 03 dự thảo nghị định trong lĩnh vực hải quan có vai trò đặc biệt quan trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh sản xuất cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, là nền tảng triển khai toàn bộ thủ tục hải quan, quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Đó là Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan và kiểm soát hải quan.
"Song song đó, ngành hải quan cũng đang tập trung xây dựng và hoàn thiện Đề án Hải quan số, Hải quan thông minh, với việc triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ hải quan với mục tiêu thủ tục hải quan được thực hiện giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoàn toàn trên môi trường số, phi giấy tờ, mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện", ông Việt nhấn mạnh.
Đề án này cũng hướng đến việc quản lý tự động các hoạt động nghiệp vụ hải quan trên môi trường số trong toàn bộ quá trình thực hiện thủ tục hải quan cả trước, trong, sau thông quan, đảm bảo quản lý xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Tổng cục Hải quan tiếp tục là đầu mối tích cực tham mưu Bộ Tài chính, Chính phủ đẩy mạnh công tác cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Triển khai đề án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 38/QĐ-TTg, Tổng cục Hải quan đang hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để trình Chính phủ xem xét ban hành.
Tổng cục Hải quan cũng tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả sử dụng các trang thiết bị kiểm tra giám sát hiện đại, tăng cường kết nối các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám sát quản lý và quản lý nội bộ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phòng chống các hành vi gian lận thương mại và vi phạm pháp luật hải quan.
Ngoài ra, cơ quan hải quan nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, từng bước triển khai chuyển đổi số của hệ thống này để tiến tới tích hợp dữ liệu với Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để tối ưu hóa hoạt động của các hệ thống này.
"Hiện nay tất cả các thủ tục hải quan cốt lõi hoàn toàn thực hiện bằng phương thức tự động trên Hệ thống VNACCS/VCIS tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc. Các thủ tục hành chính khác cũng đã được Tổng cục Hải quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4", đại diện Tổng cục Hải quan thông tin.
Năm 2024, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 375.000 tỷ đồng; thu cân đối từ hoạt động xuất khẩu nhập khẩu là 204.000 tỷ đồng.
Tình hình thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều yếu tố ảnh hưởng kinh tế - xã hội thế giới. Do đó, trong năm 2024, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục cải cách chính sách, thủ tục hải quan, bảo đảm quản lý nhà nước về hải quan, ngăn chặn và phòng ngừa gian lận thương mại; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh kinh tế. Đồng thời, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng, triển khai mô hình hải quan số, hải quan thông minh, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hỗ trợ thúc đẩy thương mại, góp phần đưa kinh tế cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng.