16:29 29/09/2021

Hậu Brexit, Anh rơi vào khủng hoảng khan hiếm nhiên liệu và thực phẩm

Hoài Thu

Thiếu hụt lao động hậu Brexit dẫn đến tình trạng khan hiếm thực phẩm và nhiên liệu nghiêm trọng tại Anh, đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế nước này sau gần hai năm trải qua đại dịch Covid-19...

Dòng phương tiện xếp hàng mua xăng tại một trạm xăng ở London ngày 27/9 - Ảnh: CNN
Dòng phương tiện xếp hàng mua xăng tại một trạm xăng ở London ngày 27/9 - Ảnh: CNN

Theo CNN, cuộc khủng hoảng thực phẩm và nhiên liệu làm dấy lên bàn tán về một "mùa đông bất mãn” trên truyền thông cũng như trong giới chính trị nước này, so sánh với làn sóng nổi dậy do thiếu xăng dầu vào những năm 1978-1979 khiến kinh tế Anh điêu đứng. Thậm chí, nhiều người còn bắt đầu nói về tình trạng lạm phát đi kèm suy thoái kinh tế (stagflation).

Dù tình trạng khan hiếm hàng hóa, gián đoạn chuỗi cung ứng và giá thực phẩm, năng lượng tăng cao đang ảnh hưởng tới nhiều nền kinh tế lớn trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Đức, Anh được cho là đang chịu tác động lớn nhất do đã rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - sự kiện còn được gọi là Brexit.

CUỘC KHỦNG HOẢNG LAO ĐỘNG

Theo CNN, con đường Brexit mà Chính phủ Anh theo đuổi - đưa ra chính sách nhập cư nghiêm ngặt và đưa đất nước ra khỏi thị trường hàng hóa và năng lượng của EU - đã khiến các doanh nghiệp nước này khó thuê người lao động châu Âu và chịu nhiều chi phí hơn khi kinh doanh với EU - đối tác thương mại lớn nhất của Anh.

Thủ tướng Anh Borris Johnson (trái) - Ảnh: AP
Thủ tướng Anh Borris Johnson (trái) - Ảnh: AP

Giới phân tích cho rằng mọi thứ có thể đã không diễn ra theo hướng này khi mà có nhiều lựa chọn khác cho tương lai của quan hệ Anh - EU. Brexit có thể đã không gây ra tình trạng thiếu lao động hay khan hiếm năng lượng tại Anh. Tuy nhiên, sự vội vàng để nhanh chóng “hoàn tất Brexit” của Chính phủ Anh khi đàm phán với EU đã khiến các thỏa thuận trong những lĩnh vực quan trọng, như năng lượng, đã bị gạt sang một bên.

Trong khi đó, hệ thống chính sách nhập cư của Anh hậu Brexit được thiết kế để giảm số lượng lao động có tay nghề thấp tới nước Anh và chấm dứt cái mà chính phủ của Thủ tướng Borris Johnson mô tả là “sự phụ thuộc vào lao động giá rẻ, tay nghề thấp”, bất chấp tỷ lệ thất nghiệp của nước này chỉ ở mức khoảng 5%.

“Kết quả là, Chính phủ Anh đã đưa ra một quyết định chính trị khiến lao động có tay nghề thấp khó nhập cảnh vào quốc gia này hơn. Tình trạng thiếu lao động có thể đã bớt trầm trọng hơn nếu Anh duy trì việc đi lại tự do của người dân hậu Brexit”, Joe Marshall, nhà nghiên cứu cấp cao tại viện nghiên cứu Institute for Government, nhận xét.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Anh, trong khoảng thời gian từ tháng 6-8/2021, nước này ghi nhận kỷ lục 1 triệu vị trí việc làm cần tuyển dụng. Vào tháng trước, nhiều nhà hàng, quán rượu, siêu thị, trong đó có Nando's, đã phải tạm thời đóng cửa một số địa điểm do thiếu nhân viên hoặc một số nguyên liệu đầu vào không được vận chuyển tới vì thiếu tài xế xe tải.

Lĩnh vực chăm sóc xã hội cũng đối mặt với “cuộc khủng hoảng lao động” và sẽ cần tuyển dụng người lao động nước ngoài để lấp đầy hàng chục nghìn vị trí trống, theo Care England.

KHAN HIẾM HÀNG HÓA, NHIÊN LIỆU

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng thêm trầm trọng hậu Brexit khiến người tiêu dùng Anh đối mặt với hóa đơn thực phẩm và năng lượng tăng cao trong bối cảnh thu nhập bị ảnh hưởng bởi đại dịch, còn các biện pháp hỗ trợ của chính phủ vẫn chưa được thực hiện.

Trong tuần này, Chính phủ Anh đã buộc phải rút lại một số chính sách nhập cư nghiêm ngặt mới áp dụng hậu Brexit sau khi hàng nghìn trạm xăng trên cả nước rơi vào cảnh cạn kiệt hồi cuối tuần và các hãng bán lẻ thực phẩm cảnh báo rằng nước này có 10 ngày để “cứu lấy ngày Giáng sinh”.

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình ngày 28/9, Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps thừa nhận rằng Brexit "chắc chắn là một nhân tố" góp phần vào cuộc khủng hoảng nhiên liệu tại nước này.

Để giải tỏa áp lực, Chính phủ sẽ phải cung cấp thị thực tạm thời cho 10.500 tài xế xe tải nước ngoài và công nhân ngành chăn nuôi gia cần. Tuy nhiên, các tổ chức đại diện ngành cho rằng việc này không tạo ra nhiều khác biệt, một phần bởi vì không chắc người lao động EU sẽ muốn trở lại Anh - nơi đã trở nên thiếu thân thiện hơn với sự hiện diện của họ.

Các kệ hàng trống trơn tại một siêu thị ở Manchester, Anh được chụp vào ngày 22/9  Ảnh: Getty Images
Các kệ hàng trống trơn tại một siêu thị ở Manchester, Anh được chụp vào ngày 22/9  Ảnh: Getty Images

“Kể cả khi thị thực ngắn hạn giúp thu hút được lượng lao động tối đa theo quy định thì việc này cũng không đủ để giải quyết vấn đề lớn đang xảy ra trong chuỗi cung ứng của chúng ta”, bà Ruby McGregor-Smith, Chủ tịch Phòng Thương mại Anh, nhận định, đồng thời mô tả việc này giống như “thả một giọt nước vào đống lửa”.

Hiện tại, Quân đội Anh đang ở chế độ sẵn sàng thực hiện việc giao nhiên liệu khi mà Hiệp hội Y tế Anh cảnh báo rằng nhân viên y tế, bao gồm cả tài xế xe cứu thương, không thể làm việc nếu thiếu xăng dầu.

Suốt 4 thập kỷ qua, nhiều lĩnh vực kinh tế tại các quốc gia thành viên EU phụ thuộc vào dòng chảy lao động ổn định trong khối. Tuy nhiên, Brexit đã khiến dòng chảy này bị chặn lại ở biên giới Anh mà không có kế hoạch nào cho việc chuyển đổi để tránh sự gián đoạn cho chuỗi cung ứng cũng như dịch vụ.

"Một cuộc chuyển đổi có kiểm soát với một kế hoạch được thống nhất giữa chính phủ và doanh nghiệp lẽ ra nên được thiết lập ngay từ đầu”, bà McGregor-Smith cho biết.

Một báo cáo mới đây của Grant Thornton ước tính ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Anh đang thiếu tới 500.000 lao động. Các cơ sở chế biến thực phẩm và trang trại đã buộc phải cắt giảm sản lượng hoặc chấp nhận bỏ phí nông sản chưa thu hoạch do không có đủ nhân công. Điều này khiến nhiều mặt hàng bị thiếu hụt hoặc thậm chí khan hiếm tại các siêu thị.

Theo Nick Allen, Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà chế biến thịt của Anh (BMPA), nhiều trang trại đã không nuôi gà tây trước dịp Giáng sinh do thiếu lao động.

“Có thể sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm gà tây, cũng như một số món ăn truyền thống khác vào dịp Giáng sinh”, ông Allen nhận định.

Dữ liệu của nền tảng công nghệ mua sắm Adimo - theo dõi mối quan tâm của người tiêu dùng với 300 thương hiệu - cho thấy tỷ lệ sản phẩm hết hàng đang sắp tương đương với mức của tháng 3/2020, thời điểm người dân đổ xô tích trữ hàng hóa khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt. Adimo dự báo vào khoảng đầu tháng 12, tình trạng thiếu hụt thực phẩm sẽ trở nên tồi tệ hơn thời điểm đỉnh dịch Covid-19 năm ngoái.

Không chỉ giá lương thực tăng, người tiêu dùng Anh cũng phải đối mặt với hóa đơn điện và khí đốt tăng lên. Giá năng lượng tăng vọt cũng là một vấn đề ở châu Âu. Tuy nhiên, tình hình tại Anh đặc biệt nghiêm trọng do thiếu các cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên lớn, trong khi công tác bảo trì bị trì hoãn và vụ hỏa hoạn làm đứt cáp điện từ Pháp.

Theo các nhà phân tích, dù các vấn đề này không xảy ra do Brexit, nhưng thỏa thuận thương mại tối giản mà chính phủ của Thủ tướng Johnson ký với EU vào tháng 12 năm ngoái đã khiến nước Anh phải một mình vượt qua cuộc khủng hoảng này bởi vì thỏa thuận không có điều khoản nào về năng lượng. Anh chính thức rời khỏi thị trường năng lượng nội bộ EU vào ngày 31/12/2020.

“Không có sự hợp tác chặt chẽ giữa Anh và EU về an ninh năng lượng. Điều này khiến chính phủ Anh có ít đòn bẩy hơn để ứng phó với những thách thức hiện tại”, bà Lilah Howson-Smith, cộng sự cấp cao tại hãng tư vấn chính sách Global Counsel, nhận xét.

Các nhà kinh tế cảnh báo rằng giá cả hàng hóa liên tục tăng do thiếu lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí năng lượng cao sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế Anh, làm gia tăng lạm phát vốn đang ở mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ của nước này.