Hồi lại cuối phiên, chứng khoán Mỹ vẫn tụt điểm vì nỗi lo suy thoái, giá dầu giằng co
“Khi nhà đầu tư nhìn vào những nhân tố tác động chủ yếu đến thị trường ở thời điểm này, thì đó là thay đổi chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và thay đổi lãi suất"...
Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (24/5), khi nhà đầu tư lo ngại rằng những động thái cứng rắn để chống lạm phát có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất rơi vào suy thoái. Giá dầu giằng co giữa những yếu tố trái chiều gồm nỗi lo suy thoái và khả năng nguồn cung thắt chặt.
Sau khi giảm mạnh vào buổi sáng, cả ba chỉ số cùng thu hẹp mức giảm vào buổi chiều, thậm chí chỉ số Dow Jones đảo chiều thành công và chốt phiên trong trạng thái tăng. Tuy nhiên, S&P 500 đóng cửa ở mức chỉ cần giảm thêm 2,2 điểm phần trăm nữa là rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) - tức là giảm 20% so với mức kỷ lục mọi thời đại thiết lập hôm 3/1.
“Khi nhà đầu tư nhìn vào những nhân tố tác động chủ yếu đến thị trường ở thời điểm này, thì đó là thay đổi chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và thay đổi lãi suất. Những yếu tố này đang ảnh hưởng đến giá của tất cả các tài sản trên thị trường tài chính”, Giám đốc đầu tư Bill Northey của US Bank Wealth Management nhận định. “Trong 2 tuần qua, chúng ta đã chứng kiến sự suy yếu kinh tế vĩ mô bắt đầu được phản ánh vào lợi nhuận của các công ty và qua các báo cáo kinh tế”.
Lực bán cổ phiếu trong phiên này tập trung vào cổ phiếu truyền thông, sau khi công ty mạng xã hội Snap đưa ra cảnh báo về lợi nhuận. Cổ phiếu Snap chốt phiên với mức giảm 43,1%, châm ngòi cho một cuộc xả hàng ở các cổ phiếu mạng xã hội.
Meta Platforms, Alphabet, Twitter và Pinterest đồng loạt giảm từ 5-24%, khiến nhóm dịch vụ truyền thông trong S&P 500 sụt 3,7%.
Các nút thắt chuỗi cung ứng trên toàn cầu càng trở nên căng thẳng khi cuộc chiến tranh Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn và Trung Quốc quyết tâm theo đuổi chiến lược Zero Covid với các biện pháp chống dịch hà khắc. Trong bối cảnh như vậy, lạm phát ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Fed đã cam kết thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay để chống lạm phát. Biên bản cuộc họp tháng 5 của Fed, dự kiến công bố vào ngày thứ Tư này, sẽ được giới đầu tư nghiền ngẫm để xác định xem Fed sẽ quyết liệt tới mức độ như thế nào. Giới đầu tư hiện kỳ vọng Fed có một loạt đợt nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm mỗi lần trong những tháng tới, và sự thắt chặt như vậy có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Kịch bản suy thoái đang được nhiều nhà phân tích ở Phố Wall tính đến.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ biên bản cuộc họp Fed để tìm những dấu hiệu cho thấy lập trường chính sách tiền tệ trong cuộc họp vừa rồi ngả về cứng rắn hơn hay mềm mỏng đi một chút”, ông Northey nói.
Các dữ liệu công bố ngày thứ Ba cho thấy đà tăng trưởng kinh tế Mỹ đang yếu đi, với doanh số bán nhà mới sụt giảm và các hoạt động kinh doanh suy yếu.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 48,38 điểm, tương đương tăng 0,15%, đạt 31.928,62 điểm. S&P 500 mất 0,81%, còn 3.941,48 điểm. Nasdaq sụt 2,4%, còn 11.264,45 điểm.
6 trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 chốt phiên trong trạng thái giảm, với dịch vụ truyền thông và tiêu dùng không thiết yếu là hai nhóm giảm sâu nhất. Cổ phiếu hãng bán lẻ thời trang Abercrombie & Fitch “bốc hơi” 28,6% sau khi báo khoản lỗ quý gây bất ngờ và cắt giảm dự báo doanh thu, lợi nhuận cả năm.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,14 USD/thùng, chốt ở 113,56 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,52 USD/thùng, còn 109,77 USD/thùng.
Một mặt, giá dầu được hỗ trợ bởi nỗi lo thiếu cung do chiến tranh Nga-Ukraine, nhưng mặt khác cũng chịu áp lực giảm khi giới đầu tư lo lắng về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm ngày 24/5 nói rằng Tổng thống Joe Biden không loại trừ khả năng áp hạn chế xuất khẩu dầu để kiềm chế đà tăng giá mạnh của giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dầu có thể tăng nhanh trở lại khi làn sóng Covid-19 ở Trung Quốc lắng xuống. Cả Thượng Hải và Bắc Kinh đều đang tiến tới dỡ bỏ các hạn chế chống dịch.
Giới chức Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang nỗ lực thúc đẩy lệnh cấm vận dầu Nga, trong khi kế hoạch này vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của Hungary. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức hôm thứ Hai nói rằng lệnh cấm vận có thể được nhất trí sau vài ngày nữa.