12:46 11/05/2021

Hơn 1.800 doanh nghiệp được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất do ảnh hưởng Covid

Nhật Dương

Số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất của hơn 1.800 đơn vị, doanh nghiệp là hơn 786 tỷ đồng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Nghị quyết số 154 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo đó, trong quá trình triển khai chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với hơn 1.800 đơn vị, doanh nghiệp, tương ứng với 192.000 lao động và số tiền tạm dừng đóng là hơn 786 tỷ đồng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng xác nhận danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương của doanh nghiệp đối với hơn 168.000 lao động. Đồng thời xác nhận danh sách người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 của các đơn vị, doanh nghiệp là 585 lao động.

Cơ quan này cho biết cũng đã ban hành văn bản trả lời và hướng dẫn đến 14 hiệp hội, tập đoàn và 11 ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố với các nội dung kiến nghị trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trên cơ sở đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiến nghị Chính phủ có các giải pháp tài chính, tín dụng mạnh mẽ hơn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn, sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động là giải pháp căn cơ đảm bảo an sinh xã hội.

Trước đó, theo Công văn 1511 về hướng dẫn tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi thuộc một trong các trường hợp.

Bao  gồm: tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 1 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế, hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế, hoặc thực hiện cam kết quốc tế; gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa.