11:32 27/08/2021

Hơn 13,5 triệu người được hỗ trợ từ gói an sinh 26.000 tỷ đồng

Phúc Minh

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai gói an sinh 26.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương là vùng cam, vùng đỏ cần hỗ trợ người dân cái ăn, cái mặc; vùng xanh cần tập trung giải quyết ngay, không được chờ đợi…

Bộ trưởng Bộ LĐTB7XH Đào Ngọc Dung.
Bộ trưởng Bộ LĐTB7XH Đào Ngọc Dung.

Tại Hội nghị giao ban về thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP (gói 26.000 tỷ đồng) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá, hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng lớn đến đời sống, việc làm, thu nhập và cuộc sống thường ngày của người dân, công nhân, lao động tự do.

Về việc triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 trên cả nước thời gian qua, Bộ trưởng đánh giá về cơ bản là tương đối đồng bộ, nhiều nơi đạt kết quả tốt.

Chẳng hạn như TP.HCM đã chi trả hỗ trợ hơn 3.000 tỷ đồng và triển khai 1,8 triệu gói an sinh xã hội, trong đó có trên 500.000 người lao động tự do đã được hỗ trợ. Các tỉnh, thành khác như: Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng vận động việc hỗ trợ nhà trọ, giảm tiền nhà, giảm, hỗ trợ tiền điện, nước, tiền ăn, cung cấp các bữa cơm miễn phí, gói quà miễn phí, túi thuốc miễn phí… cho người lao động.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận, việc triển khai vẫn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan như tình hình dịch bệnh dẫn đến phải giãn cách xã hội, khó khăn về nguồn lực, có những chính sách có thể triển khai ngay nhưng cũng có chính sách có thể phải kéo dài.

Nguyên nhân chủ quan là nhiều đơn vị, địa phương chưa thực sự chủ động khiến cho nhiều chính sách dù “rõ ràng, cụ thể, thông thoáng” nhưng vẫn chậm đi vào cuộc sống. “Tình hình đời sống, việc làm đang rất khó khăn, đang rất cần phải chung tay. Chậm ngày nào chúng ta có lỗi với dân ngày đó”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 26/8, cả nước có gần 11,33 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 45.000 người lao động.

Bên cạnh đó, trên 77.200 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ tiền mặt; gần 37.000 hộ kinh doanh bị tạm dừng hoạt động được hỗ trợ; gần 1,2 triệu người lao động tự do trong cả nước đã được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí gần 2.180 tỷ đồng...

Tổng cộng đã hỗ trợ cho trên 13,5 triệu người lao động và đối tượng khác, trên 375.800 người sử dụng lao động với khoảng trên 8.000 tỷ đồng.

Về việc triển khai chính sách hỗ trợ trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị cần tập trung đến người lao động, lao động tự do và người yếu thế, các địa phương cần xác định an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên.

Tất cả các địa phương rà soát lại ngay toàn bộ tiến độ triển khai 12 chính sách theo Nghị quyết 68 để đánh giá những điểm được, chưa được của mỗi chính sách. Đặc biệt nhấn mạnh đến ý thức trách nhiệm của người đứng đầu, nhất quyết không để xảy ra tình trạng “nóng trên lạnh dưới”.

Đối với những vướng mắc của các địa phương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định Bộ sẽ hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị quyết 68 và Quyết định 23 để gửi xin ý kiến Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam để trình Chính phủ lấy ý kiến ban hành.

Trong thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ của địa phương. Bộ cũng sẽ lập các đoàn kiểm tra đi kiểm tra giám sát, tháo gỡ khó khăn cùng địa phương do lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn.

Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ triển khai các chính sách hỗ trợ, nhất là các nhóm chính sách hỗ trợ người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương là vùng cam, vùng đỏ cần hỗ trợ người dân cái ăn, cái mặc. Đối với vùng xanh cần tập trung giải quyết ngay các chính sách hỗ trợ, không được chờ đợi.