13:00 22/07/2022

Hơn 27.000 tỷ đồng khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt

Xuân Nghi

Bộ Giao thông vận tải vừa chấp thuận giao Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt...

Tuyến xe lửa Phan Rang/Tháp Chàm - Đà Lạt đã ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử ngành công nghiệp đường sắt thế giới và Đông Dương, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Tuyến xe lửa Phan Rang/Tháp Chàm - Đà Lạt đã ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử ngành công nghiệp đường sắt thế giới và Đông Dương, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Tuyến đường sắt răng cưa huyền thoại Tháp Chàm/Phan Rang – Đà Lạt từng bị “xóa sổ” khỏi hệ thống đường sắt Việt Nam, từ cuối năm 1975.

ĐẦU TƯ THEO PHƯƠNG THỨC HỢP ĐỒNG BOO

Dự án sẽ khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt trên cơ sở tuyến đường sắt cũ, chiều dài toàn tuyến 84 km, bao gồm khoảng 16 km đường ray răng cưa. Toàn tuyến có 17 nhà ga và trạm khách, 64 cầu vượt sông, suối, 5 hầm chui. Tổng mức đầu tư dự án vào khoảng 27.780 tỷ đồng.

Đơn vị lập báo cáo nghiên cứu cho biết, đây sẽ là đường sắt khổ hẹp 1.000 mm. Tốc độ thiết kế trên toàn tuyến là 60 km/h, riêng những đoạn/tuyến leo núi (các đoạn ray răng cưa) tốc độ 30 km/h.

Về đầu máy, phía tư vấn đề xuất chọn phương án dùng đầu máy diesel, được thiết kế có hình dáng bên ngoài tương tự đầu máy hơi nước hồi thời người Pháp xây dựng, bao gồm cả bộ phận nồi hơi để phà hơi nước trong quá trình tàu vận hành (giống như chạy bằng than đốt).

Các toa tàu, hệ thống nhà ga cũng được thiết kế tương tự như các toa tàu và nhà ga từ thời Pháp thuộc, lúc tuyến đường sắt này khánh thành và đi vào hoạt động.

Nguồn vốn đầu tư dự kiến khoảng 27.780 tỷ đồng, được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOO (Build – Own – Operate: Xây dựng – Sở hữu – Vận hành/Khai thác); theo đó, nhà đầu tư sẽ bỏ vốn xây công trình, nhà đầu tư được sở hữu, nhà đầu tư được quyền khai thác kinh doanh (trong thời hạn nhất định).

Khác với phương án hoàn vốn theo hình thức “đổi đất lấy hạ tầng”, theo đơn vị lập báo cáo, phương án hợp đồng BOO thì chính quyền địa phương (hai tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng) sẽ quy hoạch khai thác quỹ đất dọc tuyến đường sắt để xây dựng cơ sở hạ tầng, hoặc đấu giá cho các đơn vị khai thác, nhằm gia tăng giá trị cho việc khai thác tuyến đường sắt (xây dựng cơ sở kinh doanh thương mại, lưu trú, thể thao, các dịch vụ về văn hóa, lịch sử…).

Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu Công ty Bạch Đằng khi lập nội dung báo cáo cần lưu ý đến sự phù hợp của dự án đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp quy hoạch của địa phương, nhất là tại các nhà ga, đến hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.

Về phương án tài chính sơ bộ như dự báo nhu cầu, nguồn thu và khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư, thời gian hoàn vốn và thời hạn hợp đồng dự án, khả năng chi trả của cộng đồng người sử dụng, tổ chức bao tiêu, Bộ Giao thông vận tải cũng lưu ý đơn vị lập báo cáo loại hợp đồng dự án cần phân tích lựa chọn sao cho phù hợp, bao gồm phương án kỹ thuật, công nghệ sơ bộ, phương án tài chính sơ bộ, quản lý vận hành, quy định về quản lý sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt…

Một cầu đường sắt của tuyến xe lửa Phan Rang/Tháp Chàm - Đà Lạt còn sót lại.
Một cầu đường sắt của tuyến xe lửa Phan Rang/Tháp Chàm - Đà Lạt còn sót lại.

Về phương án huy động vốn, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu cần nêu rõ vốn nhà nước tham gia trong dự án dự kiến, nếu có. Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu nội dung báo cáo phải lưu ý các dự án khác hoạt động vận hành theo kết cấu hạ tầng đường sắt của dự án được đầu tư, tổ chức quản lý thực hiện dự án giữa cơ quan có thẩm quyền, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và địa phương…

PHỤC HỒI ĐỂ THU HÚT DU KHÁCH, PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Hồi cuối tháng 4/2022, Tập đoàn Du lịch Crystal Bay cùng các đối tác hàng đầu trong nước và quốc tế trong lĩnh vực đường sắt, như Công ty cổ phần Giải pháp kinh doanh Corex, Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và xây dựng Giao thông vận tải, cùng các chuyên gia đường sắt Cộng hòa Pháp, đã ký hợp đồng tư vấn dự án khôi phục tuyến đường sắt vốn đã đi vào dĩ vãng này.

Đây là một trong hai tuyến hỏa xa leo núi hiếm hoi trên thế giới chạy bằng bánh răng cưa, và đã trở thành phế tích từ gần nửa thế kỷ nay. Cùng với tuyến Pilatus-Bahn tại Thụy Sỹ, tuyến xe lửa Phan Rang/Tháp Chàm - Đà Lạt đã ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử ngành công nghiệp đường sắt thế giới và Đông Dương, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Theo hợp đồng được ký, tháng 10/2022 hồ sơ khôi phục tuyến đường sắt Phan Rang/Tháp Chàm - Đà Lạt sẽ được các tư vấn hoàn thành để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Các đơn vị khai thác dịch vụ du lịch kỳ vọng rằng, khi phục hồi tuyến đường sắt răng cưa huyền thoại này, du khách không chỉ được trải nghiệm một cung đường với phương tiện di chuyển độc nhất vô nhị tại Châu Á và thế giới mà sẽ còn được tận hưởng những dịch vụ du lịch độc đáo tại các điểm đến, các nhà ga của tuyến xe lửa huyền thoại độc đáo này.

 

Tuyến đường rày xe lửa Phan Rang/Tháp Chàm – Đà Lạt được quyết định đầu tư xây dựng bởi Toàn quyền Pháp tại Đông Dương Paul Doumer, năm 1901. Năm 1911, dự án chính thức được khởi công xây dựng. Đến năm 1932, tuyến hỏa xa Tháp Chàm - Đà Lạt với tổng chiều dài 84 km, hành trình qua 9 nhà ga, 5 đường hầm xuyên núi, 2 cầu lớn, 2 đèo cao là đèo Ngoạn Mục và đèo D’Ran, chính thức hoàn thành. Toàn tuyến có ba đoạn phải chạy trên những cung đường sắt răng cưa với độ dốc 12%, gồm: Đèo Sông Pha – Eo Gió, đoạn Đơn Dương – Trạm Hành, đoạn Đa Thọ - Trại Mát.

Cuối năm 1975, tuyến xe lửa này được yêu cầu ngừng chạy và tháo toàn bộ tà vẹt để chuyển ra tu bổ cho đường sắt Thống Nhất đoạn Bình Định - Quảng Nam.