08:30 22/07/2024

Hướng đi mới cho nguồn dinh dưỡng tương lai

Tuệ Mỹ

Theo Liên hợp quốc, dân số thế giới sẽ đạt 9,7 tỷ người vào năm 2050. Lúc đó, tình trạng thiếu lương thực diện rộng có thể xảy ra và đảm bảo nguồn protein là một thách thức. Đồng thời, việc chăn nuôi gia súc lấy thịt bị lên án do làm gia tăng khí nhà kính...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngành chăn nuôi côn trùng để làm thức ăn cho con người đang phát triển tại nhiều nơi trên thế giới. Trên toàn cầu, quy mô của thị trường côn trùng làm thức ăn đang được ước tính 3,8 tỷ USD và có thể tăng gấp 3 lần trong 5 năm tới.

Đến nay, Liên minh châu Âu (EU) đã cấp phép cho 4 loại côn trùng dùng làm thực phẩm, trong đó có sâu bột vàng sấy khô, dế và châu chấu. Ngày 8/7/2024, Cơ quan Quản lý thực phẩm Singapore (SFA) đã chấp nhận việc sử dụng khoảng 16 loại côn trùng làm thực phẩm tiêu dùng, trong đó có nhiều loài dế, châu chấu và nhộng.

ĐẠM CÔN TRÙNG, TẠI SAO KHÔNG?

Hai kilogram thức ăn cho ra một kilogram đạm động vật, chỉ có côn trùng mới cho hiệu suất như vậy. Tờ Money Week ra tại Anh trong bài báo “Vì sao côn trùng có trong thực đơn” đã viết: “Sản xuất một kilogram đạm côn trùng chỉ tiêu tốn khoảng 1/10 thức ăn, nước và mặt bằng so với một kilogram thịt bò. Quá trình này cũng chỉ thải ra rất ít khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong khi đó, nhu cầu đạm côn trùng đang tăng cao, tổng sản lượng toàn cầu sẽ tăng gấp 50 lần mức của năm 2021, lên tới nửa triệu tấn vào cuối thập kỷ này”.

Thực tế, ngày càng có nhiều người tiêu dùng ở mọi nơi sẵn sàng bổ sung côn trùng vào chế độ ăn, dĩ nhiên là dưới dạng bột. Ở châu Âu, bột côn trùng đã xuất hiện trong chocolate, mật ong, bột mì, mì ống, thanh protein, bánh mì, biscuit, ngũ cốc ăn sáng, pizza, nước sốt, nước súp, snack và bơ lạc. Cùng với xu hướng này, các công ty đang phát triển mô hình trang trại côn trùng trên quy mô lớn, quảng bá côn trùng dựa trên giá trị dinh dưỡng cao và lợi ích cho môi trường.

Trang trại nuôi côn trùng lớn nhất thế giới – một cơ sở công nghệ cao trên diện tích 35.000m2, dự kiến sản xuất 15.000 tấn protein từ côn trùng mỗi năm – đã đi vào hoạt động từ tháng 4/2024 tại Nesle, Pháp. Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, vào tháng 12/2024, một trang trại khác rộng 45.000m2 sẽ hoạt động tại khu vực Amiens của Pháp, với khả năng sản xuất hơn 100.000 tấn sâu bột (hay sâu gạo) mỗi năm. Kỷ lục này có thể bị phá vỡ bởi ít nhất hai trang trại khác dự kiến được xây dựng năm 2024 và 2025.

Các công ty đang phát triển mô hình trang trại côn trùng trên quy mô lớn, quảng bá côn trùng dựa trên giá trị dinh dưỡng cao và lợi ích cho môi trường.
Các công ty đang phát triển mô hình trang trại côn trùng trên quy mô lớn, quảng bá côn trùng dựa trên giá trị dinh dưỡng cao và lợi ích cho môi trường.

Các công ty khởi nghiệp về côn trùng đã huy động hơn 1 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm kể từ năm 2020 và đang cạnh tranh để giành quyền thống trị thị trường nhỏ nhưng phát triển mạnh mẽ này. Tháng 10/2023, gã khổng lồ Tyson Foods đã đầu tư vào Protix, một công ty khởi nghiệp của Hà Lan. Công ty chế biến thực phẩm ADM thì ký một thỏa thuận tương tự với công ty khởi nghiệp Innovafeed, có trụ sở tại Paris. Theo người sáng lập Protix, sự tăng trưởng nhanh chóng của các trang trại nuôi côn trùng quy mô lớn báo hiệu ngành này đang phát triển vượt ra khỏi giai đoạn khởi nghiệp ban đầu.

Năm 2023, nhiều sản phẩm từ côn trùng hơn được đưa lên các kệ hàng tại một số quốc gia. Ở Canada, các sản phẩm từ côn trùng đã được bán ở một số cửa hàng đặc sản và trang bán lẻ trực tuyến. Các sản phẩm bao gồm bánh quy giòn, bánh quy, bánh protein và thậm chí là mỳ. Tại Mỹ, người tiêu dùng đã chấp nhận một số sản phẩm côn trùng, như: kiến muối, bơ và bột protein trên Amazon, còn bột đạm chế biến từ dế đã được bán ở nhiều cửa hàng tạp hóa Thụy Sĩ. Tại Singapore, chuỗi nhà hàng House of Seafood cũng có ý định triển khai 30 món ăn từ côn trùng ngay sau khi SFA cấp phép.

Trên khắp Nhật Bản, có những cửa hàng chuyên buôn bán thực phẩm làm từ nhện, dế, mọt và ve sầu. Gryllus Co. là công ty công nghệ thực phẩm được thành lập năm 2019 bởi giáo sư sinh học Takahito Watanabe, mục đích là để nuôi dế và biến dế trở thành một nguồn thức ăn. Phát ngôn viên công ty, ông Fumiya Aokubu, cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành chế biến dế thành dầu và bột sử dụng cho nấu nướng, làm bánh quy hay món ăn khác. Ngoài dế ra, chúng tôi cũng muốn mở rộng mô hình của mình sang các loài côn trùng khác trong tương lai”.

Đông Nam Á là một trong những khu vực dẫn đầu về sản lượng sản xuất thức ăn từ côn trùng nhờ vào điều kiện khí hậu thuận lợi và chi phí lao động thấp. Tại Singapore, từ ngày 19–22/6/2024, Hiệp hội Thực phẩm và Thức ăn chăn nuôi từ côn trùng châu Á (AFFIA) đã tổ chức hội nghị Thức ăn từ côn trùng 2024 (IFW) để cùng nhau thảo luận về tình hình sản xuất thực phẩm côn trùng tại châu Á và đưa ra những kỳ vọng cho thời gian tới. Theo đó, thị trường protein từ côn trùng ở châu Á có quy mô tiềm năng ước tính lên đến 19,3 triệu tấn...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 30-2024 phát hành ngày 22/7/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Hướng đi mới cho nguồn dinh dưỡng tương lai - Ảnh 1