Khan hiếm nhà giá rẻ trong khi nhu cầu thuê, mua của người dân lại rất lớn
Theo đại biểu Nguyễn Thành Tiến, tổ đại biểu quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng, qua giám sát và tiếp xúc cử tri cho thấy, nhu cầu xin thuê và xin mua nhà ở xã hội hiện nay rất lớn, nhất là các hộ nghèo hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hàng năm có trên 1.000 đơn thư xin thuê nhà chung cư nhưng chưa được đáp ứng…
Các chuyên gia cho rằng thị trường nhà ở ngày càng khan hiếm trầm trọng về phân khúc nhà giá rẻ, bình dân, trong khi nhu cầu về loại hình nhà ở này lại rất lớn…
TRÊN 1.000 ĐƠN XIN THUÊ NHÀ CHUNG CHƯA ĐƯỢC ĐÁP ỨNG
Trình bày ý kiến trong phiên thảo luận chung ở hội trường của kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, đại biểu Nguyễn Thành Tiến, tổ đại biểu quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng nêu, những năm qua thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội, hoàn thành 194 khối nhà với 13.938 căn hộ chung cư; 16 khối nhà với 1.874 phòng ký túc xá sinh viên… giải quyết nhu cầu về nhà ở đáng kể cho người dân thành phố. Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, việc đầu tư nhà ở xã hội từ ngân sách thành phố rất hạn chế. Quỹ nhà ở xã hội còn lại ít, thành phố ưu tiên bố trí cho thuê với các đối tượng là người có công cách mạng.
Vị đại biểu bổ sung thêm, qua giám sát và tiếp xúc cử tri thì thấy được nhu cầu xin thuê và xin mua nhà ở xã hội hiện nay tương đối lớn, nhất là các hộ nghèo hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hàng năm trên 1.000 đơn thư xin thuê nhà chung cư nhưng chưa được đáp ứng.
Không chỉ Đà Nẵng, tại Quảng Ninh, theo thông tin từ địa phương, “Quảng Ninh có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa cao, tập trung nhiều dự án đầu tư sản xuất, nên nhu cầu về nhà ở của người lao động trên địa bàn tỉnh rất lớn. Nhằm giúp người lao động “an cư – lạc nghiệp”, tỉnh đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ nhưng đến nay, việc đáp ứng nhà ở cho công nhân, người lao động vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.
Đơn cử, ngành Than hiện đang sử dụng số lượng lao động lớn nhất trên địa bàn tỉnh với trên 70.000 người, trong đó vẫn còn 9.000 người chưa có chỗ ở ổn định. Ngoài ra, theo Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành Than, khu công nghiệp; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh do Sở Xây dựng tỉnh chủ trì thực hiện, thì nhu cầu của các nhóm đối tượng này dự báo đến năm 2025 là khoảng 46.000 căn hộ.
Tương tự, trong chuyến khảo sát thực tế về khu nhà trọ công nhân trên địa bàn huyện Nhơn Trạch của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng cùng lãnh đạo một số sở ban ngành, báo cáo từ UBND huyện Nhơn Trạch đã chỉ ra đến tháng 6/2022, huyện Nhơn Trạch có trên 3 ngàn khu nhà trọ với trên 40 ngàn phòng nhưng chỉ giải quyết được một phần nhu cầu về nhà ở cho người lao động. Hơn nữa mô hình nhà trọ hiện không đảm bảo về môi trường và các tiện ích phục vụ nhu cầu trong đời sống cho người lao động…
CÁC ĐỊA PHƯƠNG VÀO CUỘC
Giải trình vấn đề đại biểu Nguyễn Thành Tiến đưa ra, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng Phùng Phú Phong nêu, hiện thành phố đang hoàn thành và sử dụng 13.938 căn hộ và 1.874 phòng ký túc xá sinh viên. Trong đó có 2 nguồn đầu tư là từ ngân sách Nhà nước và từ vốn ngoài ngân sách.
Cũng với vấn đề này, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cũng cho hay, hiện nay nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, có cả ngàn đơn của các đối tượng yếu thế và người thu nhập thấp mong muốn có nhà ở xã hội. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng đề nghị UBND TP tập trung xem xét, kể cả việc thí điểm bán nhà ở xã hội để tăng cường công tác quản lý hiệu quả hơn Đề án nhà ở xã hội, trong đó có cả nhà ở cho công nhân lao động.
Trong khi đó, thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh tại cuộc họp ngày 12/7 cho biết, năm 2022 trên địa bàn tỉnh có các dự án nhà ở xã hội đã khởi công, đầu tư xây dựng gồm: Dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân và chuyên gia Khu công nghiệp Đông Mai, thị xã Quảng Yên do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư; Dự án khu nhà ở xã hội tại quỹ đất 20% Khu đô thị Hà Khánh giai đoạn I do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.
Ngoài ra, những dự án đề xuất khởi công trong năm 2022 gồm: Dự án Khu nhà ở xã hội thuộc khu dân cư đồi Ngân Hàng, phường Hồng Hải và phường Cao Thắng, TP Hạ Long; Dự án Khu nhà ở xã hội tại phường Đông Mai, thị xã Quảng Yên, phục vụ công nhân, người lao động của các doanh nghiệp trong Khu công nhân Sông Khoai, thị xã Quảng Yên. Hiện, Sở Xây dựng tỉnh đang tích cực chuẩn bị những thủ tục đầu tư trong năm 2022, phấn đấu khởi công thêm một số dự án nhà ở xã hội vào năm 2023.
Còn tại Hà Nội, để từng bước cân đối quỹ phát triển nhà ở, tạo điều kiện cho tất cả đối tượng được cải thiện nơi ở, dự thảo Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 định hướng đến năm 2045, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 29,5m2/người.
Cụ thể 3 năm tới, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển mới khoảng 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, 0,565 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư và 19,69 triệu m2 sàn nhà ở thương mại. Đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu nâng diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 32m2/người, cơ bản đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn. Đồng thời, phấn đấu 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động... Về nguồn lực đầu tư, thành phố dự kiến sẽ huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế tham gia và có cơ chế rõ ràng, cụ thể để thu hút nguồn lực đầu tư.
Về phía cơ quan quản lý Bộ Xây dựng cho biết, để tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng, tài chính, thuế liên quan đến nhà ở và bất động sản; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hàng hóa bất động sản, đặc biệt là đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, công trình sản xuất, kinh doanh, hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại đô thị.
Báo cáo của CBRE cho biết, trong nửa đầu năm 2022, Hà Nội có khoảng 8.200 căn hộ chung cư mở bán mới. Trong đó, căn hộ cao cấp chiếm 55% tổng nguồn cung. Nguồn cung căn hộ giá thấp từ cuối năm 2021 đã hoàn toàn biến mất. Kịch bản này từng xảy ra đối với TP.HCM và đến thời điểm hiện nay lại xuất hiện ở Hà Nội.