08:18 28/02/2024

Khẩn trương hoàn thiện quy hoạch lâm nghiệp trong bối cảnh mới

Chu Khôi

Sau 3 năm thực hiện Chiến lược Lâm nghiệp, cơ cấu sản xuất lâm nghiệp đã chuyển dịch theo hướng ngày càng nâng cao giá trị gia tăng. Tuy nhiên, sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua đã phát sinh nhiều vấn đề mới, đòi hỏi ngành lâm nghiệp cần thay đổi, bổ sung nhiều quy định mới, những chính sách và giải pháp mới…

Ngành lâm nghiệp đang tạo ra việc làm cho hơn 5 triệu lao động.
Ngành lâm nghiệp đang tạo ra việc làm cho hơn 5 triệu lao động.

Ngày 27/2/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Hội Chủ rừng Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức hội thảo “Nhìn lại 3 năm thực hiện Chiến lược lâm nghiệp Việt Nam và tác động của Luật Đất đai sửa đổi 2024 đến giải pháp thực hiện chiến lược trong giai đoạn tới".

GIÁ TRỊ SẢN XUẤT TĂNG TRƯỞNG 4,6%/NĂM

Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết sau 3 năm thực thi Chiến lược lâm nghiệp Việt Nam, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, các giải pháp phát triển lâm nghiệp đã được triển khai toàn diện, đồng bộ.

Cơ cấu sản xuất lâm nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng ngày càng nâng cao giá trị gia tăng, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng ổn định 4,6%/năm. Hàng năm, cả nước trồng được trên 260 nghìn ha rừng. Năng suất, chất lượng rừng trồng được nâng cao, cung cấp trên 70% nguyên liệu gỗ cho chế biến lâm sản, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt bình quân 15,8 tỷ USD/năm, tỷ lệ xuất siêu cao.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đạt bình quân 3.650 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, năm 2023 đã thu được 4.130 tỷ đồng; trong đó có 997 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng, góp phần giảm áp lực chi ngân sách nhà nước.

Báo cáo của Cục Lâm nghiệp cho biết tổng kinh phí huy động thực hiện Chiến lược giai đoạn 2021-2023 để thực hiện bảo vệ và Phát triển rừng vào khoảng 56,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Ngân sách nhà nước gần 12,6 nghìn tỷ đồng, thu dịch vụ môi trường rừng gần 11 nghìn tỷ đồng, tổ chức cá nhân tự đầu tư hơn 33 nghìn tỷ đồng.

 

"Ngành lâm nghiệp đã có đóng góp đáng kể vào tỷ lệ xuất siêu của ngành nông nghiệp với con số xuất siêu năm 2021 đạt 12,94 tỷ USD; năm 2022 đạt 14,10 tỷ USD; năm 2023 ước đạt 12,199 tỷ USD".

Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp.

Ngoài ra, theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước, doanh số cho vay của các tổ chức tín dụng đối với ngành lâm nghiệp từ năm 2021 đến tháng 10/2023 đạt 886,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, cho vay khai thác, trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đạt gần 106,7 nghìn tỷ đồng; cho vay chế biến, bảo quản đạt 343,9 nghìn tỷ đồng; cho vay phục vụ thu mua, tiêu thụ lâm sản đạt 416,2 nghìn tỷ đồng…

Tuy vậy, ông Lực cho hay quá trình thực hiện Chiến lược vẫn còn những tồn tại, khó khăn. Đó là: Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch 3 loại rừng còn chồng chéo, thiếu tính đồng bộ; Công tác giao rừng, thuê rừng còn chậm triển khai; Năng suất, chất lượng rừng trồng còn thấp. Mức hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng cũng như chế độ, chính sách đối với lực lượng bảo vệ rừng còn quá thấp, chưa thật sự tạo động lực cho bảo vệ và phát triển rừng. Nhiều địa phương chưa quan tâm đầu tư, bổ sung ngân sách cho bảo vệ và phát triển rừng.

Để huy động tốt hơn nguồn lực cho bảo vệ và phát triển rừng, Cục Lâm nghiệp đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp. Đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phê duyệt một số Đề án trọng điểm ngành lâm nghiệp…

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng chính sách ưu đãi về tín dụng, bảo hiểm để khuyến khích, thu hút người dân, doanh nghiệp đầu tư vào phát triển rừng trồng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng, chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng.

PHÁT SINH NHIỀU VẤN ĐỀ MỚI

PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội chủ rừng Việt Nam (VIFORA), cho biết hiện đã xuất hiện một số vấn đề trong quản lý rừng và quản lý đất lâm nghiệp. Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 quy định một số nội dung liên quan trực tiếp đến việc quản lý rừng và quản lý đất lâm nghiệp.

“Hiện hạng mục đất đang sử dụng để bảo vệ và phát triển rừng có nhiều điểm chưa rõ, khó xác định tiêu chí nên khó khăn cho việc thống kê, theo dõi quản lý rừng, bởi hạng mục đất này bao gồm cả diện tích rừng đang xúc tiến khoanh nuôi tái sinh nhưng chưa thành rừng; đất đã trồng rừng nhưng chưa thành rừng; đất để xây dựng các công trình phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng như đường ranh cản lửa...”, ông Ngãi nói.

Theo Luật Đất đai, đất lâm nghiệp gồm 3 nhóm: đất rừng sản xuất; đất rừng phòng hộ; đất rừng đặc dụng. Trong Luật Đất đai không quy định đất chưa có rừng. Trong khi đó, theo Luật lâm nghiệp, đất lâm nghiệp bao gồm diện tích đất có rừng và diện tích đất chưa có rừng.

“Số liệu về diện tích đất lâm nghiệp được giao do ngành Tài nguyên và Môi trường công bố với số liệu về diện tích rừng được giao do ngành nông nghiệp công bố không đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn", ông Ngãi nêu rõ, đồng thời cho biết hiện diện tích rừng giao cho cộng đồng dân cư cao hơn diện tích đất lâm nghiệp giao cho cộng đồng dân cư; diện tích rừng do UBND xã quản lý cao hơn 1 triệu ha so với diện tích đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý. Đây là những tồn tại kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp.

Trước thực tế này, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông, khuyến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm hoàn thiện quy hoạch lâm nghiệp đảm bảo tính thống nhất với quy hoạch sử dụng đất theo 3 cấp: cả nước, cấp tỉnh và cấp huyện. Phân bổ hợp lý quỹ đất cho phù hợp với yêu cầu sử dụng đất và quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp.

Đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận đất đai của các chủ thể có nhu cầu sản xuất kinh doanh lâm nghiệp. Bổ sung đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp.

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận, những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt so với kế hoạch đề ra như kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản, hay giá trị gia tăng của ngành lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân trong thời gian qua, ngành lâm nghiệp đang đứng trước nhiều biến động khó lường như chiến tranh hay biến đổi khí hậu.

 
 
Khẩn trương hoàn thiện quy hoạch lâm nghiệp trong bối cảnh mới - Ảnh 1
Ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

"Ngành lâm nghiệp đang đứng trước những cơ hội, thách thức đan xen nhau trong bối cảnh, tình hình mới cả trong nước và quốc tế. Trong số đó, có những thay đổi từ các quy định của các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Đất đai 2024; Kết luận 61 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13; các quy định mới về thực hiện cam kết của Việt Nam đối với quốc tế như cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050, thực hiện Quy định không phá rừng của liên minh châu Âu – EU (EUDR), triển khai các quy định về tín chỉ carbon rừng…

Do đó, ngành lâm nghiệp cần đưa ra các giải pháp nhằm huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, chiến lược đã được phê duyệt…".