15:11 20/03/2008

Khó tìm “thuốc” trị thuốc giả

Đinh Tịnh

Cả người tiêu dùng và các công ty dược đều đang canh cánh với nỗi lo trước nạn thuốc giả tràn ngập thị trường

Hiện tượng phổ biến là việc nhái nhãn hiệu các loại thuốc của các công ty có uy tín trên thị trường.
Hiện tượng phổ biến là việc nhái nhãn hiệu các loại thuốc của các công ty có uy tín trên thị trường.
Nếu như trước đây, để làm giả một sản phẩm thuốc tân dược phải mất vài tháng đến nửa năm, thì bây giờ chỉ cần từ 1-2 tuần, thậm chí vài ba ngày là các đối tượng làm giả, làm nhái cũng có thể cho ra lò các sản phẩm tương tự, mà mắt thường khó có thể phân biệt được.

Một trong những nguyên nhân ở đây là sự tinh vi, hiện đại hoá của máy móc giúp cho tội phạm có thể nhanh chóng làm giả các sản phẩm, mẫu mã. Hơn thế nữa, chúng ta vẫn chưa có một chế tài nghiêm minh để quản lý triệt để, chặt chẽ hơn đối với vấn đề này.

Bên cạnh đó, phải thừa nhận trong thời gian qua, các cơ quan chức năng vẫn chưa có sự phối hợp đồng bộ, khiến tình trạng thuốc tân dược giả đã và đang trở thành nỗi lo thường trực đối với rất nhiều người bệnh.

Theo Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), tình hình hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng có chiều hướng tăng mạnh, nhất là thuốc tân dược, một mặt hàng khá nhạy cảm và có nhiều biến động nhất hiện nay.

Trong đó, hiện tượng phổ biến là việc nhái nhãn hiệu các loại thuốc của các công ty có uy tín trên thị trường. Tệ hại hơn là các loại thuốc kém chất lượng hoặc không có hoạt chất chữa bệnh, nhiều loại không rõ nguồn gốc vẫn lưu thông trên thị trường, cá biệt có những hiệu thuốc còn “mạnh dạn” tự dán nhãn mác của các công ty rồi ngang nhiên tung ra thị trường.

Cũng theo VATAP, việc nhái nhãn mác, bao bì lộ liễu công khai, nay được thực hiện ngày một tinh vi hơn.

Chẳng hạn như trường hợp nước súc miệng T.B của Công ty Traphaco đã bị nhiều cơ sở dùng kiểu dáng chai và nhãn hiệu, màu sắc giống y hệt. Hay như, viên nén dùng chữa bệnh cho phụ nữ Neo-Tergynan được sản xuất bởi hãng Bouchara Recordati (Pháp) cũng bị làm giả; hoặc đường Glucose được sản xuất ở Hưng Yên nhưng dán mác của Công ty Dược phẩm Trung ương I...

Một số trường hợp nghiêm trọng khác phải nhắc đến là vụ làm giả thuốc tránh thai tại Hải Phòng, hay việc thuốc quá hạn sử dụng bị công an Tp.HCM phát hiện xử lý trong năm 2007 vừa qua.

Giám đốc một công ty dược phẩm cho biết: doanh nghiệp này đã phải tốn kém rất nhiều công sức, thời gian và chi phí cho việc bảo vệ uy tín sản phẩm. Thế nhưng, hàng tỷ đồng để giới thiệu, quảng cáo, tăng uy tín thương hiệu phút chốc đã “đổ sông, đổ biển”, chỉ vì sau một thời gian ngắn hàng giả, hàng nhái tràn ngập thị trường.

Chi phí để phân biệt hàng thật - giả của từng công ty cũng không phải là nhỏ, đa phần chiếm từ 1-3% doanh số; thế nhưng nếu sản phẩm bị làm giả sẽ khiến doanh nghiệp “mất trắng” từ 10-30% tổng doanh số.

Đáng ngại hơn, điều này sẽ làm cho người tiêu dùng mất đi sự tin tưởng đối với sản phẩm, còn nhà sản xuất lại hoang mang vì bị thiệt đơn, thiệt kép.