Không mua được US Steel, hãng thép Nhật đành rót 14 tỷ USD vào sản xuất ở Mỹ
Việc ngăn US Steel về tay Nippon Steel là một điều hiếm hoi mà ông Trump có chung quan điểm với ông Biden...

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu vừa rồi công bố hãng thép Mỹ US Steel và hãng thép Nhật Nippon Steel đã thiết lập quan hệ đối tác. Theo ông Trump, thỏa thuận này sẽ giữ trụ sở US Steel ở lại Pittsburgh và thu hút số vốn đầu tư 14 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ.
“Đây là một mối quan hệ đối tác đã được lên kế hoạch giữa US Steel và Nippon Steel. Thỏa thuận sẽ tạo ra ít nhất 70.000 công việc và bổ sung thêm 14 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ. Phần lớn số vốn đầu tư này sẽ được triển khai trong 14 tháng tới”, ông Trump viết trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, và cho biết ông sẽ có chuyến thăm nhà máy US Steel vào ngày thứ Sáu tuần này.
Dù vậy, bài đăng của ông Trump không đưa ra chi tiết cụ thể nào về thỏa thuận hợp tác nói trên, chẳng hạn US Steel nắm quyền kiểm soát bao nhiêu, và thỏa thuận này có phải là sự thay thế hoàn toàn cho một vụ mua lại hay không.
Trong tuần cầm quyền cuối cùng, cựu Tổng thống Joe Biden đã chặn thương vụ Nippon Steel mua US Steel với giá 14,3 tỷ USD. Thỏa thuận này đã gây tranh cãi kể từ khi được công bố vào tháng 12/2023. Cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa của Mỹ đều phản đối việc một công ty nước ngoài giành quyền kiểm soát US Steel - công ty từng là biểu tượng của sức mạnh công nghiệp Mỹ và đã trải qua nhiều thăng trầm.
Việc ngăn US Steel về tay Nippon Steel là một điều hiếm hoi mà ông Trump có chung quan điểm với ông Biden. “Tôi không muốn US Steel rơi vào sở hữu của nước ngoài. Tất cả những gì Nippon Steel có thể làm là đầu tư vào đây”, ông Trump nói.
Dù vậy, hồi tháng 3, chính quyền ông Trump phát tín hiệu có thể cho phép thương vụ thâu tóm trên được diễn ra, sau khi tìm cách gia hạn một vụ kiện mà US Steel và Nippon Steel phản đối phán quyết của Ủy ban Đầu tư nước ngoài vào Mỹ (CFIUS) - cơ quan giám sát hoạt động đầu tư nước ngoài nhằm phát hiện các rủi ro liên quan tới an ninh quốc gia Mỹ.
Hồi tháng 4, CFIUS đã tiến hành rà soát vụ mua lại, và vào hôm thứ Tư tuần trước, cơ quan này đã gửi tới ông Trump một báo cáo về việc các đề xuất mà hai hãng thép đưa ra có giảm bớt rủi ro an ninh quốc gia hay không - theo Reuters. Cũng theo hãng tin này, Nippon đã tăng cam kết đầu tư vào hoạt động tại Mỹ lên 14 tỷ USD, trong đó có 4 tỷ USD xây một nhà máy thép mới ở Mỹ, nếu thỏa thuận được Mỹ phê chuẩn.
US Steel từng là một biểu tượng của sức mạnh công nghiệp Mỹ khi đạt tới vị trí công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới và là doanh nghiệp đầu tiên trong lịch sử đạt tới mốc vốn hóa 1 tỷ USD không lâu sau khi ra đời vào năm 1901. US Steel cũng có một vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ, và những chiếc ô tô, thiết bị, cầu cống và những tòa nhà chọc trời sử dụng thép do công ty này sản xuất chính là biểu hiện hữu hình của sức mạnh đó.
Tuy nhiên, US Steel đã trải qua nhiều thập kỷ đi xuống sau thời kỳ đỉnh cao hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai. Công ty này thậm chí không còn là nhà sản xuất thép lớn nhất của Mỹ, và là một nhà sử dụng lao động tương đối nhỏ, với khoảng 14.000 nhân viên ở Mỹ, trong đó có 11.000 người là thành viên của nghiệp đoàn Công nhân Thép Mỹ (USSU). Dù vậy, US Steel vẫn không phải là một công ty mà các chính trị gia thích nói về sự vĩ đại của nước Mỹ muốn chứng kiến rơi vào tay nước ngoài, nhất là khi trụ sở của công ty này đặt ở tiểu bang Pennsylvania - một bang có ý nghĩa quan trọng trong các cuộc bầu cử ở Mỹ.
Trong một tuyên bố hôm thứ Sáu gửi CNN, US Steel gọi ông Trump là “một nhà lãnh đạo và doanh nhân táo bạo”. “U.S. Steel sẽ vẫn là của Mỹ, và chúng tôi sẽ phát triển lớn mạnh hơn thông qua quan hệ đối tác với Nippon Steel. Mối quan hệ này sẽ mang lại khoản đầu tư lớn, công nghệ mới và hàng nghìn việc làm trong 4 năm tới”, tuyên bố viết.
Khả năng US Steel bị Nippon Steel thâu tóm đã gây ra sự phản đối dữ dội suốt thời gian qua từ phía nghiệp đoàn USSU. Tổ chức này cho biết họ lo ngại Nippon sẽ không duy trì cam kết lâu dài về việc làm tại các nhà máy có công nhân thuộc nghiệp đoàn. Trong một tuyên bố hôm thứ Năm, USSU nói nếu US Steel bị Nippon Steel mua lại, đó sẽ “là một thảm họa đối với công nhân nghành thép Mỹ, an ninh quốc gia Mỹ và tương lai của nền sản xuất Mỹ”.
“Từ tháng 1/2024, Tổng thống Trump đã hứa công khai rằng ông ấy sẽ chặn thỏa thuận này. Giờ đây chúng tôi kêu gọi ông hành động quyết đoán, đóng lại cánh cửa này một lần và mãi mãi để không có chuyện công nhân ngành thép Mỹ bị bán đứng và để bảo vệ nền sản xuất Mỹ”, tuyên bố viết.
Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Dave McCormick của bang Pennsylvania đã hoan nghênh quan hệ đối tác giữa US Steel và Nippon Steel, nói rằng thỏa thuận đó đảm bảo “US Steel vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ”, dù ông cũng cũng không nêu chi tiết về cách thức thực hiện thỏa thuận. Thống đốc Pennsylvania Josh Shapiro cũng ca ngợi quan hệ đối tác này, nói thêm rằng ông đã trực tiếp thảo luận về giao dịch này với Tổng thống Trump trong vài ngày qua.
“Trong suốt toàn bộ quá trình, tôi vẫn khẳng định rằng ưu tiên của tôi là duy trì và phát triển việc làm tại Pennsylvania và có được khoản đầu tư lớn nhất có thể”, ông Shapiro cho biết trong một tuyên bố vào hôm thứ Sáu.
Cổ phiếu US Steel đã tăng vọt 21% trong phiên ngày thứ Sáu sau khi sau khi có tin về thỏa thuận đối tác với Nippon Steel.