05:17 24/06/2015

"Không ngại gì mà không nói đến phúc quyết Hiến pháp”

Nguyên Vũ

Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, Quốc hội ban hành một đạo luật về trưng cầu ý dân

Quốc hội lưu ý là các quy định trong dự án luật này phải thiết kế quy định để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện của hệ thống chính trị, đặc thù và xã hội của đất nước, tránh việc lợi dụng quyền trưng cầu ý dân để gây ra những thiệt hại như quy định của dự thảo luật. <br>
Quốc hội lưu ý là các quy định trong dự án luật này phải thiết kế quy định để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện của hệ thống chính trị, đặc thù và xã hội của đất nước, tránh việc lợi dụng quyền trưng cầu ý dân để gây ra những thiệt hại như quy định của dự thảo luật. <br>
Chỉ chọn một vấn đề của Hiến pháp để đưa ra trưng cần ý dân, và đó là phúc quyết Hiến pháp, đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Trưng cầu ý dân của Quốc hội, chiều 23/6.

Trước phiên thảo luận, giải trình các ý kiến ở tổ liên quan đến quy định về phúc quyết Hiến pháp tại dự thảo luật, ban soạn thảo nêu rõ, Hiến pháp không quy định về việc phúc quyết Hiến pháp.

Quy định tại khoản 4 điều 120 của Hiến pháp: “Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định” được hiểu là trưng cầu ý dân về một hoặc một số vấn đề về hiến pháp hoặc về toàn văn Hiến pháp và việc này do Quốc hội quyết định, do vậy không nên có quy định riêng về phúc quyết Hiến pháp.

Nhấn mạnh quan điểm phúc quyết Hiến pháp là một trong những nội dung của trưng cầu ý dân, đại biểu Đồng Hữu Mạo phân tích, nội dung trưng cầu ý kiến rộng hơn phúc quyết Hiến pháp. Và theo ông, vấn đề phúc quyết Hiến pháp không phải là mới nữa, ngay Hiến pháp năm 1946 tại điều 21 có ghi là "nhân dân có quyền phúc quyết Hiến pháp".

“Nếu chúng ta đưa ra trong luật này về phúc quyết Hiến pháp cũng không trái với Hiến pháp năm 2013”, đại biểu Mạo quả quyết.

Vẫn theo vị đại biểu này thì khoản 4, điều 20 của Hiến pháp năm 2013 có nói việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp là do Quốc hội quyết định.

“Khi làm Hiến pháp 2013 thì chúng ta chưa có quy định về phúc quyết Hiến pháp, giả sử nếu có quy định này thì chúng ta cũng đưa phúc quyết Hiến pháp và Hiến pháp năm 2013 được nhân dân đồng ý. Cho nên, chúng ta không ngại gì mà không nói đến phúc quyết Hiến pháp”, ông Mạo nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) ngay phần đầu phát biểu cũng nhắc lại rằng ở Hiến pháp 1946, điều 21 nói rằng nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia.

Và chỉ theo Hiến pháp năm 1946 người dân mới có quyền và Nhà nước có nghĩa vụ trưng cầu ý dân. Còn những Hiến pháp về sau thì trưng cầu ý dân là quyền của Nhà nước, còn người dân chỉ có quyền biểu quyết khi được Nhà nước trưng cầu.

Ông Nghĩa cũng nói rõ là luật này phải dựa vào Hiến pháp năm 2013, theo đó thì Quốc hội có quyền quyết định cả về nội dung, cả thể thức, cả thủ tục và cả hiệu lực của việc trưng cầu ý dân.

Với lập luận này đại biểu Nghĩa đề nghị, trong Luật Trưng cầu ý dân nên có một chương riêng trưng cầu ý dân về Hiến pháp thì phải làm như thế nào?

Ví dụ, phải có nghị quyết Quốc hội quyết định trưng cầu về Hiến pháp, giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức…

Tương tự, đại biểu Nghĩa cho rằng, Luật Trưng cầu ý dân cũng phải quy định về quy trình trưng cầu ý dân riêng cho những vấn đề quan trọng. Quốc hội không thể trưng cầu những vấn đề ngoài thẩm quyền của mình. Vấn đề quan trọng là phải do Quốc hội trưng cầu, là vấn đề hệ trọng cho đa số nhân dân, cho vận mệnh của cả nước và cho tương lai của nhiều thế hệ, ông Nghĩa nói.

Bên cạnh các vấn đề cụ thể, ở góp ý chung, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Trưng cầu ý dân.

“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của Quốc hội nước ta, Quốc hội ban hành một đạo luật về trưng cầu ý dân để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng. Nhất là Nghị quyết 48 về chiến lược xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2020 và để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, thực hiện chủ quyền của nhân dân và quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói khi kết thúc phiên thảo luận.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, Quốc hội lưu ý là các quy định trong dự án luật này phải thiết kế quy định để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện của hệ thống chính trị, đặc thù và xã hội của đất nước, tránh việc lợi dụng quyền trưng cầu ý dân để gây ra những thiệt hại như quy định của dự thảo luật.