10:59 04/03/2016

Kịch bản chứng khoán Việt nếu Trung Quốc “hạ cánh cứng”

Duy Cường

“Rủi ro lớn nhất với thị trường chứng khoán Việt 2016 có lẽ không nằm ở bên trong”

TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Đầu tư kiêm Kinh tế trưởng Quỹ đầu tư Dragon Capital.
TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Đầu tư kiêm Kinh tế trưởng Quỹ đầu tư Dragon Capital.
“Rủi ro lớn nhất đối với thị trường chứng khoán Việt Nam 2016 có lẽ không nằm ở bên trong, mà ở những tác động tiêu cực có thể xảy ra từ thế giới”, TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Đầu tư kiêm Kinh tế trưởng Quỹ đầu tư Dragon Capital nói với VnEconomy, bên lề hội thảo về kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2016 với chủ đề “Tăng trưởng kinh tế và triển vọng đầu tư trong bối cảnh mới”, do Ban Kinh tế Trung ương và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức tại Tp.HCM hôm 3/3.

Kinh tế Trung Quốc có thể “hạ cánh cứng”


Nhiều chuyên gia đã dự báo về khả năng nền kinh tế Trung Quốc sẽ “hạ cánh cứng”, ông nhìn nhận khả năng này như thế nào?


Cơ cấu tăng trưởng của Trung Quốc trong 30 năm qua đã thay đổi lớn qua từng giai đoạn. Giai đoạn 10 năm gần đây, kinh tế Trung Quốc càng phụ thuộc vào đầu tư trong khi hiệu quả đầu tư vốn của Trung Quốc càng ngày càng tệ.

Khối kinh tế tư nhân lại đang vay nợ rất nhiều. Điều này dẫn đến tăng trưởng dựa vào đầu tư đã không có là cứu cánh của Trung Quốc.

Một nền kinh tế với tỷ lệ vay nợ cao, nợ xấu của khối ngân hàng đang tăng mạnh, và bất động sản đang có vấn đề, Trung Quốc sẽ không thể dùng Chính sách tiền tệ để hạn chế sự giảm tốc của nền kinh tế.

Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm lãi suất, tuy nhiên, việc giảm này sẽ không có tác dụng nhiều. Việc phá giá đồng Nhân dân tệ sẽ là một lựa chọn bắt buộc của Trung Quốc.

Chính sách tài khóa cũng sẽ rất khó có tác dụng đối với nền kinh tế Trung Quốc hiện tại. Nền kinh tế Trung Quốc đang dư thừa năng suất, cơ sở hạ tầng đã rất tốt. Thêm vào đó, các chính sách tài khóa phần lớn là thông qua doanh nghiệp nhà nước, trong khi hiệu quả đầu tư trong những năm gần đây của khối này càng tệ đi. Các điều này thực sự hạn chế tác động của chính sách tài khóa.

Sự chậm lại của nền kinh tế sẽ tương tác với chu kỳ bất động sản và làm nợ xấu ngân hàng lên rất nhanh. Điều này có thể sẽ đẩy nền kinh tế Trung Quốc “hạ cánh cứng” trong thời gian tới.

Tỷ giá danh nghĩa của Nhân dân tệ đã tăng khoảng 25% so với năm 2011. Điều này có nghĩa sự điều chỉnh Nhân dân tệ là một điều khó trách trong thời gian tới. Câu hỏi là sự điều chỉnh đó sẽ diễn ra như thế nào, và bao nhiêu?

Hai kịch bản

Ông nhìn nhận thế nào về thị trường chứng khoán Việt Nam 2016?

Việt Nam đang nổi lên là một điểm sáng trong số các nền kinh tế mới nổi với tốc độ tăng trưởng cao trên 6,5%. Hoạt động tái cấu trúc và mở cửa nền kinh tế cũng được đẩy mạnh thông qua việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do.

Bên cạnh đó, chính trị ổn định và nhất quán trong chính sách điều hành cũng là nền tảng cho giai đoạn tăng trưởng nhanh và ổn định sắp tới.

Tuy nhiên, 2016 cũng là năm đầu tiên các yếu tố vĩ mô quốc tế và trong nước bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu kém tích cực đầu tiên.

Trong chu kỳ kinh tế của riêng mình, Việt Nam cũng đã chứng kiến nhập siêu quay trở lại sau 3 năm. Lãi suất sau khi tạo đáy đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại. Tín dụng tăng cao hơn huy động và cung tiền M2 sẽ tạo thêm sức ép tăng lãi suất thời gian tới, tuy mức độ không đột biến.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chính thức tăng lãi suất và thu hẹp quy mô tài sản sẽ gây sức ép lên các kênh tài sản, đặc biệt là tài sản tài chính có độ nhạy cao với lãi suất. Đồng USD mạnh lên cũng gây sức ép phá giá cho hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có Nhân dân tệ và VND.

Tuy vậy, rủi ro lớn nhất đối với thị trường chứng khoán 2016 có lẽ không nằm ở nội tại nền kinh tế Việt Nam, mà ở những tác động tiêu cực có thể xảy ra từ thị trường tài chính thế giới và tốc độ đi xuống của kinh tế Trung Quốc.

Trong bối cảnh không còn tích cực một chiều, với kịch bản lạc quan, VN-Index sẽ tiếp tục duy trì kênh giá đi ngang 510 - 640 điểm và phân hóa.

Kịch bản không tích cực khi thị trường thế giới có những biến động mạnh, khối ngoại bán ròng kéo dài có thể khiến VN-Index không duy trì được đà tăng như 4 năm qua.

Ông dự báo thế nào về dòng vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay?

Dòng vốn vào Việt Nam nhiều hay ít tùy thuộc vào chính sách như Nhà nước có cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu hơn vào doanh nghiệp không? Hoạt động cổ phần hóa có đúng tiến độ không, IPO xong có chịu niêm yết đúng lộ trình không? Doanh nghiệp tư nhân có chịu niêm yết không?...

Dưới áp lực rút tiền khỏi các thị trường mới nổi và cận biên toàn cầu, dòng tiền đầu tư gián tiếp đã rút ròng khỏi Việt Nam trong nửa cuối 2015. Trong kịch bản FED tiếp tục tăng lãi suất khiến đồng USD tiếp tục mạnh và sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc sẽ khiến xu hướng này tiếp diễn trong năm 2016.

Tuy vậy, Việt Nam với những điểm sáng về kinh tế, đẩy mạnh thoái vốn và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cộng với khả năng nới room cho sở hữu nhà đầu tư nước ngoài có thể vẫn sẽ thu hút được các dòng vốn đầu tư dài hạn bù đắp cho nguồn vốn ngắn hạn rút ra.

Nhận diện rủi ro

Vậy ông nhìn nhận cơ hội - rủi ro của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay?

Nói về chứng khoán 2016, thay vì nói về tìm kiếm lợi nhuận ta nói về rủi ro lớn. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được định giá P/E khoảng 11 lần, trong quá khứ thời điểm xấu nhất (năm 2011) P/E khoảng 8-9 lần, do đó, rủi ro mất tiền không quá lớn do để PE từ 11 xuống 8-9 là rất khó trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Vậy cơ hội trong dài hạn là gì, thưa ông?

Nhìn về dài hạn, tôi cảm thấy phát triển của công nghệ trong vòng 5-10 năm tới sẽ mang lại những thay đổi và ảnh hưởng rất lớn đến các nước mới nổi. Công nghệ in 3-D, công nghệ robotic, Fintech đây đều là những thứ sẽ thay đổi bộ mặt của rất nhiều ngành nghề.

Ở Việt Nam chúng ta đã thấy tác động của Uber đối với ngành taxi, Airbnb mở ra một cách thức hoạt động mới cho khách sạn, hoạt động thanh toán, và công nghệ cũng tác động rất lớn lên ngành viễn thông.

Trước kia chúng ta nhắn tin cho nhau, điện thoại qua điện thoại thường, giờ chúng ta dùng Facebook, Skype. Những công nghệ đổi mới trong ngành xây dựng cũng và đang làm thay đổi ngành này.

Đây là tiềm năng nếu doanh nghiệp chúng ta theo kịp nhu cầu và sự thay đổi về công nghệ của thế giới. Tránh trường hợp chúng ta đang sản xuất cáp đồng, trong khi công nghệ chuẩn bị sử dụng là cáp quang.

Thêm một điểm nữa là chu kỳ kinh tế của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chu kỳ của hàng hoá, vật liệu. Đây sẽ tiếp tục là một điểm nhấn cho đầu tư trong thời gian tới.

Các nhà đầu tư nước ngoài trả giá rất cao để có thể tiếp cận được 93 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Do đó, ngành tiêu dùng và liên quan sẽ tiếp tục là điểm nhấn của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.