08:33 25/02/2023

Kiểm soát lạm phát theo mục tiêu

Đỗ Văn Huân

Đã 9 năm liền, trong đó đáng chú ý có năm 2022, Việt Nam đã kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Mục tiêu năm 2023, CPI tăng khoảng 4,5%. Kỳ vọng năm 2023 sẽ là năm thứ 10 liên tục kiểm soát lạm phát theo mục tiêu...

Sau mấy năm tăng cao, từ năm 2014 đến 2022, CPI đã tăng chậm lại và thường thấp hơn mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội. Có năm tăng rất thấp (như năm 2015, 2021); bình quân 9 năm chỉ tăng 2,83% - thấp tương đối xa so với  mục tiêu (4%). Đây được coi là một thành công trong thời gian tương đối dài.

Riêng năm 2022, kết quả này rất đáng quan tâm và cũng được coi là không ngờ trong bối cảnh một năm nhiều biến động khó lường.

NĂM 2022 - NĂM THỨ 9 LẠM PHÁT ĐƯỢC KIỂM SOÁT THEO MỤC TIÊU

Tốc độ tăng CPI bình quân năm từ 2010 đến nay được thể hiện ở biểu đồ 1.

Từ cuối năm 2021, một số chuyên gia đã cảnh báo về khả năng năm 2022 sẽ lạm phát cao vượt mục tiêu (thậm chí có thể lên 5,5%). Khi lạm phát ở nhiều nước trên thế giới ở mức cao nhất so với mấy thập kỷ trước và cao gấp nhiều lần định hướng (khoảng 2%), thì khó có thể tin rằng CPI bình quân năm của Việt Nam năm 2022 vẫn tiếp tục được cảnh báo, nhưng thực tế đã tăng thấp hơn mục tiêu (mặc dù mục tiêu của Việt Nam cao gấp đôi định hướng của nhiều nước).

Kiểm soát lạm phát theo mục tiêu - Ảnh 1

Theo cách tính (CPI bình quân năm và CPI tháng 12 năm nay so với tháng 12 năm trước - CPI sau một năm), có sự chênh lệch giữa 2 cách tính - tức là CPI bình quân năm tăng thấp hơn CPI sau một năm - tháng 12 năm nay so với tháng 12 năm trước (3,15% so với 4,55%). Điều đó chứng tỏ CPI bình quân năm đã loại bỏ bớt sự “lên/xuống” thất thường của các thời điểm (tháng) cuối năm; nhưng đối với gửi tiết kiệm, vay/trả nợ, thì thường sử dụng CPI thời điểm hơn là CPI bình quân; đồng thời cũng là tín hiệu để năm sau CPI bình quân sẽ cao hơn CPI thời điểm (như các năm 2011, 2012, 2013, 2014, 2017, 2018, 2020).

Theo thời gian (tháng sau so với tháng trước), CPI các tháng trong năm 2022 thể hiện ở biểu đồ 2.

Trong 12 tháng của năm 2022, có 5 tháng tăng thấp và giảm (tháng 1, tháng 4, tháng 8, tháng 10, tháng 12); có 7 tháng tăng cao, trong đó có 3 tháng tăng khá cao (tháng 2 có Tết Nguyên đán, tháng 3, tháng 6).

Theo nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, CPI sau 12 tháng và CPI bình quân năm nay so với năm trước thể hiện ở biểu đồ 3.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng (36,12%) - sau một năm tăng cao hơn tốc độ tăng bình quân (5,21% so với 2,55%). Đây là yếu tố quan trọng góp phần giảm áp lực đối với CPI chung. Trong nhóm hàng này, thực phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất (22,6%), sau một năm tăng cao hơn tốc độ bình quân năm (2,91%), góp phần lớn vào việc tăng thấp của CPI chung. Nhóm ăn uống ngoài gia đình (chiếm 9,06%) năm nay nhờ bỏ giãn cách đại dịch Covid-19, nên tăng khá cao và bình quân năm 2,44%.

Nhóm may mặc, giày dép và mũ nón (chiếm 6,37% tổng số) tăng thấp hơn tốc độ tăng chung ở cả 2 cách tính, trong đó bình quân tăng thấp; chủ yếu do cung vượt cầu ở trong nước với xuất khẩu đạt quy mô lớn.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (chiếm tỷ trọng khá cao 15,73%), tăng cao hơn tốc độ chung ở cách tính sau một năm, chủ yếu do giá vật liệu xây dựng tăng cao, bắt đầu từ sắt thép, xi măng, sau đến cát vừa hiếm, vừa đắt gấp đôi, nhưng do gần đây giá sắt thép, xi măng xuống, nên bình quân vẫn tăng thấp, chỉ bằng một nửa tốc độ tăng sau một năm.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình (chiếm 7,31%) tăng thấp hơn tốc độ tăng chung, trong đó bình quân tăng thấp sau một năm.

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế (chiếm 5,04% tổng số) tăng thấp ở cả 2 cách tính, trong đó bình quân cả năm chỉ tăng 0,49%. Giá nhóm này tăng thấp, chủ yếu do một thời gian khá dài người bệnh ít vào bệnh viện, giá thuốc theo bảo hiểm y tế thấp,…

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (chiếm 4,29% tổng số) tăng cao hơn CPI chung sau một năm, nhưng lại thấp hơn theo cách tính bình quân (3,1%).

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác (chiếm 3,3% tổng số) tăng thấp hơn tốc độ CPI chung, do người tiêu dùng hiện vẫn trong trạng thái tập trung cho các nhu cầu thiết yếu (như lương thực, thực phẩm), cho đi lại, du lịch...

Trong 11 nhóm, có 2 nhóm có CPI bình quân giảm: Bưu chính viễn thông (chiếm 2,89%) giảm ở cả 2 cách tính, trong đó bình quân giảm. Chủ yếu do mặt hàng này sản xuất nhiều, có kỹ thuật, công nghệ cao, xuất khẩu lớn, nhập khẩu lớn,…; Giáo dục (chiếm 5,99%) tăng khá cao sau một năm, nhưng bình quân tăng thấp, tuy nhiên giá có xu hướng tăng cao trong những tháng gần đây (tháng 9 tăng 5,84%, tháng 10 tăng 2,35%, tháng 12 tăng 0,32%).

Trong 11 nhóm, chỉ có một nhóm tăng cao hơn CPI chung. Giá giao thông (chiếm 9,37%) tăng thấp hơn ở cách tính sau một năm, nhưng tăng rất cao ở cách tính bình quân năm, do giá xăng dầu thế giới tăng và việc quản lý còn nhiều yếu kém,…

Kết quả kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của năm 2022 đạt được do nhiều yếu tố.

Thứ nhất, yếu tố tổng quát là quan hệ giữa tổng cung và tổng cầu. Quan hệ này được xét theo 2 giá (giá thực tế và giá so sánh).

Sản xuất GDP năm 2022 tính theo giá thực tế ước đạt 9513,3 nghìn tỷ đồng, tăng gần 12,2%, hay tăng 1033,6 nghìn tỷ đồng so với 2021, cao hơn tốc độ tăng và mức tăng của năm 2020 (tăng 4,38% và 397,2 nghìn tỷ đồng), năm 2021 (tăng 5,36% và tăng 435,7 nghìn tỷ đồng); cao hơn tốc độ tăng 9,96% và mức tăng 698,2 nghìn tỷ đồng của năm 2019 so với năm 2018 - là năm tăng trưởng cao trước đại dịch.

GDP năm 2022 tính theo giá so sánh ước đạt 5545,7 nghìn tỷ đồng, hay tăng 411,8 nghìn tỷ đồng so với năm 2021 - cao hơn so với tốc độ tăng và mức tăng của năm 2020 (tăng 2,87%, hay tăng 139,5 nghìn tỷ đồng), năm 2021 (tăng 2,56% hay tăng 128,2 nghìn tỷ đồng); cao hơn tốc độ tăng và mức tăng của năm 2019 so với năm 2018 (tăng 7,36%, hay tăng 333,6 nghìn tỷ đồng).

Như vậy, dù tính theo giá thực tế hay tính theo giá so sánh, dù tính tốc độ tăng hay mức tăng, thì cung ở trong nước (GDP sản xuất) năm 2022 cũng tăng cao, thể hiện sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Trong khi tăng trưởng và quy mô GDP ở trong nước tăng cao, thì tổng cầu ở trong nước tăng có những biểu hiện đáng lưu ý.

Xét theo sử dụng GDP, trong khi GDP theo giá so sánh năm 2022 tăng 8,02%, hay tăng 411,8 nghìn tỷ đồng, thì tích lũy tài sản chỉ tăng 5,75%, hay tăng 110,6 nghìn tỷ đồng, còn tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 7,18%, hay tăng 241,4 nghìn tỷ đồng. Cộng 2 khoản này tăng 6,66%, hay tăng 352 nghìn tỷ đồng - đều thấp hơn các con số tương ứng của GDP. Do vậy hàng hóa đã xuất siêu, dịch vụ nhập siêu.

Tích lũy tài sản là tiền đề của đầu tư, mà đầu tư là yếu tố trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế. Hiệu quả đầu tư năm nay tăng khá, khi hệ số ICOR giảm chỉ còn khoảng trên dưới 6 lần so với 2 năm trước (2020 là 14,27 lần, 2021 là 15,54 lần) và đây là yếu tố quan trọng góp phần làm giảm áp lực đối với lạm phát. Tuy nhiên, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP năm 2022 đạt 33,8% - thấp hơn so với nhiều năm trước (2016 là 34,17%, 2017 là 35%, 2018 là 34,62%, 2019 là 34,65%, 2020 là 34,85%, 2021 là 34,1%, bình quân thời kỳ 2016-2021 là 34%)...

Quý vị độc giả có thể đặt mua ấn phẩm Kinh tế 2022-2023: Việt Nam và Thế giới tại đây.

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Kiểm soát lạm phát theo mục tiêu - Ảnh 2