09:38 01/06/2022

Kiên Giang cảnh báo “tín dụng đen” trá hình hỗ trợ tín dụng

Mộc Minh

Lợi dụng kẽ hở pháp luật, một số đối tượng cho vay nặng lãi thông qua hợp đồng mua bán tài sản, cho thuê tài sản… gây khó khăn khi chứng minh hành vi cho vay lãi suất cao…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Báo cáo số 146 Sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Theo đó, từ năm 2019 đến năm 2022, tình hình các nhóm, cá nhân đối tượng từ ngoài tỉnh đến Kiên Giang hoạt động dưới các loại hình doanh nghiệp hỗ trợ tài chính, cơ sở kinh doanh, dịch vụ cầm đồ, cho thuê ô tô, xe máy từng bước được kiềm chế, nhưng vẫn còn phức tạp.

Hiện nay, trên toàn tỉnh Kiên Giang phát hiện 63 cơ sở dịch vụ cầm đồ, 07 cơ sở kinh doanh tài chính, 166 cá nhân chuyên cho vay không thế chấp tài sản, hoạt động “tín dụng đen” trá hình dưới hình thức cơ sở dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tín dụng.

Các loại hình doanh nghiệp đăng ký thành lập như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty tư vấn tài chính, dịch vụ đáo nợ ngân hàng… Thậm chí, một số đối tượng lợi dụng kẽ hở pháp luật để cho vay nặng lãi thông qua hợp đồng mua bán tài sản, cho thuê tài sản… nhằm tránh việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng.

Trong hợp đồng vay có soạn sẵn nhưng rất sơ sài, các điều khoản trong hợp đồng cho vay có nhiều điều kiện khó hiểu, không thể hiện lãi suất, chỉ thể hiện rõ số tiền phải trả và kèm theo một hợp đồng phụ “Giấy bán xe gắn máy”, “Giấy thuê mượn xe gắn máy”… nếu người vay không trả được nợ có thể dùng hợp đồng đã giao kết để tố cáo, yêu cầu cơ quan chức năng xử lý người vay.

Hiện nay, nhiều ứng dụng trên thiết bị di động, internet cho vay nhanh, gọn, không cần thế cháp, chỉ thực hiện các thao tác theo hướng dẫn, sau đó đến các ngân hàng rút tiền ngay trong ngày.

Người vay chỉ trả góp hằng ngày qua chuyển khoản, chuyển tiền nhanh, cửa hàng thế giới di động… Đã phát hiện nhiều người dân vay các ứng dụng này, do cách tính lãi suất không rõ ràng, người dân mất khả năng chi trả thì người vay và cả những người thân của người vay bị gọi điện đe doạ, đưa hình ảnh người vay lên mạng xã hội để khủng bố tinh thần, nhằm ép người vay trả nợ.

Đoàn công tác liên ngành của UBND tỉnh Kiên Giang đã tiến hành kiểm tra hành chính các cơ sở cầm đồ, cho vay, dịch vụ hỗ trợ tài chính… đã phát hiện 02 cơ sở có dấu hiện hoạt động “tín dụng đen”.

Qua kiểm tra đã thu giữ 40 hồ sơ vay vốn, người vay có địa chỉ trong tỉnh, kết quả xác minh 32/40 hồ sơ vay vốn chỉ có 18 hồ sơ người vay được nhận tiền của các công ty tài chính, ngân hàng, như: MCredit, Mirae, FE Credit, VPBank, TPBank… Sau khi hoàn tất thủ tục vay, người vay được nhận tiền tại các công ty tài chính, ngân hàng nêu trên ở TP. Rạch Giá hoặc các điểm thu tiền, như: Điện máy xanh, Thế giới di động, Bưu điện… trả nợ vay bằng hình thức trả góp.

Qua làm việc với các chủ cơ sở này chưa đủ cơ sở kết luận về vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”, bước đầu xử lý hành vi không có giấy phép kinh doanh và yêu cầu 2 cơ sở tháo gỡ biển hiệu, quảng cáo.

Hoạt động “tín dụng đen” thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn: công ty, băng nhóm, dịch vụ cầm đồ cá nhân… và đa số các đối tượng cho vay đều là người từ tỉnh, thành khác đến thường xuyên thay đổi… Các hợp đồng thoả thuận cho vay không thể hiện lãi suất công khai trên giấy tờ, thường làm hợp đồng uỷ quyền mua bán, cho thuê xe mô tô để đảm bảo khoản vay, nên gây khó khăn khi chứng minh hành vi cho vay lãi suất cao.

Thông tin tại hội nghị “Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022”,  do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức ngày 29/5/2022, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết năm 2017, ngành ngân hàng đã đi khảo sát thực tế và thấy được rất nhiều câu chuyện đau lòng về “tín dụng đen”. Từ đó, ngành ngân hàng cũng nhận thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề này, nếu như làm tốt cung ứng vốn sẽ hạn chế được tín dụng đen.

Cho rằng việc chống “tín dụng đen” phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân và cơ quan chức năng. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu việc sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hỗ trợ thẩm định hồ sơ vay vốn, đánh giá các thông tin cơ bản của người vay, giúp người dân có thể vay vốn ngân hàng thuận tiện hơn.

“Quốc hội cùng Chính phủ đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách giảm khó khăn, trong đó có chính sách phục hồi kinh tế xã hội sau dịch Covid-19. Về mặt chính sách rất rõ, nhưng về mặt tổ chức thực hiện, tiếp cận vốn còn khó khăn, thế chấp và tín chấp còn vướng mắc, đề nghị ngân hàng xem xét thêm làm sao giải quyết cho phù hợp tình hình”, Thủ tướng cũng nhấn mạnh.