Kiến nghị xem xét lại cách tính lương hưu đối với thợ lò để được hưởng 75%
Nếu để được hưởng mức lương hưu 75%, với thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội 35 năm, thì người lao động làm công việc khai thác than hầm lò phải đi làm từ năm 17 tuổi, song thực tế cho thấy người lao động trên 50 tuổi đã rất khó (thợ lò nghỉ hưu ở tuổi 52), theo Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam...
Gửi tham luận đến Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 – 2028, nhiều công đoàn ngành kiến nghị bổ sung một số ngành nghề vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại để người lao động được hưởng chế độ nghỉ hưu sớm so với tuổi nghỉ hưu quy định, đồng thời đảm bảo mức lương hưu đủ sống.
THU HÚT, TUYỂN DỤNG LAO ĐỘNG KHAI THÁC THAN HẦM LÒ NGÀY CÀNG KHÓ KHĂN
Tham luận đến Đại hội, Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, hiện đơn vị này đang trực tiếp quản lý 65 công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn cơ sở trực thuộc, với trên 96.000 đoàn viên.
Đặc thù ngành nghề, phần lớn lực lượng lao động của TKV hàng ngày làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc độc hại, nguy hiểm, nhiều nguy cơ xảy ra mất an toàn, suy giảm sức khỏe người lao động.
Đơn cử như trong khai thác mỏ hầm lò, hiện nay hầu hết các mỏ đều khai thác dưới mức – 150m đến – 300m so với mực nước biển (cá biệt như Công ty Than Hạ Long đang khai thác ở mức – 500m so với mực nước biển), rất khó khăn cho công tác bơm thoát nước, thông gió mỏ, vận tải, đi lại, điều kiện lao động hiếm khí, không gian làm việc chật hẹp. Bên cạnh đó, có nhiều nguy cơ gây mất an toàn như cháy nổ khí, phụt khí, bục nước, sập đổ lò...
Trong khai thác mỏ lộ thiên đang thực hiện xuống sâu dưới đáy tầng than công nghệ khai thác mỏ, hệ số bóc đất đá lớn, cung độ vận chuyển xa (cá biệt như Công ty Than Cọc Sáu đã khai thác ở mức – 300m so với mực nước biển là moong khai thác lộ thiên sâu nhất khu vực Đông Nam Á), có rất nhiều nguy cơ về trượt lở tầng, nổ mìn, khí, bụi...
Bên cạnh đó, các đơn vị khai thác khoáng sản, luyện kim, sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, sản xuất điện, cơ khí có nhiều nguy cơ về điện giật, độ ồn, rung, nóng, hóa chất độc hại, bức xạ nhiệt...Vì thế, việc thu hút, tuyển dụng lao động ngày càng khó khăn.
Hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam có 807 nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm.
Trong đó riêng khai thác khoáng sản là 108 nghề, công việc, được quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTB&XH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Tổng số công nhân lao động đang được hưởng chế độ bồi dưỡng độc hại là 74.238 người (chiếm 77,3% tổng số lao động của Tập đoàn). Tổng số lao động thường xuyên làm việc trong hầm lò hằng ngày là 31.252 người (trong đó có 29.619 lao động thợ lò và cơ điện lò; 1.633 lao động vận tải, phục vụ).
Theo Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, tình hình tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp của người lao động trong những năm 2013 – 2018 diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, số người người mắc bệnh nghề nghiệp ở mức cao.
Song với nhiều giải pháp, biện pháp đảm bảo an toàn lao động được triển khai, số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng giai đoạn 2018 – 2023 giảm trên 28,8%; số người mắc bệnh nghề nghiệp đã được giảm hàng năm. Hiện nay toàn Tập đoàn có 655 người được cấp sổ bệnh nghề nghiệp, giảm 217 người so với đầu nhiệm kỳ.
ĐẢM BẢO MỨC LƯƠNG HƯU ĐỦ SỐNG
Với đặc thù lao động của ngành, Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét sửa đổi công thức tính lương hưu đối với người lao động làm việc trong hầm lò để hưởng lương hưu mức tối đa 75%.
Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam dẫn thông tin theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, đến năm 2028 lao động nam làm việc trong điều kiện bình thường nghỉ hưu ở tuổi 62, và thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu 75% là 35 năm.
Tại Điều 7, Nghị định 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính Phủ quy định tuổi nghỉ hưu của người làm công việc khai thác than hầm lò giảm 10 tuổi so với quy định (tức là nghỉ hưu ở tuổi 52).
Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam cho rằng, như vậy, nếu để được hưởng mức lương hưu 75%, với thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội 35 năm, thì người lao động phải đi làm từ năm 17 tuổi. Trong khi thực tế cho thấy người lao động trên 50 tuổi rất khó.
Cũng quan tâm đến vấn đề tuổi nghỉ hưu và chế độ lương hưu của người lao động, Công đoàn Dệt may Việt Nam đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm cơ sở xét điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động, trong đó có lao động nữ.
Đồng thời, phân loại hợp lý nhóm lao động trực tiếp, lao động làm công việc nặng nhọc độc hại, để người lao động, lao động nữ được nghỉ hưu sớm hơn so với lộ trình tuổi quy định nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn lao động.
Bên cạnh đó, Công đoàn Dệt may cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan kết nối các ngành nghề phù hợp với từng lứa tuổi, để khi đã hết tuổi nghề ở những công việc nặng nhọc, các Trung tâm dịch vụ việc làm có thể giới thiệu họ làm những công việc phù hợp. Qua đó, giúp họ có thêm thu nhập và tham gia bảo hiểm xã hội, khi về hưu có mức lương đủ sống.