17:00 16/05/2022

Kinh phí hạn hẹp, quản lý, bảo trì hệ thống đường giao thông nông thôn gặp khó

Ánh Tuyết

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các địa phương rà soát công tác quản lý, bảo trì, vận hành hệ thống đường giao thông nông thôn hơn 540.000 km và đánh giá các tồn tại, bất cập để có giải pháp đảm bảo giao thông luôn thông suốt, an toàn, êm thuận...

Nhiều khó khăn trong duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường giao thông nông thôn như kinh phí hạn hẹp, năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quản lý, bảo trì...
Nhiều khó khăn trong duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường giao thông nông thôn như kinh phí hạn hẹp, năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quản lý, bảo trì...

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường thực hiện công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường địa phương.

Công tác quản lý bảo trì đường giao thông nông thôn thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Để chuẩn bị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để tổ chức thực hiện. Trong đó đề nghị ưu tiên các nguồn lực để thực hiện các chỉ tiêu thuộc Tiêu chí số 2 về giao thông nông thôn.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành giao Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan liên quan rà soát công tác quản lý, bảo trì, vận hành khai thác hệ thống đường bộ địa phương, đánh giá các tồn tại, bất cập để có giải pháp xử lý đảm bảo giao thông luôn thông suốt, an toàn, êm thuận.

Đồng thời, "nghiên cứu xây dựng Đề án đổi mới công tác quản lý, bảo trì và vận hành khai thác trên hệ thống đường bộ địa phương để đáp ứng yêu cầu phát triển", Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị.

Tổng cục Đường bộ cũng lưu ý, cần chú trọng kiện toàn đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ địa phương. Thường xuyên tổ chức tập huấn, cập nhật các quy định mới của pháp luật có liên quan đến công tác quản lý, bảo trì đường bộ đặc biệt là công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường giao thông nông thôn cho cán bộ cấp xã, cấp huyện.

Đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác quản lý, bảo trì đường bộ phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội và điều kiện tự nhiên của địa phương.

Để công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường địa phương được thuận lợi và đúng quy định pháp luật, Tổng cục Đường bộ cũng giới thiệu các quy định của pháp luật hiện hành về công tác bảo trì đường giao thông nông thôn để tiện tra khảo, thực hiện.

Cụ thể, việc bảo trì đường giao thông nông thôn được thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng gồm Điều 126 và các điều khoản khác có liên quan.

Ngoài ra, còn được thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải tại các văn bản, tài liệu sau: Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 41/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021...

Theo đó, địa phương thực hiện kế hoạch bảo trì, thực hiện kiểm tra, quan trắc, kiểm định, bảo dưỡng, sửa chữa, đánh giá an toàn công trình đường bộ, quản lý chất lượng bảo trì, thực hiện bảo trì công trình đường bộ chưa có quy trình.

Xử lý đối với công trình có dấu hiệu không đảm bảo an toàn. Xử lý công trình hết thời hạn sử dụng. Hướng dẫn xác định chi phí quản lý vận hành và bảo trì công trình, đặc biệt là vấn đề chi phí bảo dưỡng thướng xuyên và các chi phí khác liên quan đến bảo trì.

Toàn bộ hệ thống đường giao thông nông thôn, bao gồm từ đường huyện trở xuống có tổng chiều dài hơn 540.000 km.

 

Nguồn vốn Bộ Giao thông vận tải huy động để triển khai các chương trình, đề án, dự án là 12.707 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA, đối ứng của Chính phủ và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân bằng hình thức xã hội hóa; phần lớn từ nguồn vốn do các địa phương huy động là 353.539 tỷ đồng...

Tổng kết gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới vừa qua, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, giao thông nông thôn toàn quốc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cụ thể, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và bảo trì sửa chữa đường giao thông nông thôn được 345.897km, trong đó, xây dựng mới 76.414 km; cải tạo nâng cấp 130.329 km; bảo trì, khôi phục 139.155 km. Đồng thời, xây dựng mới, sửa chữa, bảo trì được 31.364 cầu, 125.639 cống.

Vận động làm đường đã khó, quản lý, sử dụng đường hiệu quả còn khó hơn. Thời gian tới, UBND các địa phương phải cân đối ngân sách, bổ sung thêm kinh phí bảo trì đảm bảo chi phí duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn.

Tuy nhiên, nhu cầu về đầu tư xây dựng, bảo dưỡng, bảo trì sửa chữa cần lượng kinh phí lớn, nhưng thu ngân sách của các địa phương nhỏ, thu nhập người dân ở nhiều khu vực còn thấp, dẫn đến lo ngại việc huy động sự đóng góp của người dân còn hạn chế.