Mặc lãi suất tăng, lạm phát ở châu Âu vẫn cao chưa từng thấy
Đây là tháng thứ 12 liên tiếp lạm phát ở Eurozone lập kỷ lục, đưa tốc độ tăng giá tiêu dùng trong khu vực lên cao gấp hơn 5 lần so với mục tiêu lạm phát 2% mà ECB đề ra...
Lạm phát ở khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone) tăng lên mức cao kỷ lục 10,7% trong tháng 10, gây sức ép đòi hỏi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục tăng lãi suất, bất chấp tăng trưởng kinh tế quý 3 sụt giảm mạnh.
Theo tờ Financial Times, mức lạm phát nói trên tăng tốc từ mức 9,9% ghi nhận trong tháng 9, vốn dĩ đã là mức cao nhất trong 23 năm lịch sử của đồng Euro.
Đỉnh cao lạm phát mới, được báo cáo vào ngày 31/10 bởi cơ quan thống kê Eurostat của Uỷ ban châu Âu (EC), thậm chí vượt xa mức dự báo 10,2% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Đây là tháng thứ 12 liên tiếp lạm phát ở Eurozone lập kỷ lục, đưa tốc độ tăng giá tiêu dùng trong khu vực lên cao gấp hơn 5 lần so với mục tiêu lạm phát 2% mà ECB đề ra.
Chuyên gia kinh tế Claus Vistesen của Pantheon Macroeconomics nói rằng dữ liệu lạm phát mới nhất là “một cơn ác mộng Hallowen đối với ECB”.
Lãi suất thực ở Eurozone vẫn đang chìm sâu trong trạng thái âm. Mới tuần trước, ECB nâng lãi suất chính sách danh nghĩa thêm 0,75 điểm phần trăm lên mức 1,5% để chống lại tình trạng lạm phát mà chính ECB đánh giá là “quá cao”. ECB cũng nói có thể sẽ triển khai thêm những đợt tăng lãi suất nữa, bất chấp nền kinh tế Eurozone đang ngấp nghé bờ vực suy thoái.
Số liệu do Eurostat công bố ngày 31/10 cũng cho thấy nền kinh tế khu vực tiếp tục yếu đi. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) chỉ tăng 0,2% trong quý 3 so với quý 2. Mức tăng này nằm trong dự báo, nhưng đã giảm mạnh so với mức tăng 0,8% ghi nhận trong quý 2.
Trong đó, kinh tế Đức tăng tốc nhẹ, nhưng Pháp, Italy và Tây Ban Nha đều chứng kiến sự giảm tốc mạnh mẽ.
Ông Ken Wattret, trưởng bộ phận phân tích kinh tế châu Âu của S&P Global Market Intelligence, dự báo “những trở ngại liên quan đến năng lượng đối với hoạt động kinh tế trong mùa đông” sẽ dẫn tới một “đợt suy thoái ngắn nhưng sâu”. Ông cho rằng trong đợt suy thoái đó, GDP của Eurozone sẽ giảm khoảng 1% trong vòng 3 tháng cuối cùng của năm nay và quý đầu tiên của năm tới.
Sau khi nâng lãi suất vào hôm thứ Năm tuần trước, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói rằng ngân hàng trung ương này đã “đạt tiến bộ lớn” trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ và nguy cơ xảy ra suy thoái đang lớn hơn bao giờ hết. Giới đầu tư xem đây là một chỉ báo rằng ECB có thể sớm tăng lãi suất với tốc độ chậm lại.
Lo ngại nhà đầu tư vui mừng quá sớm, ECB đã cố gắng ngăn ý tưởng cho rằng ECB sắp chuyển sang một lập trường mềm mỏng hơn. Trong một chương trình phát thanh của đài RTE vào hôm thứ Sáu, bà Lagarde nói rằng “chống lạm phát là phương châm, là nhiệm vụ, là sứ mệnh của chúng tôi”.
Lạm phát cao hơn dự kiến ở Eurozone, bất chấp giá bán buôn năng lượng giảm mạnh ở thị trường khu vực trong những tuần gần đây, có thể khiến cho ECB khó sớm tính đến chuyện giãn tiến độ tăng hoặc tạm dừng tăng lãi suất.
Ông Klaas Knot, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Hà Lan, một thành viên Hội đồng Thống đốc ECB, nói trên truyền hình nước này hôm Chủ nhật rằng có khả năng ECB tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong cuộc họp vào tháng 12, cho dù nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng lớn.
Dữ liệu từ Eurostat cho thấy giá năng lượng ở Eurozne tăng 41,9% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 40,7% trong tháng 9. Lạm phát lõi, không tính đến giá năng lượng và thực phẩm, là 5% trong tháng 10, từ mức 4,8% của tháng 9.
Trong số 19 quốc gia thành viên Eurozone, có 11 nước có lạm phát ở mức 2 con số trong tháng 10. Tại 3 nước vùng Baltic, lạm phát giữ trên ngưỡng 20%. Tuy nhiên, lạm phát đã dịu đi ở khoảng một nửa số thành viên của khối.
Nền kinh tế Mỹ đang thể hiện sự vững vàng hơn so với nhiều nền kinh tế thuộc hàng lớn nhất châu Âu, với mức tăng trưởng 2,6% trong quý 3. Cùng kỳ, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 3,9%.