Kinh tế Đức rơi vào suy thoái sau cú sốc năng lượng
Đức đã rơi vào suy thoái, khi cú sốc mà khủng hoảng năng lượng gây ra trong năm ngoái khiến người tiêu dùng nước này phải “thắt lưng buộc bụng”...
Số liệu do Văn phòng Thống kê Liên bang Đức công bố ngày 25/5 cho thấy nền kinh tế lớn nhất châu Âu giảm 0,3% trong quý 1 năm nay, sau khi giảm 0,5% trong quý 4 năm ngoái. Hai quý giảm liên tiếp của tổng sản phẩm trong nước (GDP) đáp ứng định nghĩa một cuộc suy thoái kỹ thuật.
Đây là số liệu cuối cùng về GDP quý 1 của Đức. Trong lần công bố sơ bộ trước đó, số liệu cho thấy kinh tế Đức quý 1 đi ngang so với quý 4.
“Tình trạng giá tăng cao dai dẳng tiếp tục là một gánh nặng đối với kinh tế Đức vào đầu năm nay. Điều này được phản ánh đặc biệt rõ trong chi tiêu cuối cùng của các hộ gia đình. Tiêu dùng đã giảm 1,2% trong quý 1”, báo cáo của cơ quan thống kê cho biết.
Trong một báo cáo được hãng tin CNN trích dẫn, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Eurozone của công ty nghiên cứu Pantheon Macroeconomics, ông Claus Vistesen, nói rằng tiêu dùng ở Đức trong quý 1 bị kìm hãm bởi “cú sốc giá năng lượng”.
Giá năng lượng ở châu Âu đã tăng mạnh kể từ khi nổ ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine, có lúc giá khí đốt ở khu vực này lập kỷ lục mọi thời đại vào mùa hè năm ngoái. Nga đã siết van các đường ống khí đốt cung cấp cho châu Âu, khiến Đức phải công bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng.
Gần đây, giá khí đốt ở châu Âu liên tục giảm mạnh, hiện tại đã về mức thấp nhất kể từ cuối năm 2021, giải toả áp lực lạm phát đối với túi tiền của người tiêu dùng. Tỷ lệ lạm phát cả năm ở Đức đã giảm trong tháng 4 vừa qua, nhưng còn cao 7,2%.
“Chúng tôi cho rằng tiêu dùng hiện đang khởi sắc khi lạm phát dịu đi. Chúng tôi hoài nghi về việc GDP sẽ tiếp tục giảm trong những quý tới, nhưng cũng không cho rằng sẽ diễn ra sự phục hồi mạnh mẽ”, ông Vistesen viết trong báo cáo.
Trong một dấu hiệu cho thấy suy thoái kinh tế ở Đức có thể sớm kết thúc, các cuộc khảo sát được công bố kết quả trong tuần này cho thấy hoạt động kinh tế ở Đức đã tăng lên trong tháng 5, bất chấp sự sụt giảm của lĩnh vực sản xuất.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz miêu tả triển vọng của nền kinh tế là “rất tốt”, đề cập đến các biện pháp mà Chính phủ của ông đã triển khai trong những tháng gần đây để đẩy mạnh sản xuất năng lượng tái sinh và thu hút lao động nước ngoài.
“Đang có nhiều dự án đầu tư ở Đức trong các lĩnh vực pin và đóng tàu… Bởi vậy, chúng tôi có thể tự tin”, ông Scholz nói tại một cuộc họp báo ở Berlin.
Tuy nhiên, nhà kinh tế cấp cao Franziska Palmas của công ty nghiên cứu Capital Economics dự báo kinh tế Đức sẽ tiếp tục suy giảm trong quý 3 và quý 4.
Trong một báo cáo, bà Palmas cho rằng lãi suất tăng - điều cần thiết để chống lạm phát - sẽ tiếp tục gây áp lực giảm lên cả tiêu dùng và đầu tư, và xuất khẩu của Đức có thể cũng phải “chịu trận” vì nhu cầu suy yếu ở các nền kinh tế phát triển khác.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Đức, sau Mỹ. Xuất khẩu ô tô của Đức sang Trung Quốc đã giảm 24% trong quý 1.
Tuy nhiên, cuộc suy thoái của kinh tế Đức trong 2 quý vừa qua là suy thoái nông, cho dù các nhà dự báo kinh tế hàng đầu trước đó đã đưa ra dự báo ảm đạm hơn nhiều. Hồi tháng 4/2022, một báo cáo của 5 viện kinh tế ở Đức cho rằng GDP của nước này sẽ giảm 2,2% trong năm nay nếu nguồn cung khí đốt Nga bị cắt hoàn toàn.
Hồi tháng 8 ngoái, Nga đóng cửa đường ống Nord Stream 1, dòng chảy khí đốt chính từ Nga sang Đức, vì lý do bảo trì và sau đó tuyên bố khoá van vô thời hạn.
Theo dự báo mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Đức sẽ giảm 0,1% trong năm nay.