Lãi suất liên ngân hàng nhiều nguy cơ đối diện với áp lực lớn
Tín dụng duy trì mở rộng và nghiệp bị bán USD của Ngân hàng Nhà nước là những yếu tố gây áp lực tăng lên lãi suất liên ngân hàng...
Tuần qua (2/5-6/5), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo quyết định nâng lãi suất chính sách thêm 0,5%, mức tăng lớn nhất trong 22 năm.
Bên cạnh đó, FED cũng công bố kế hoạch thu hẹp bảng cân đối tài sản kể từ tháng 6/2022, ở mức 47,5 tỷ USD/tháng và tăng lên mức 95 tỷ USD/tháng kể từ tháng 9/2022, động thái được cho là thắt chặt bớt lượng cung tiền thông qua hút tiền về.
Không chỉ FED, Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) cũng đang phát tín hiệu sẽ sớm thắt chặt chính sách tiền tệ của mình trong mùa hè này. Đồng thời, thông điệp chính của Ngân hàng trung ương Anh cũng không mấy tích cực, khi nhìn nhận lạm phát ở nước này có thể tăng lên mức 10% trước khi hạ nhiệt.
Với các diễn biến trên, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm tăng thêm 0,08 điểm phần trăm để vọt qua mức 3%/năm và hiện đang ở mức cao nhất kể từ tháng 11/2018. Chỉ số DXY đo sức mạnh “đồng bạc xanh” cũng duy trì đà đi lên với mức tăng 0,5%. Theo đó, hầu hết các đồng tiền khác hầu như đều ghi nhận giảm so với USD.
Tuy nhiên, trái với xu hướng chung, VND hầu như đi ngang trong tuần qua; thậm chí, giá USD tại một số thị trường còn quay đầu giảm. Yếu tố hỗ trợ VND chủ yếu đến từ nguồn cung USD dồi dào.
Cụ thể, cán cân thương mại ước tính xuất siêu 2,5 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm và FDI giải ngân đạt 5,9 tỷ USD. Bên cạnh đó, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM cũng cho thấy dòng tiền kiều hối tích cực trong quý 1/2022 (đạt 1,8 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ).
Đặc biệt, với mức dự trữ ngoại hối trên 110 tỷ USD, các đợt chào bán USD kỳ hạn từ phía Ngân hàng Nhà nước cũng đang phát huy tác dụng làm giảm dịu thanh khoản USD trong hệ thống các tổ chức tín dụng.
Hiện tại, khối lượng chào bán USD được nhà điều hành căn chỉnh rất tốt. Thể hiện rõ nhất ở diễn biến lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm nhiệt xuống dưới mức 2%/năm. Tức dù bị rút ròng VND qua nghiệp vụ bán USD của Ngân hàng Nhà nước nhưng thanh khoản tiền VND vẫn tốt, nên lãi suất vay mượn giữa các thành viên liên ngân hàng giảm.
Song giới chuyên môn cho rằng, diễn biến lãi suất liên ngân hàng rất khó để duy trì mặt bằng hiện tại. Bởi như đã nói, xu hướng “tiền rẻ” trên thế giới đã chấm dứt khi các ngân hàng trung ương tuyên bố nâng lãi suất và Việt Nam cũng khó để đi ngược xu hướng. Ngoài ra, khi USD tiếp tục duy trì đà tăng giá thì việc Ngân hàng Nhà nước bán USD để ổn định sẽ gây áp lực lên thanh khoản VND, kéo theo lãi suất đi lên.
Theo giới phân tích tài chính, trong tháng 5/2022 nhiều khả năng cầu tín dụng duy trì tốt (4 tháng đầu năm tín dụng tăng 6,75% so với cuối 2021). Bên cạnh đó, khoảng 3.100 tỷ đồng được các ngân hàng vay mượn trên thị trường mở (OMO) cũng sẽ quay lại “kho” của Ngân hàng Nhà nước trong tuần này.
Trong bối cảnh tín dụng duy trì tăng, đồng thời nghiệp vụ bán USD của Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục thực hiện sẽ tác động tới thanh khoản VND trong hệ thống. Ngoài ra, một lượng lớn tín phiếu đến hạn thanh toán vào ngày 13/5 có thể tạo áp lực thanh khoản và ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất liên ngân hàng.