Lạm phát châu Âu giảm tốc, ECB chưa hết lo
Lạm phát dai dẳng trong lĩnh vực dịch vụ có thể sẽ khiến ECB phải thận trọng với việc giảm thêm lãi suất trong thời gian tới...
Tốc độ lạm phát ở khu vực eurozone giảm còn 2,5% trong tháng 6, nhưng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn lo ngại, vì lạm phát giá dịch vụ còn cao dù giá năng lượng và thực phẩm tươi sống đã suy yếu.
Số liệu do cơ quan thống kê Eurostat công bố ngày 2/7 cho thấy lạm phát tại khu vực gồm 20 nền kinh tế thành viên trong tháng 6 là 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với dự báo mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters và giảm tốc từ mức 2,6% ghi nhận trong tháng 5.
Việc lạm phát giảm tốc trở lại sau khi bất ngờ tăng tốc trong tháng 5 là một tin vui đối với ECB, nhất là khi cơ quan này đã bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng trước dựa trên kỳ vọng rằng lạm phát sẽ giảm về mục tiêu 2% vào năm 2025.
Tuy nhiên, theo tờ Financial Times, giới chức ECB tiếp tục bận tâm về sự dai dẳng của lạm phát giá dịch vụ. Tăng trưởng giá dịch vụ trong tháng 6 là 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, bằng mức cao nhất 7 tháng ghi nhận trong tháng 5.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng việc lạm phát giá dịch vụ “cứng đầu” có thể sẽ khiến ECB đi đến quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 3,75% tại cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo vào ngày 18/7. Ngoài ra, các đợt giảm lãi suất tiềm năng sau đó sẽ tùy thuộc vào việc lạm phát sẽ giảm nhanh như thế nào.
“Việc lạm phát giá dịch vụ, yếu tố nhạy cảm nhất với các điều kiện kinh tế nội địa, duy trì ở mức cao trong năm nay đang làm gia tăng mức độ thận trọng của ECB”, nhà kinh tế Jack Allen-Reynolds của công ty nghiên cứu Capital Economics nhận định.
Chuyên gia Diego Iscaro của công ty S&P Global Market Intelligence kỳ vọng ECB không thay đổi lãi suất trong cuộc họp tháng 7, và dự báo ECB sẽ có thêm hai đợt giảm lãi suất trong năm nay, vào tháng 9 và tháng 12. Tuy nhiên, ông nói thêm: “Dự báo này có thể sẽ không trở thành hiện thực nếu lạm phát lõi không giảm trong những tháng tới”.
Theo Eurostats, lạm phát giá năng lượng ở eurozone giảm từ mức 0,3% trong tháng 5 xuống còn 0,2% trong tháng 6, còn lạm phát giá thực phẩm tươi sống giảm từ 1,8% trong tháng 5 xuống còn 1,4% trong tháng 6. Trong khi đó, lạm phát lõi - thước đo không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm để phản ánh chuẩn xác hơn áp lực giá cả nằm sâu trong nền kinh tế - đi ngang ở mức 2,9%.
Một loạt sự kiện thể thao và văn hóa, cùng với lượng du khách gia tăng trong mùa hè, được dự báo sẽ đẩy giá nhiều dịch vụ lên cao ở châu Âu, bao gồm các dịch vụ phòng khách sạn và vé máy bay.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói cơ quan này cần thời gian để xác định xem lạm phát đã thực sự được khống chế hay chưa, bởi còn có nhiều bấp bênh về việc “lợi nhuận, tiền lương và năng suất sẽ diễn biến như thế nào và liệu nền kinh tế có phải hứng chịu những cú sốc cung-cầu mới hay không”.
“Thị trường việc làm còn mạnh đồng nghĩa chúng tôi có thể có thêm thời gian để thu thập thêm thông tin, nhưng chúng tôi cũng cần chú ý tới thực tế rằng triển vọng tăng trưởng vẫn còn bấp bênh”, bà Lagarde phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị thường niên của ECB ở Sintra, Bồ Đào Nha hôm 2/7.
Tỷ lệ thất nghiệp ở eurozone duy trì ở mức thấp kỷ lục 6,4% trong tháng 5 - theo Eurostat. Số người không có việc làm trong khối trong tháng 5 tăng thêm 38.000 người lên 11,1 triệu người.
Ngoài tình hình lạm phát, thất nghiệp và tăng trưởng kinh tế, các nhà hoạch định chính sách của ECB còn đang dõi theo rủi ro biến động chính trị ở Pháp sau khi đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN) của chính trị gia Marine Le Pen giành chiến thắng trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử quốc hội vào cuối tuần vừa rồi.
Giới đầu tư cũng đồn đoán ECB có thể sẽ buộc phải can thiệp vào thị trường tài chính bằng cách mua vào trái phiếu Pháp nếu kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử dẫn tới một cuộc bán tháo. Vòng thứ hai của cuộc bầu cử này sẽ diễn ra vào ngày 7/7.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch ECB Luis de Guindos tỏ ra lạc quan về phản ứng của thị trường, nói rằng cách phản ứng không phải là “hỗn loạn” và chủ yếu cho thấy nhà đầu tư đang phản ứng với khả năng xảy ra thay đổi trong chính sách tài khóa của Pháp. “Tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát”, ông de Guindos nói với kênh Bloomberg TV ngày 2/7.