08:50 22/02/2008

"Lạm phát sẽ giảm mạnh nhờ thắt chặt tiền tệ"

Thùy Trang

Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á nói về biện pháp thắt chặt tiền tệ của Việt Nam để chống lạm phát

"Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng những nền tảng kinh tế Việt Nam là vững chắc và sẽ tăng trưởng ở mức 8,5-9% trong giai đoạn trung hạn và dài hạn".
"Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng những nền tảng kinh tế Việt Nam là vững chắc và sẽ tăng trưởng ở mức 8,5-9% trong giai đoạn trung hạn và dài hạn".
Đó là dự báo của ông Haruhiko Kuroda, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á, về tác động của biện pháp thắt chặt tiền tệ của Việt Nam đchống lạm phát.

Thưa ông, trong các cuộc gặp của ông với các nhà lãnh đạo Việt Nam, hai bên có thảo luận về những rủi ro của nền kinh tế toàn cầu hiện nay tác động tới Việt Nam?

Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng những nền tảng kinh tế Việt Nam là vững chắc và sẽ tăng trưởng ở mức 8,5-9% trong giai đoạn trung hạn và dài hạn với điều kiện Việt Nam tiếp tục các nỗ lực cải cách kinh tế và cải thiện cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, về mặt ngắn hạn, năm 2008, nền kinh tế Việt Nam cũng như các nền kinh tế châu Á khác có thể bị tác động nhất định bởi sự sụt giảm tăng trưởng toàn cầu bắt nguồn từ Hoa Kỳ.

Theo dự báo cập nhật của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Hoa Kỳ có thể giảm sút xuống còn 1,5% và các nền kinh tế OECD cũng giảm tăng trưởng. Chính vì vậy, các nền kinh tế châu Á trong đó có Việt Nam sẽ chịu tác động nhất định của sự sụt giảm nền kinh tế toàn cầu hiện nay.

Tuy nhiên, tác động đối với nền kinh tế Việt Nam là không nhiều, có thể sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2008 sẽ giảm xuống, không cao như mức 8,5% của năm ngoái mà sẽ giảm xuống còn 8%. Chúng tôi cho rằng sự giảm sút không đáng kể về sự tăng trưởng kinh tế như vậy là điều hữu ích và tốt cho Việt Nam, tạo động lực cho Việt Nam trong việc giảm sức ép về lạm phát như đã được chứng kiến trong thời gian vừa qua.

Như vậy, trong thời gian ngắn hạn nền kinh tế Việt Nam có thể giảm một chút về sự tăng trưởng, nhưng thời gian trung hạn và dài hạn thì nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng cao 8,5-9%.

Trong cuộc gặp với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông đã thảo luận vấn đề gì? Ông khuyến nghị như thế nào về chính sách tiền tệ hiện tại của Việt Nam trong bối cảnh chỉ giá tiêu dùng và lạm phát đang tăng?

Trong cuộc làm việc của tôi với ông Thống đốc, chúng tôi đã thảo luận nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cũng như sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và ADB trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giáo dục, quản trị.

Khi làm việc với Thống đốc, chúng tôi cũng lập luận rằng trong bối cảnh sức ép lạm phát hiện nay của Việt Nam đang tăng, vấn đề là Chính phủ Việt Nam cần phải có chính sách tiền tệ phù hợp. Theo chúng tôi, Việt Nam nên thắt chặt chính sách tiền tệ; giám sát chặt chẽ các chỉ số về lạm phát cũng như cán cân thanh toán, các điều kiện liên quan để đảm bảo tăng trưởng kinh tế.

Trong thời gian vừa qua, lạm phát ở Việt Nam đã tăng lên 2 con số nhưng tôi tin tưởng rằng với chính sách tiền tệ thắt chặt, Việt Nam có thể giảm tỉ lệ lạm phát xuống 1 con số trong vòng vài tháng tới, còn 7-8%, thậm chí còn giảm xuống nữa trong năm 2009.

Ông có thể cho biết Việt Nam cần tập trung vào những nhân tố nào để đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững và ít phải chịu ảnh hưởng bởi những biến động đang diễn ra trong môi trường kinh tế toàn cầu?

Sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm sút đáng kể và điều này sẽ tác động tới nền kinh tế châu Á trong đó có Việt Nam. Lạm phát cũng đang tăng lên do giá dầu và hàng hoá lương thực tăng lên tác động đến các nước châu Á trong đó có Việt Nam.

Chúng ta cũng cần phải giám sát chặt chẽ những biến động trong tài khoản vãng lai, đặc biệt là giám sát cách thức mà tài khoản vãng lai đó được cấp vốn bởi các dòng vốn. Bởi vì mặc dù những bất ổn của thị trường tài chính đã giảm xuống nhưng nó cũng có tác động nhất định đối với các dòng vốn hiện nay.

Tại sao lạm phát lại tăng trong lúc sự tăng trưởng kinh tế ở châu Á trong đó có Việt Nam lại có xu hướng giảm xuống?

Có hai nguyên nhân. Thứ nhất là luôn luôn có độ trễ về mặt thời gian giữa sự tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát để điều chỉnh đến mức độ phù hợp.

Yếu tố thứ hai là các nền kinh tế châu Á, đặc biệt là nền kinh tế Việt Nam chịu sự tác động rất lớn của những nhân tố bên ngoài. Đó là xu hướng giá dầu, lương thực tăng nhanh trong thời gian vừa qua và chỉ trong mấy ngày qua, giá dầu đã tăng kỷ lục. Chính vì thế, tôi cho rằng các chính phủ châu Á cần phải giám sát chặt chẽ những biến động như vậy, đặc biệt là sức ép về lạm phát. Do đó cần phải áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt để ứng phó với tình hình này.

Nhấn mạnh nhân tố bên ngoài có tác động lớn đến lạm phát của Việt Nam. Nhưng tại sao các nước khác trong khu vực châu Á vẫn duy trì được mức lạm phát chỉ bằng 1/4 - 1/5 so với Việt Nam, thưa ông?

Nếu nhìn vào các nền kinh tế châu Á khác cũng có nhiều nền kinh tế có tỉ lệ lạm phát cao như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan. Tuy nhiên, cũng có nhóm nước Đông Nam Á cũng có tỉ lệ lạm phát tương đối thấp như Thái Lan, Philippines. Những nước này mặc dù lạm phát thấp nhưng cũng là những nước chịu nhiều tác động bởi các nhân tố bên ngoài.

Tuy nhiên, bí quyết của những nước này trong thời gian vừa qua là tăng giá đồng nội tệ lên rất nhiều. Điều đó làm cho các nguồn nhập khẩu của họ ít tạo ra những biến động về lạm phát. Chính vì thế, Việt Nam cần phải có chính sách thắt chặt tiền tệ cũng như phải thực hiện việc quản lý tài khoá một cách thận trọng.